Nhận diện điểm “nghẽn” trong thực hiện tự chủ giáo dục đại học

(BKTO) - Sáng 27/11, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo giáo dục Việt Nam 2020 với chủ đề “Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì tổ chức, nhằm trao đổi, bàn luận về thực trạng triển khai tự chủ trong giáo dục đại học (GDĐH), theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH.



Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, đại diện các Bộ, ngành, địa phương. Tham dự hội thảo còn có khoảng 250 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước. Đại diện KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh tham dự Hội thảo.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh (người thứ 2 từ trái sang) tham dự Hội thảo

   

Tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao đã được Đảng và Nhà nước xác định là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng hàng đầu của đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu tại Hội thảo

   

Trước những yêu cầu mới của thời đại, GDĐH nước ta cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, từ năm 2014, đã có 23 cơ sở giáo dục đại học bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống GDĐH Việt Nam.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDĐH đã ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho GDĐH phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đối với các cơ sở GDĐH.
                
   

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn

   

Tuy nhiên, từ quy định chính sách đến thực tiễn thi hành còn nhiều rào cản cần phải tháo gỡ, còn khoảng cách cần phải thu hẹp. Theo đó, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn tập hợp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ trong GDĐH, nhất là từ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được ban hành và có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2019.

Trên cơ sở đó, đề xuất các ý tưởng, giải pháp giúp cho tự chủ đại học đi vào cuộc sống, thực chất, hiệu quả; tạo điều kiện cho GDĐH phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trong phiên sáng nay, Hội thảo đã đề cập đến vấn đề thể chế tự chủ trong giáo dục đại học. Các tham luận, thảo luận được trình bày tại Hội thảo đã bám sát chủ đề trọng tâm của hội nghị với nhiều góc nhìn khác nhau về thể chế, cơ chế thực hiện tự chủ đại học; mối quan hệ giữa trường đại học với cơ quan quản lý có thẩm quyền cũng như giữa các thiết chế quyền lực trong nội bộ nhà trường; trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH...

Theo ông Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - mặc dù quy định về tự chủ đã có, song khi triển khai trong thực tế vẫn gặp nhiều vướng mắc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Viên, về phía cơ quan chủ quản của trường còn tâm lý “ôm”, chưa sẵn sàng giao tự chủ, trong khi nhiều trường vốn quen được ngân sách nuôi, nay phải gánh hai chữ “tự chủ” nên cũng chưa sẵn sàng nhập cuộc.
                
   

Chủ tịch Hội đồng học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam Trần Đức Viên

   

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những vướng mắc hiện nay chủ yếu là vấn đề kỹ thuật. Điều quan trọng hơn là xác định rõ nội hàm và trách nhiệm khi thực hiện tự chủ các trường đại học sẽ làm gì. “Tự chủ đại học còn rất nhiều nội hàm cần hiểu cho đúng. Tự chủ không phải đơn thuần là tập trung vào yếu tố tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học, tăng quyền cho hiệu trưởng mà cần trao thêm quyền tự chủ cho các nhà khoa học, cho giảng viên...” - ông Đức nhấn mạnh.
                
   

Quang cảnh Hội thảo

   

Theo chương trình, chiều nay, phiên thảo luận tập trung vào vấn đề tự chủ tài chính trong GDĐH sẽ được diễn ra dưới sự điều hành của ông Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Tin và ảnh: NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Nhận diện điểm “nghẽn” trong thực hiện tự chủ giáo dục đại học