Thúc đẩy kiểm toán hợp tác để nâng cao năng lực, vị thế trên trường quốc tế

(BKTO) - Một dấu ấn trong công tác đối ngoại của KTNN Việt Nam những năm qua chính là việc phối hợp thực hiện kiểm toán với các đối tác nước ngoài nhằm nâng cao năng lực, vị thế trên trường quốc tế. Hoạt động này cũng phù hợp với xu hướng của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua.




Cuộc họp trực tuyến Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55 diễn ra vào tháng 7/2020. Ảnh tư liệu

Kiểm toán hợp tác - xu thế tất yếu của các SAI trong bối cảnh hội nhập

Nhiều thập kỷ qua, các cuộc kiểm toán hợp tác đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) với sự hỗ trợ từ Cơ quan Sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI). Theo đó, nhằm thúc đẩy các chương trình kiểm toán hợp tác giữa các SAI thành viên, góp phần xây dựng các hướng dẫn, phương pháp, quy trình kiểm toán tiên tiến, INTOSAI đã thành lập Tiểu ban về Kiểm toán hợp tác trực thuộc Ủy ban Tăng cường năng lực năm 2016 và ban hành Hướng dẫn thực hiện kiểm toán hợp tác.

Bên cạnh đó, đến nay, Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của INTOSAI (INTOSAI WGEA) đã ban hành 3 Hướng dẫn: SAI có thể hợp tác như thế nào về Kiểm toán các Hiệp định môi trường quốc tế năm 1998; Kiểm toán của Hiệp định môi trường quốc tế năm 2001; Hợp tác giữa các SAI: Kinh nghiệm hay và ví dụ cho kiểm toán hợp tác năm 2007. Từ đó đến nay, mô hình kiểm toán hợp tác trở thành xu hướng phát triển tại nhiều khu vực. Thông qua những cuộc kiểm toán chung, các SAI có thể trao đổi kinh nghiệm và các thông lệ kiểm toán tốt nhất để nâng cao năng lực hoạt động.

Nhằm thúc đẩy vai trò của SAI trong việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 chú trọng 2 nội dung: Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững và kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững. Đáng lưu ý, Tuyên bố Hà Nội khuyến khích việc thực hiện các cuộc kiểm toán chung phối hợp giữa các SAI và cam kết xây dựng các cơ chế, quy trình để hỗ trợ cho hoạt động này. Theo đó, ngoài việc tăng cường năng lực cho các SAI thành viên thông qua xây dựng hướng dẫn, tổ chức hoạt động đào tạo, chia sẻ kiến thức, ASOSAI còn chú trọng thực hiện các cuộc kiểm toán hợp tác trong 2 lĩnh vực này. Một trong những hoạt động quan trọng do Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của ASOSAI (ASOSAI WGEA) phụ trách và đưa vào Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2022 là cuộc kiểm toán hợp tác về môi trường của các SAI thành viên thuộc khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2020-2021.

Nâng cao năng lực chuyên môn thông qua các cuộc kiểm toán hợp tác

Để góp phần thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội, với vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN Việt Nam đã đề xuất thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác giữa các thành viên ASOSAI với chủ đề: “Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”. Đề xuất này đã được thông qua tại Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55 vào tháng 7/2020.

Dự kiến, các SAI sẽ triển khai kiểm toán từ tháng 3 - 5/2021. Để chuẩn bị cho việc triển khai cuộc kiểm toán, cuối năm 2020, KTNN Việt Nam và 2 SAI tham gia: Myanmar, Thái Lan đã ký kết Tuyên bố kèm theo Điều khoản tham chiếu, xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện cuộc kiểm toán. Kết quả kiểm toán được kỳ vọng sẽ giúp các SAI đưa ra những phân tích, đánh giá và giải pháp mang tính bền vững, góp phần đấu tranh cho vấn đề dòng nước sông Mê Công. Đây còn là cơ hội để các SAI nâng cao năng lực, tăng cường sự hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về kiểm toán môi trường, thúc đẩy phát triển lĩnh vực kiểm toán này trong tương lai.

Trước đó, giai đoạn 2012-2013, trong khuôn khổ hợp tác ASOSAI, KTNN Việt Nam cũng đã phối hợp với 4 SAI: Thái Lan (SAI chủ trì), Campuchia, Lào và Myanmar tổ chức thành công cuộc kiểm toán song song các vấn đề về nước lưu vực sông Mê Công. Kết quả kiểm toán cho thấy hệ thống chính sách, pháp luật cũng như việc tuân thủ chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông Mê Công nói riêng ở các quốc gia liên quan còn nhiều bất cập. Điều này dẫn đến việc khai thác, sử dụng nước bất hợp lý, thiếu quy hoạch, tình trạng ô nhiễm nguồn nước có xu hướng gia tăng nghiêm trọng. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, các SAI đã kiến nghị cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường, ứng phó với thực trạng riêng của từng quốc gia. Kết quả của cuộc kiểm toán này sẽ là cơ sở để KTNN Việt Nam tiếp tục phối hợp với SAI: Myanmar và Thái Lan thực hiện tốt cuộc kiểm toán hợp tác về việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công giai đoạn 2020-2021.

Ngoài 2 cuộc kiểm toán nêu trên, KTNN còn phối hợp với KTNN Liên bang Nga kiểm toán Liên doanh Nga - Việt Vietsovpetro giai đoạn 2011-2015 nhằm đánh giá việc tuân thủ của các bên tham gia liên doanh đối với những điều khoản trong Hiệp định liên Chính phủ; các hoạt động của liên doanh liên quan đến việc phát triển các mỏ dự trữ tại khu 09-1 trên thềm lục địa Việt Nam và bán các sản phẩm từ khí hidrocacbon. Kết quả kiểm toán xác nhận, Vietsovpetro hoạt động có hiệu quả và là một liên doanh có vị trí quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà đối với cả các nước trong khu vực. Báo cáo kiểm toán chung cũng đã đưa ra các khuyến cáo giúp Vietsovpetro nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cuộc kiểm toán này đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa 2 cơ quan vì lợi ích chung của nền kiểm toán khu vực và thế giới.

Trong kế hoạch hoạt động đối ngoại năm 2021, KTNN Việt Nam tiếp tục khai thác thế mạnh chuyên môn thông qua các hình thức hợp tác, trong đó có kiểm toán chung. Việc thực hiện hoạt động này sẽ giúp KTNN học hỏi thêm kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như vị thế trên trường quốc tế.
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy kiểm toán hợp tác để nâng cao năng lực, vị thế trên trường quốc tế