Thành lập Nhóm Công tác của ASOSAI về kiểm toán Các mục tiêu phát triển bền vững

(BKTO) - Như đã đưa tin, trong khuôn khổ Cuộc họp Ban điều hành Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 55, diễn ra chiều 27/7, trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu của Ủy ban Đặc biệt của ASOSAI về tính khả thi của việc thành lập Nhóm Công tác của ASOSAI về kiểm toán Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Ban điều hành ASOSAI đã chính thức thông qua đề xuất về việc thành lập Nhóm Công tác của ASOSAI về SDGs.




Đại diện SAI Hàn Quốc tham dự Cuộc họp (ảnh chụp qua màn hình)

Báo cáo tại Cuộc họp, đại diện Ủy ban Kiểm toán quốc gia Kuwait (SAB) cho biết, trong cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 54 tổ chức từ ngày 23-24/7/2019, tại Kuwait, SAB đã trình bày về một nghiên cứu có tiêu đề “Vai trò của SAI trong thúc đẩy SDGs”. Nghiên cứu đã đề xuất thành lập một Nhóm Công tác trong ASOSAI để xử lý các vấn đề liên quan SDGs. Mục tiêu của Nhóm là chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức giữa các SAI khác nhau về các lĩnh vực liên quan đến SDGs trong vòng 10 năm tiếp theo (đến 2030), nhằm làm giàu cho lĩnh vực này ở cả cấp độ khu vực và quốc tế.

Theo Quy tắc của ASOSAI, một trong những chức năng của Ban Điều hành là “thành lập các Ủy ban thực hiện các mục đích cụ thể, các dự án và xây dựng quy tắc, quy trình cho từng ủy ban”. Do đó, Ban Điều hành đã quyết định thành lập một Ủy ban đặc biệt để nghiên cứu về tính khả thi của đề xuất và bầu chọn SAB là SAI chủ trì của Ủy ban này cùng 6 thành viên gồm các SAI: Trung Quốc, Nhật Bản, Nê-pan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Đại diện SAB nêu rõ, trong cơ cấu tổ chức của ASOSAI hiện nay không có một nhóm công tác/ủy ban nào chịu trách nhiệm theo dõi SDGs. Tuy Nhóm Công tác về kiểm toán môi trường của ASOSAI (ASOSAI WGEA) có một vai trò thiết yếu trong việc thực hiện các hoạt động/dự án SDGs liên quan đến các vấn đề môi trường song SDGs còn bao gồm hai lĩnh vực liên quan đến các vấn đề kinh tế và xã hội mà hiện nay không có bộ phận cụ thể nào trong ASOSAI quản lý. Hơn nữa, ASOSAI WGEA sẽ hoạt động vượt ngoài phạm vi trách nhiệm của mình nếu đảm nhiệm 2 lĩnh vực nói trên.

Đại diện SAI Nga tham dự Cuộc họp (ảnh chụp qua màn hình)

Mặt khác, Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 tổ chức tại Việt Nam đã xác định vai trò của ASOSAI và nỗ lực của tổ chức đối với việc đạt được SDGs. Tuyên bố đặt ra hai mục tiêu chiến lược gồm: Thúc đẩy chia sẻ kiến thức và tăng cường năng lực trong cộng đồng ASOSAI về kiểm toán môi trường vì phát triển bền vững do SAI Trung Quốc - Chủ tịch của Nhóm Công tác về kiểm toán môi trường ASOSAI (ASOSAI WGEA), chủ trì.

         
Nhóm Công tác của ASOSAI về SDGs sẽ tiếp cận được tất cả các thành viên ASOSAI và có thể thực hiện tất cả các hoạt động và dự án liên quan đến SDGs sau khi phối hợp chặt chẽ và thống nhất với WGEA và Chủ tịch Ủy ban Phát triển năng lực (CDA) nhằm tránh trùng lặp và chồng lấn nhiệm vụ. Nhóm công tác cũng sẽ tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên đề và các cuộc họp liên quan đến SDGs ở cấp độ INTOSAI và Liên Hợp Quốc. Nhóm Công tác sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình cho đến khi kết thúc Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc đến năm 2030. Mục tiêu chính của Nhóm Công tác ASOSAI về SDGs là thúc đẩy vai trò của các thành viên ASOSAI trong đánh giá việc triển khai SDGs trong khu vực.
Mục tiêu thứ hai là thực hiện SDGs và giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu được phân bổ cho các nhóm nghiên cứu/dự án riêng lẻ. “Do đó, việc có một nhóm công tác chịu trách nhiệm về SDGs trong 10 năm tới là điều cần thiết nhằm cung cấp mức độ đảm bảo cao hơn về tính hiệu lực của việc thực hiện Mục tiêu chiến lược thứ hai” - Báo cáo nghiên cứu nêu rõ.

Hiện nay, ASOSAI đang triển khai nhiều hoạt động, dự án liên quan đến SDGs. Tuy nhiên, kiểm toán hợp tác/phối hợp về SDGs liên quan đến các khía cạnh kinh tế và xã hội hoặc các báo cáo khác về tiến độ thực hiện SDGs của khu vực ASOSAI vẫn chưa được thực hiện (trừ Chương trình kiểm toán hoạt động hợp tác IDI-ASOSAI về SDGs giai đoạn 2020-2021), trong đó các khía cạnh kinh tế và xã hội có thể được lựa chọn theo các mục tiêu quốc gia của các SAI tham gia.

Tại Cuộc họp, sau khi các thành viên Ban điều hành thảo luận và nhất trí thông qua việc thành lập Nhóm Công tác về kiểm toán SDGs, với tư cách là Chủ tịch ASOSAI, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị Ủy ban đặc biệt của ASOSAI triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo, như: xây dựng điều khoản tham chiếu của Nhóm Công tác, xác định thành viên Nhóm Công tác để báo cáo tại Cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 56 diễn ra tại Thái Lan.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Cùng chuyên mục
Thành lập Nhóm Công tác của ASOSAI về kiểm toán Các mục tiêu phát triển bền vững