Phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong cổ phần hóa doanh nghiệp

(BKTO) - Ngày 24/11, tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các DNNN và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những điểm bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan đến việc tái cơ cấu, đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNNN, nhất là các phương pháp xác định giá trị DNNN trước cổ phần hóa (CPH). Đáng chú ý, nhiều ý kiến đã nhấn mạnh vai trò của KTNN trong công tác kiểm toán xác định giá trị DNNN trước CPH, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia.




Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Thực hiện kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn gian nan

Ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN thời gian qua, nhất là về cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, nhưng ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN - nêu rõ, tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước tại DN còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, từ năm 2016 đến nay, đã có 177 DN được phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN trên 443.500 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước trên 207.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7/2020, mới chỉ tiến hành CPH được 37/128 DN thuộc danh mục theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, bằng 28% kế hoạch đặt ra. Còn 91 DN phải thực hiện CPH theo kế hoạch trong năm 2020.

PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - nhận định, có nhiều vướng mắc và khó khăn trong việc thực hiện CPH, như việc phê duyệt phương án sử dụng đất, kiểm toán giá trị DN. Trong khi các quy định mới về CPH, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn, khiến các DN phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình CPH. Tất nhiên, có nguyên nhân Bộ, ngành, địa phương, DNNN chưa quyết liệt triển khai thực hiện, ảnh hưởng tới tiến độ CPH và thoái vốn.

Ông Nguyễn Hồng Long cũng chỉ rõ, việc rà soát phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN thực hiện CPH gặp nhiều khó khăn; chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, nội dung, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất mà DN phải lập theo quy định; vướng mắc về đối tượng CPH là đơn vị sự nghiệp công lập; việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC, đăng ký giao dịch, niêm yết, quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần… chưa được thực hiện nghiêm túc.

Khi phân tích một số chính sách được áp dụng trong thực tiễn, TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế - chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất trong công tác CPH DN là về đất đai, nguy cơ lớn nhất là thất thoát đất công khi CPH. Những giải pháp chống thất thoát đất công trước và sau khi CPH thể hiện trong Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu xác định đúng giá trị DN CPH, đặc biệt là giá trị đất đai trước và sau khi CPH thông qua quy trình lập, phê duyệt và thực thi phương án sử dụng đất của DN không những chưa phát huy hiệu quả thực tế mà còn là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho tiến trình CPH DNNN chững lại. Khâu rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất và phê duyệt phương án sử dụng đất của DN trải qua nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian do lịch sử, pháp lý đất đai phức tạp, khi cần lấy ý kiến các cơ quan lại bị kéo dài thời gian xử lý hồ sơ.

Cần phát huy hơn nữa vai trò,trách nhiệm của Kiểm toánNhà nước

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, cần phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của KTNN trong việc kiểm toán xác định giá trị DN trước khi CPH. PGS,TS. Trương Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách Tư pháp (Ban Nội chính T.Ư) - nhấn mạnh, KTNN có chức năng “đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, do đó, trong quá trình CPH DNNN, KTNN cần phát huy tích cực vai trò kiểm toán kết quả tư vấn định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính.

Dẫn Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nêu rõ: “Trách nhiệm của KTNN trong việc kiểm toán xác định giá trị DN, định giá tài sản, vốn nhà nước”. Do đó, thời gian qua, KTNN đã đẩy mạnh công tác kiểm toán quá trình xác định giá trị DNNN trước CPH, góp phần tích cực trong việc minh bạch hóa nền tài chính quốc gia, phòng, chống tham nhũng, chống thất thoát tài sản công; góp phần tháo gỡ các nút thắt, những bất cập trong quá trình triển khai CPH các DNNN.

Từ năm 2017 đến nay, KTNN đã kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH của 16 DN và xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447,68 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với 2 công ty đủ điều kiện, KTNN xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm so với phương pháp tài sản 15.684,31 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN đã kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 DN và xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước 1.576,96 tỷ đồng.

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên nêu rõ, kết quả kiểm toán cho thấy nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất… Việc xử lý các vấn đề tài chính trước khi CPH và định giá DN cũng còn nhiều hạn chế, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán...

Các đại biểu nhấn mạnh, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN còn có nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả đối với công tác cơ cấu, đổi mới, sắp xếp DNNN. Ông Lê Song Lai - Phó Tổng Giám đốc SCIC - nhận định: KTNN kiểm toán để đánh giá thực trạng công tác định giá DN phù hợp với thị trường và quy định của pháp luật, các bất cập đang diễn ra trong quá trình CPH để kịp thời tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách hiện hành nhằm đẩy nhanh tiến độ CPH, đóng góp quan trọng để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN, góp phần tích cực trong việc minh bạch hoá nền tài chính quốc gia, phòng, chống tham nhũng, hướng đến mục tiêu hiệu quả, hiệu lực.

Hơn nữa, ông Vũ Đức Nguyên - Phó Chủ tịch Ủy ban Hội viên ACCA Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam - chỉ ra rằng, kết quả kiểm toán các DNNN CPH do KTNN thực hiện sẽ góp phần tăng cường và tạo sự tin tưởng của nhà đầu tư khi đầu tư vào DN, giúp đẩy nhanh quá trình CPH, giúp Nhà nước nhanh chóng thu được các nguồn thu từ CPH để kịp thời sử dụng cho những mục đích cấp thiết của quốc gia. Nhờ việc minh bạch thông tin sẽ giúp các DNNN đang trong tiến trình CPH niêm yết, tiếp cận thị trường vốn một cách hiệu quả, tăng sức hút với các nhà đầu tư tiềm năng.

Đưa ra kiến nghị cần phát huy hơn nữa vai trò của KTNN, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng: “KTNN không chỉ chú trọng vào kiểm toán kết quả xác định giá trị DN mà nên tiến hành kiểm toán tất cả các bước trong quá trình CPH. Theo đó, thực hiện kiểm toán theo loại hình kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động để đánh giá toàn diện quá trình CPH và có những ý kiến đóng góp cho việc hoàn thiện chính sách về việc CPH DNNN”.
         
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Để nâng cao hiệu quả công tác CPH tại các DNNN, cần tăng cường công cụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đặc biệt là vai trò của KTNN. Trong đó, tập trung kiểm toán tuân thủ, thực hiện các quy định, quy trình trong quá trình CPH DNNN; tăng cường kiểm toán chuyên đề, các nội dung liên quan đến CPH DNNN; tăng cường hiệu lực pháp lý về chế tài thực hiện các kết luận kiểm toán cũng như trách nhiệm giải trình của các đơn vị liên quan đến CPH DNNN; tăng cường công khai kết quả kiểm toán của KTNN.
H.THOAN - L.HÒA
Cùng chuyên mục
  • Cần xác định rõ phạm vi, mục tiêu, đối tượng của từng đề tài nghiên cứu khoa học
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đây là yêu cầu của GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - đối với các Ban Đề tài tại cuộc họp thẩm định đề cương, thuyết minh Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2021 vừa diễn ra sáng 25/11 tại Hà Nội. Cùng dự họp có Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa và các thành viên trong Tổ thẩm định.
  • Khai mạc Hội thảo về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và vai trò của Kiểm toán Nhà nước
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sáng 24/11, tại Hà Nội, Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” đã khai mạc. Đồng chủ trì Hội thảo có GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Lê Minh Nam - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán và ông Vũ Đức Nguyên - Phó Chủ tịch Ủy ban Hội viên ACCA Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam.
  • Covid-19 và xu hướng thay đổi trong hoạt động kiểm toán nội bộ
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đại dịch Covid-19 đã làm nổi rõ các rủi ro mới, trong đó có rủi ro mà trước đây DN có thể chưa dự tính đầy đủ. Do vậy, bộ phận kiểm toán nội bộ (KTNB) cần nắm bắt được những thay đổi đã xảy ra và linh hoạt trong kế hoạch kiểm toán để giúp DN quản lý rủi ro, đạt được mục tiêu đã đề ra.
  • Kiểm toán doanh nghiệp năm 2019: Kỳ cuối - Bất cập xử lý tài sản, xác định vốn nhà nước tại doanh nghiệp
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Năm 2019, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa của 2 DN; quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 9 tổng công ty (TCT). Qua đó, tình trạng xử lý tài sản chưa đúng quy định tại nhiều đơn vị đã được KTNN chỉ ra, đồng thời quyết toán giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tăng gần 1.260 tỷ đồng.
  • Nâng cao hiệu quả sử dụng chuyên gia trong hoạt động kiểm toán
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trong hoạt động kiểm toán, việc sử dụng chuyên gia để giúp thu thập các bằng chứng kiểm toán thích hợp là xu thế được các tổ chức kiểm toán tối cao trên thế giới thực hiện, KTNN Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, sử dụng ý kiến chuyên gia thế nào để nâng cao hiệu quả kiểm toán, trách nhiệm của chuyên gia trong hoạt động kiểm toán đến đâu… là những vấn đề được nhiều đơn vị lưu ý.
Phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong cổ phần hóa doanh nghiệp