Phát hiện nguy cơ thất thu thuế tài nguyên khoáng sản hàng nghìn tỷ đồng nhờ công nghệ viễn thám

(BKTO) - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán




Phó Tổng Kiểm toán Nhà nướcĐoàn Xuân Tiên

♦ Thưa Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, áp dụng công nghệ viễn thám trong kiểm toán tài nguyên khoáng sản là vấn đề được ông quan tâm và chỉ đạo sát sao. Xin ông chia sẻ cụ thể về vấn đề này?

- Việc áp dụng công nghệ để thu thập bằng chứng kiểm toán, nhất là với các cuộc kiểm toán chuyên đề khai thác khoáng sản là thực sự cần thiết. Bởi lẽ, khi kiểm toán hoạt động khai thác khoáng sản, KTNN gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại liên quan đến việc thu thập bằng chứng về sản lượng khai thác do diện tích, thể tích khai thác đã bị khuất lấp, hiện trạng đã thay đổi quá nhiều so với ban đầu, khó có thể phục hồi bằng các phương pháp thủ công, trong khi đó, rủi ro sai phạm rất cao. Năm 2017, tôi chỉ đạo cuộc kiểm toán ngân sách TP. Hải Phòng do KTNN khu vực VI thực hiện. Qua khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán, đơn vị cho biết, rủi ro gian lận sản lượng khai thác đá vôi tại huyện Thủy Nguyên có thể dẫn đến sai phạm, thiếu sót lớn trong thực hiện nghĩa vụ NSNN.

Kết quả nghiên cứu, phân tích phương pháp thu thập bằng chứng cho thấy, nếu đơn vị chỉ áp dụng phương pháp kiểm toán truyền thống dựa trên hồ sơ hoặc đo đạc thủ công tại hiện trường thì khó có thể phát hiện việc khai thác vượt trữ lượng, ranh giới được cấp phép dẫn đến kê khai không trung thực, làm thất thu ngân sách và ảnh hưởng lớn đến môi trường. Chính vì vậy, tôi đã yêu cầu đơn vị thí điểm áp dụng công nghệ viễn thám để xác định khối lượng khoáng sản khai thác tại hiện trường. Công nghệ này sử dụng thiết bị bay không người lái có gắn hệ thống cảm biến đặc biệt để thu thập số lượng lớn hình ảnh tại hiện trường, từ đó lập bản đồ mô hình số tại thời điểm đo, so sánh với bản đồ mô hình số tại thời điểm cấp phép, giao mỏ để tính toán khối lượng khoáng sản đã khai thác, đối chiếu với khối lượng kê khai nhằm tính toán nghĩa vụ của DN với NSNN có đúng, đủ hay không.

♦ Ông có thể cho biết lần đầu tiên áp dụng công nghệ này, KTNN đã gặp những khó khăn, thách thức gì?

- Khó khăn lớn nhất khi áp dụng công nghệ viễn thám là sự hiểu biết và kiến thức chuyên sâu của kiểm toán viên về công nghệ còn ít. Vì vậy, việc đầu tiên là dựa vào chuyên gia và phải lựa chọn được đội ngũ chuyên gia đủ năng lực, uy tín cũng như kinh nghiệm. Hai là, quá trình đo đạc, tính toán kết quả của KTNN khu vực VI chịu áp lực lớn về thời gian (trong 1 tháng phải hoàn thành công việc và kết quả phải chắc chắn).

Ba là, việc ứng dụng công nghệ phải đảm bảo hiệu quả cả về chi phí kiểm toán và kết quả kiểm toán. Bốn là, quá trình đo đạc tại hiện trường phải đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho chuyên gia, Tổ, Đoàn kiểm toán và các phương tiện, thiết bị sử dụng. Năm là, KTNN khu vực VI phải có phương án bảo vệ kết quả phát hiện (đo và tính toán), giảm thiểu tối đa các yếu tố tác động, ảnh hưởng từ DN được đo đạc và các đơn vị bên ngoài đến đội ngũ chuyên gia. Ngoài ra, sau khi có kết quả đo đạc, đơn vị phải làm việc ngay với các cơ quan liên quan để trao đổi, thống nhất về kết quả đo, phương pháp tính toán xác định nghĩa vụ với ngân sách nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu lực kiểm toán.

♦ Vượt qua những khó khăn đó, Đoàn kiểm toán đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

- Việc áp dụng công nghệ viễn thám vào hoạt động kiểm toán đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, với cuộc kiểm toán nói trên, việc đo đạc phạm vi các mỏ của 2/10 DN tại huyện Thủy Nguyên bằng công nghệ viễn thám đã giúp Đoàn kiểm toán xác định và chứng minh tiềm ẩn thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, xử lý truy thu 294 tỷ đồng từ 1 DN, tạm tính số liệu truy thu 266,6 tỷ đồng đối với 1 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Đoàn còn phát hiện có hiện tượng sản lượng khai thác ngoài ranh giới mỏ được giao khoảng 14,78 triệu m3 đá vôi (ước tính thất thu ngân sách 1.178 tỷ đồng).

Với bằng chứng chắc chắn, đầy đủ căn cứ, cơ sở tính toán khoa học, tính thuyết phục cao, KTNN đã kiến nghị TP. Hải Phòng tiếp tục kiểm tra, thanh tra, tính toán lại đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài nói trên cũng như tất cả DN khai thác khác trên địa bàn, đồng thời chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc. Đến nay, cơ quan điều tra xác định các đơn vị này đều có sai phạm và đang tiếp tục làm rõ.

Vậy theo ông, KTNN cần phải làm gì để khai thác được những lợi thế mà công nghệ mang lại cho hoạt động kiểm toán?

- Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kiểm toán đã nâng cao chất lượng kiểm toán và phù hợp với định hướng phát triển của Ngành. Hơn nữa, KTNN cũng có đủ điều kiện để nhân rộng việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực kiểm toán.

Để đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động kiểm toán, toàn Ngành cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Bám sát Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tích cực đẩy mạnh việc nâng cao kiến thức, kỹ năng của kiểm toán viên; đầu tư hạ tầng, phương tiện và dữ liệu lớn, nhất là công nghệ quản lý, công nghệ kỹ thuật để sẵn sàng kiểm toán trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thực hiện tốt từ khâu khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán, kể cả sử dụng biện pháp thị sát, thám tính hiện trường, thu thập lịch sử thông tin và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm liên quan đến đối tượng, nội dung lĩnh vực kiểm toán.

Xác định và lường trước những rủi ro sẽ có sai sót, sai phạm trọng yếu, đặc biệt là những rủi ro sai phạm tiềm tàng, tiềm ẩn cao về kỹ thuật và có tính hệ thống trong quản lý, kỹ thuật của đối tượng kiểm toán.

Mạnh dạn đổi mới tư duy về áp dụng phương pháp, thủ tục kiểm toán mới; tham khảo chuyên gia và đề xuất tư vấn chuyên gia để áp dụng công nghệ vào việc thu thập bằng chứng kiểm toán.

Quyết liệt, chỉ đạo sát sao hoạt động ứng dụng công nghệ, ưu tiên bố trí nhân lực và kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ.

♦ Xin trân trọng cảm ơn ông!
         
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong kiểm toán khai thác tài nguyên khoáng sản, KTNN đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực kiểm toán khác, đem lại kết quả tích cực. Tiêu biểu như: việc ứng dụng công cụ CNTT trong cuộc kiểm toán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) năm 2015 và các cuộc kiểm toán Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, Tổng cục Thuế… từ năm 2016 đến 2019; ứng dụng công nghệ khoan hạng mục ngầm tại cuộc kiểm toán BOT cầu Bạch Đằng năm 2016; ứng dụng phần mềm trong cuộc kiểm toán Chuyên đề Đất đai nông - lâm trường giai đoạn 2014-2016 tại tỉnh Gia Lai, cuộc kiểm toán Dự án trong và ngoài khu liên cơ tỉnh Đắk Nông năm 2019...

THU HƯỜNG (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Phát hiện nguy cơ thất thu thuế tài nguyên khoáng sản hàng nghìn tỷ đồng nhờ công nghệ viễn thám