Khai mạc Hội thảo "Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước"

(BKTO) - Sáng 09/6, tại Hà Nội, Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” vừa khai mạc dưới sự chủ trì của GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và ThS. Lê Minh Nam - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán.



                
   

Quang cảnh Hội thảo

   

Tham dự Hội thảo có ông Thạch Phước Bình - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh; ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình; ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; GS,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, đại diện của một số Bộ, ban, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, công ty kiểm toán độc lập, doanh nghiệp (DN), trường đại học, tổ chức kế toán kiểm toán quốc tế… Về phía KTNN có đại diện lãnh đạo và đông đảo công chức, viên chức, kiểm toán viên các đơn vị trực thuộc.

Phát biểu khai mạc đề dẫn Hội thảo, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh, kể từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh hằng năm, đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập WTO và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. FDI đã là một trong những nhân tố quan trọng của nền kinh tế, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, đóng góp vào tăng trưởng GDP và thu NSNN, ghi dấu ấn đậm nét trong xuất khẩu, tạo ra năng lực sản xuất mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu khai mạc Hội thảo

   

Tuy nhiên, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên nêu rõ, thực tế cũng đã bộc lộ rõ nhiều vấn đề tiêu cực, hạn chế của khu vực FDI. Hiện tượng các DN FDI kê khai, báo lỗ đã khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”.

         
Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng DN FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, hầu hết các DN trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da. Để thu hút vốn FDI, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tuy nhiên việc kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của một số DN FDI chưa thật sự tương xứng với kỳ vọng.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cũng thẳng thắn đề cập đến vấn đề các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, khi càng dựa nhiều vào FDI thì càng phụ thuộc vào kinh tế của các nước phát triển. Hơn nữa, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, máy móc công nghệ nhanh chóng trở nên lạc hậu dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư tìm cách chuyển giao những máy móc đã lạc hậu cho các nước nhận đầu tư. Hậu quả của việc này là giá trị thực của những máy móc chuyển giao rất khó xác định, gây tổn hại môi trường sinh thái, chất lượng sản phẩm thấp, chi phí sản xuất cao…

Từ những vấn đề trên cho thấy một số hạn chế trong quản lý các dự án FDI thời gian qua, như chưa nhất quán giữa mục tiêu và biện pháp thực hiện thu hút FDI; các chính sách ưu đãi thu hút FDI được áp dụng chung cho toàn bộ các tỉnh thành, chưa dựa trên lợi thế cạnh tranh, đặc thù của mỗi địa phương; các chính sách ưu đãi vẫn chưa được một cơ quan độc lập, có năng lực đánh giá về kết quả thực hiện; chưa thực hiện đánh giá tác động đầy đủ của chính sách và chi phí lợi ích mà chính sách đạt được. Các thủ tục để được nhận ưu đãi chưa minh bạch, vẫn còn cơ chế xin cho, một số chính sách ưu đãi được ban hành nhưng không có quy định về điều kiện và thủ tục để được hưởng ưu đãi.
Đông đảo chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo

Qua hoạt động kiểm toán hằng năm, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm của DN FDI trong lĩnh vực môi trường, đất đai, chuyển giá, từ đó đã có các kiến nghị để cơ quan quản lý khắc phục những sai sót, yếu kém, sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách. Cùng với đó, KTNN đã chỉ rõ những hạn chế và bất cập trong chính sách, thực thi chính sách thu hút FDI thời gian qua.

Tuy nhiên, các kiểm toán viên của KTNN mới thực hiện kiểm toán một số “mắt xích” rất nhỏ liên quan đến chính sách thu hút FDI như kiểm toán công tác quản lý thuế, đất đai, kiểm toán môi trường và cũng chưa có các chuyên đề kiểm toán riêng… Bởi cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện kiểm toán việc ban hành chính sách và đánh giá việc thực thi chính sách thu hút FDI còn chưa rõ ràng, chưa theo đúng tinh thần của Hiến pháp và quy định của Luật KTNN.

Thêm nữa, công tác phối hợp giữa KTNN và các cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều trở ngại do cơ sở pháp lý còn chưa rõ ràng, đặc biệt là về đối tượng, nội dung kiểm toán. Các chính sách và biện pháp thực thi chính sách thu hút vốn đầu tư FDI thường rất phức tạp, bao gồm nhiều khía cạnh như kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, xã hội, bản thân các dự án FDI cũng có quy mô lớn và ngày càng có xu hướng phát triển theo hướng công nghệ cao, phức tạp nên cũng đòi hỏi kiểm toán viên phải tích cực cập nhật kiến thức để am hiểu được các lĩnh vực mới.
                
   

Ban chủ trì Hội thảo

   

Trong tầm nhìn trung và dài hạn, thu hút FDI vẫn là nhiệm vụ trọng tâm để tăng trưởng kinh tế, bù đắp sự thiếu hụt về vốn và ngoại tệ. Tuy nhiên, cần chủ động nhận diện mặt trái của việc thu hút đầu tư FDI đến kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là chú ý đến môi trường, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp và xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm khắc phục các bất cập, thách thức đang gặp phải.

Để đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc đánh giá các chính sách và việc thực thi các chính sách thu hút vốn đầu tư FDI, một trong những yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay là cần có các giải pháp nâng cao vai trò, chất lượng kiểm toán của KTNN để góp phần phòng ngừa, hạn chế những mặt trái từ đầu tư FDI, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương và tính bền vững của nền tài chính quốc gia.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã trình bày tham luận, tập trung thảo luận về vai trò của khu vực FDI với kinh tế Việt Nam; thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút FDI vào Việt Nam; dấu hiệu nhận biết hành vi chuyển giá của DN FDI và một số kiến nghị đối với hoạt động kiểm toán; thực trạng thu hút, quản lý nhà nước đối với FDI tại một số địa phương dưới góc nhìn KTNN và giải pháp nâng cao hiệu quả vốn FDI; những khó khăn và giải pháp thu hút FDI trong phát triển kinh tế - xã hội; thực trạng tổ chức kiểm toán chuyển giá của KTNN đối với DN FDI…
                
   

Chuyên gia trình bày tham luận tại Hội thảo

   

Mục tiêu của Hội thảo là tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, trong đó tập trung vào việc thu hút vốn đầu tư FDI lành mạnh, làm trong sạch môi trường đầu tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, tăng kim ngạch xuất khẩu, bảo vệ môi trường để góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, các chuyên gia, đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của KTNN trong lĩnh vực này nhằm góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội thảo.

Tin và ảnh: H.THOAN - N.LỘC - L.HÒA
Cùng chuyên mục
Khai mạc Hội thảo "Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước"