Khẳng định vai trò, sứ mệnh trong thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý, sử dụng nguồn lực công

(BKTO) - Nhân dịp kỷ niệm 26 năm Ngày thành lập KTNN (11/7/1994 - 11/7/2020), đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước - đã trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán, chia sẻ về vai trò, nhiệm vụ, mục tiêu của KTNN, một cơ quan độc lập, khách quan và liêm chính. Đồng thời, sau hơn 4 năm đảm nhiệm cương vị Tổng Kiểm toán Nhà nước, đồng chí cũng tâm sự cởi mở về trọng trách, khó khăn, thách thức của người đứng đầu cơ quan KTNN.



Thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, xin đồng chí vui lòng chia sẻ về việc thực hiện vai trò, trọng trách của cơ quan KTNN sau 26 năm xây dựng và phát triển?

         
   
Đồng chí Hồ Đức Phớc
   
   
- Như Hiến pháp và pháp luật đã quy định, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, làm nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm nâng cao việc sử dụng các nguồn lực nhà nước một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn; kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan nhà nước hoàn thiện chính sách pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, phòng chống tham nhũng hiệu quả, xử lý và thu hồi các tài sản công, tài chính quốc gia bị lãng phí và thất thoát.

Như vậy, hoạt động KTNN có đóng góp quan trọng và ý nghĩa đối với đất nước, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, sau đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, giúp các cơ quan, tổ chức sử dụng các nguồn lực nhà nước tiết kiệm và hiệu quả hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

♦ Thưa đồng chí, độc lập, khách quan và liêm chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của KTNN, đồng chí có thể phân tích rõ hơn về những yếu tố này trong bối cảnh hiện nay?

- Độc lập, khách quan và liêm chính là các giá trị cốt lõi trong hoạt động kiểm toán mà các kiểm toán viên nhà nước (KTV) có nghĩa vụ tuân thủ triệt để nhằm đảm bảo các kết luận và kiến nghị kiểm toán chính xác, đúng đắn. Tính độc lập của KTNN đã được quy định trong văn bản pháp luật cao nhất là Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

Quy định về tính độc lập, khách quan và liêm chính trong hoạt động kiểm toán không bị chi phối bởi sự can thiệp từ bên ngoài, từ các đối tượng kiểm toán làm sai lệch kết quả, kiểm toán sẽ gây nên hậu quả khôn lường. Vì vậy, độc lập, khách quan, liêm chính là vấn đề cốt lõi, sống còn của cơ quan kiểm toán. Cơ quan kiểm toán đã ban hành các quy định chặt chẽ trong hoạt động kiểm toán, KTV chỉ tuân theo quy định, thực hiện các chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán và các quy định khác của KTNN. Do đó, kết luận kiểm toán sẽ không bị chi phối bởi bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài.

Theo tôi, trong hoạt động kiểm toán, các đối tượng bị KTV phát hiện sai phạm vì phải chịu trách nhiệm pháp lý và thu hồi lợi ích vật chất nên sẽ tìm mọi cách tác động lợi ích vật chất hoặc tinh thần đến các KTV nhằm làm sai lệch kết quả kiểm toán. Vì vậy, KTV cần phải đề cao đạo đức “liêm chính”, nói không với tiêu cực, có bản lĩnh “từ chối”. Đây là điều kiện tiên quyết thắng lợi cho bất kỳ cuộc kiểm toán nào.

♦ Đến nay, đồng chí đã đảm đương cương vị Tổng Kiểm toán Nhà nước được hơn 4 năm, nhân dịp này, đồng chí có thể chia sẻ đôi điều với bạn đọc của Báo Kiểm toán?

- Tôi cho rằng, ở mỗi vị trí công tác, trong từng giai đoạn, từng thời kỳ luôn có khó khăn, thách thức và cơ hội đan xen. Trên cương vị Tổng Kiểm toán Nhà nước - là người đứng đầu cơ quan KTNN, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về tổ chức và hoạt động của KTNN, đây là một cơ hội để tôi đem sức lực, trí tuệ, trách nhiệm vào cương vị công tác mới; mặt khác, đây cũng là thách thức mà cá nhân tôi đã và đang không ngừng nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Quốc hội và nhân dân tin tưởng giao phó.

Thách thức lớn nhất đối với cá nhân tôi trên cương vị Tổng Kiểm toán Nhà nước là nhận diện đúng thách thức, khó khăn, tìm giải pháp để lãnh đạo tốt, đưa KTNN Việt Nam nhanh chóng trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công có uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiện đại; là một công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước. Để làm được như vậy, KTNN phải vượt qua nhiều thách thức, trước tiên là rào cản pháp lý. Mặc dù địa vị pháp lý, vai trò, chức năng của KTNN được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật KTNN đã ban hành vào năm 2015, tuy nhiên, cuộc sống không ngừng phát triển, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm cho một số ngành thay đổi, công nghệ số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… đòi hỏi thay đổi cách thức kiểm toán. Do đó, KTNN tập trung đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật KTNN năm 2015 cho phù hợp với xu thế hoạt động kiểm toán, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Vấn đề thứ hai là quy trình, hệ thống chuẩn mực kiểm toán, hệ thống mẫu biểu, áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán và yêu cầu thực tiễn về phát triển công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường, kiểm toán hoạt động cần phát triển mạnh, đòi hỏi KTNN tập trung thực hiện.

Thách thức thứ ba là nguồn nhân lực. Để KTNN trở thành một cơ quan kiểm toán uy tín, có trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiện đại, KTNN phải có nhiều chuyên gia, KTV giỏi, đạo đức tốt. Vì vậy, KTNN cần tập trung tuyển chọn được người giỏi vào ngành kiểm toán. Đồng thời, KTNN phải tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tính liêm chính cho KTV. Có thể nói, năng lực, đạo đức và bản lĩnh của KTV là linh hồn của KTNN.

♦ Thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, như vậy thì nguồn nhân lực có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc hoàn thành vai trò, trọng trách của KTNN. Xin đồng chí chia sẻ thêm về mục tiêu tăng cường năng lực đội ngũ của KTNN thời gian qua và hiện nay?

- Có thể thấy rõ, mục tiêu tăng cường năng lực trong lĩnh vực kiểm toán tài chính, tài sản công đã được thể hiện xuyên suốt và sâu sắc trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Đến thời điểm này, việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã bước vào giai đoạn nước rút. Tín hiệu đáng mừng là KTNN đã cơ bản hoàn thành được các mục tiêu đề ra và chắc chắn đến cuối năm 2020 sẽ thực hiện thành công toàn diện Chiến lược. Để sẵn sàng cho một thời kỳ phát triển mới, KTNN cũng đã bắt tay xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Đến thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến để KTNN tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Chiến lược.

KTNN luôn xác định phát triển nguồn nhân lực KTNN là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, một trong những việc quan trọng mà KTNN sẽ tập trung thực hiện là tuyển dụng và đào tạo cán bộ có đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ. Việc đào tạo được thực hiện thường xuyên.

Những năm gần đây, sau mỗi cuộc kiểm toán, các đoàn kiểm toán tổ chức họp đánh giá, tổng kết công tác kiểm toán đã thực hiện để đúc rút kinh nghiệm. Đồng thời, KTNN mở các khóa đào tạo dưới nhiều hình thức để trang bị kiến thức, kỹ năng và công cụ kiểm toán cho các KTV. Bên cạnh đó, KTNN thường xuyên cử cán bộ tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức kiểm toán quốc tế như: Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) để được đào tạo và học hỏi các phương pháp kiểm toán mới, hiện đại. Hiện nay, nguồn nhân lực KTNN đã có 5 giáo sư, phó giáo sư; 65 tiến sĩ, 893 thạc sĩ; 174 cán bộ học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, nhiều người có bằng KTV quốc tế, cán bộ trẻ 32 tuổi chiếm 50%, nguồn nhân lực được đào tạo đa ngành: tài chính, kiểm toán, luật, kỹ sư giao thông, thủy lợi, kiến trúc, xây dựng, công nghệ thông tin, điện…

♦ 26 năm qua, uy tín của KTNN không ngừng được nâng cao, khẳng định rõ vai trò ở trong nước. Đồng thời, mối quan hệ hợp tác giữa KTNN Việt Nam với các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng giúp nâng tầm vị thế của KTNN Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng chí nhận định như thế nào về xu thế hội nhập tích cực này của cơ quan KTNN?

- Có thể nói, trên trường quốc tế, uy tín và vị thế của KTNN ngày càng được nâng tầm thông qua nhiều hoạt động hợp tác được mở rộng và tăng cường cả về chiều rộng cũng như chiều sâu.

Là thành viên chính thức của INTOSAI từ năm 1996 và của ASOSAI từ năm 1997, KTNN Việt Nam đã tích cực đóng góp cho sự phát triển của tổ chức và cũng nhận được sự hỗ trợ chuyên môn quan trọng từ hai tổ chức này. Đến nay, KTNN đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác song phương với các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) và các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp trên thế giới. KTNN đã thực hiện thành công mọi nhiệm vụ của mình với tư cách thành viên của INTOSAI, ASOSAI và nay là vai trò Chủ tịch ASOSAI. Qua hoạt động hợp tác quốc tế, chúng ta luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia trong công tác kiểm toán các lĩnh vực còn mới mẻ đối với KTNN Việt Nam, như: kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường và kiểm toán hoạt động. KTNN cũng đã thực hiện một số cuộc kiểm toán phối hợp với một số SAI như: kiểm toán song song với SAI Pakistan, kiểm toán dầu khí với SAI Liên bang Nga… Đối với các hiệp hội nghề nghiệp quốc tế, hiện nay, KTNN đã có quan hệ hợp tác với hầu hết các tổ chức nghề nghiệp kế toán kiểm toán danh tiếng có mặt tại Việt Nam, như: Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA), Hiệp hội Kế toán Công chứng Australia (CPAA), Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW)... Thời gian qua, KTNN đã thường xuyên cử KTV theo học các chương trình đào tạo của các hiệp hội và đã được chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm, tài liệu về chuyên môn, nghiệp vụ; KTNN và các hiệp hội tích cực cùng nhau tổ chức các hội thảo chung.

Trong vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, thời gian vừa qua, KTNN đã thực hiện tốt các nhiệm vụ để đạt được các mục tiêu chiến lược của Tổ chức; tích cực phối hợp với các thành viên Ban Điều hành ASOSAI cùng thúc đẩy mối quan hệ giữa ASOSAI; tăng cường mở rộng hợp tác với các tổ chức khu vực và toàn cầu như: INTOSAI, Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao ASEAN (ASEANSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Âu (EUROSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Ả Rập (ARABOSAI)... Qua các hoạt động tích cực này, vị thế và uy tín của KTNN Việt Nam trên trường quốc tế đang ngày càng tiếp tục được nâng cao.

♦Xin trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!
         
Thành tựu nổi bật trong 26 năm xây dựng và phát triển KTNN là hoạt động kiểm toán của KTNN đã góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý, sử dụng nguồn lực công. Tổng hợp kết quả kiểm toán 26 năm, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 494.240 tỷ đồng, trong đó, tăng thu NSNN 100.867 tỷ đồng, giảm chi NSNN 112.614 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, thay thế, hủy bỏ hoặc bổ sung xấp xỉ 1.400 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế của đất nước.
HỒNG THOAN (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Khẳng định vai trò, sứ mệnh trong thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý, sử dụng nguồn lực công