Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ: Phong trào thi đua của Kiểm toán Nhà nước luôn có sự đổi mới, sáng tạo, có chiều sâu, tạo được dấu ấn tốt đẹp

(BKTO) - Sáng 02/10, KTNN vinh dự được đón Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV. Báo Kiểm toán xin trích đăng ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội.



                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu chỉ đạo Đại hội

   

…Hôm nay, tôi rất vui mừng và phấn khởi đến dự Đại hội thi đua yêu nước KTNN lần thứ IV. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi nhiệt liệt chào mừng đại biểu các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo KTNN qua các thời kỳ; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN và hơn 300 đồng chí đại biểu ưu tú đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước KTNN 5 năm qua.

Lời đầu tiên, tôi xin gửi lời chúc mừng tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN đang nỗ lực phấn đấu công tác, không quản ngại khó khăn gian khổ, vì nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững.

Ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào hành động cách mạng của toàn dân dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng. Nhìn lại chặng đường hơn 70 năm qua, chúng ta có thể khẳng định và ghi nhận những thành quả to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với việc tổ chức và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua ái quốc trên phạm vi cả nước. Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Bác Hồ đã nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Từ đó, phong trào thi đua phát triển ngày càng mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, với nhiều nội dung phong phú, hình thức sinh động và đổi mới, góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, phong trào thi đua không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc mà còn là khát vọng được cống hiến vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại hội thi đua yêu nước KTNN lần thứ IV là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực chào mừng kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước trong năm 2020; chào mừng Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cá nhân tôi và tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội phấn khởi nhận thấy, 5 năm qua KTNN đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu quan trọng. Tôi đánh giá cao phong trào thi đua của KTNN luôn có sự đổi mới, sáng tạo, có chiều sâu, tạo được dấu ấn tốt đẹp với nhiều mô hình mới, nhiều điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc. Phong trào thi đua đã thể hiện sự quyết tâm, sáng tạo trong công việc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng KTNN ngày càng vững mạnh.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực và thành tích rất đáng tự hào của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN, đặc biệt là biểu dương khen ngợi các tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước KTNN 5 năm qua.

Trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời gian tới có nhiều thuận lợi, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Để kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phương hướng nhiệm vụ đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ nhất là đổi mới tư duy, hoàn thành cơ chế chính sách, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khôi phục mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước, tạo động lực mới cho sự phát triển.
Với vai trò là cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN là một trong những công cụ hữu hiệu trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, thất thoát, lãng phí, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giữ vững nền tài chính quốc gia. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả KTNN đã đạt được trong những năm qua.
                
   

Quang cảnh Đại hội

   

Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân giao phó, trong công tác thi đua, yêu nước, đề nghị Ban cán sự, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN và tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm đó là:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện lời dạy của Người “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”; quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về thi đua, khen thưởng; quán triệt phương hướng, mục tiêu của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Cụ thể hóa chủ trương thi đua thành nghị quyết, mục tiêu, nhiệm vụ của từng cấp ủy đảng, từng đơn vị và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong giai đoạn tới.

Hai là, các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của KTNN phải tập trung, bám sát yêu cầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành, Trước hết là thi đua xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Các phong trào thi đua phải gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thường xuyên nêu cao tinh thần không ngừng thi đua phấn đấu giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương công chức, công vụ góp phần bảo vệ vững chắc nền tài chính quốc gia. Thi đua từ chính việc hoàn thành công việc chuyên môn, nhiệm vụ hàng ngày của từng người, từng đơn vị; phát huy sáng tạo, xây dựng, phát hiện và nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay và điển hình tiên tiến.

Ba là, Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng cả về nội dung, hình thức và phương thức tổ chức phong trào thi đua. Quá trình thi đua phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xác định rõ trọng tâm, trọng điểm với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, rõ ràng, phù hợp, thiết thực gắn với lợi ích tập thể và đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Phong trào thi đua phải đi vào thực chất, tránh hình thức. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng cần phải chú ý gắn các phong trào thi đua với công tác khen thưởng, “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Công tác thi đua, khen thưởng phải bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Việc phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng phải có tính nêu gương thực sự.

Bốn là, tăng cường công tác giáo dục để xây dựng cho mọi tập thể và cá nhân có động cơ và thái độ hành động đúng; phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước, kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua yêu nước của KTNN với phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, địa phương trong toàn quốc.

Tôi tin tưởng rằng, Đại hội thi đua yêu nước KTNN lần thứ IV sẽ thành công tốt đẹp. Sau Đại hội, phong trào thi đua yêu nước KTNN tiếp tục phát triển mạnh mẽ với khí thế mới, tinh thần mới, quyết tâm mới, thực sự là động lực to lớn cổ vũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành vươn lên lập nhiều thành tích xuất sắc, làm cho vườn hoa người tốt, việc tốt, vườn hoa thi đua của KTNN và của cả nước ngày càng rực rỡ, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có việc triển khai thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Cùng chuyên mục
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ: Phong trào thi đua của Kiểm toán Nhà nước luôn có sự đổi mới, sáng tạo, có chiều sâu, tạo được dấu ấn tốt đẹp