Đúc rút, đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán môi trường

(BKTO) - Với tinh thần khoa học, thẳng thắn, cởi mở, tại Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán và các phát hiện kiểm toán trong kiểm toán môi trường” do KTNN tổ chức sáng 25/8, các đại biểu đã đề cập toàn diện các vấn đề về kiểm toán môi trường (KTMT), đặc biệt là những phát hiện kiểm toán và những kinh nghiệm được đúc rút trong thực hiện các cuộc KTMT.



                
   

Quang cảnh Tọa đàm

   

Phát hiện nhiều bất cập trong công tác quản lý môi trường

Đứng trước những yêu cầu và thách thức đặt ra trong công cuộc bảo vệ môi trường gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, với chức năng, nhiệm vụ được giao, từ năm 2015 trở lại đây, KTNN đã từng bước triển khai thực hiện các cuộc KTMT dưới hình thức kiểm toán hoạt động. Trong đó, KTNN tập trung đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý môi trường, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và những bất cập, lỗ hổng trong hệ thống pháp luật cũng như cơ cấu tổ chức của bộ máy quản lý để đưa ra những kiến nghị phù hợp, kịp thời.

Kết quả kiểm toán cho thấy, hệ thống quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tuy đã được xây dựng đầy đủ về mặt nội dung, phạm vi, bao hàm nhiều vấn đề đa dạng từ môi trường nước, không khí đến quản lý chất thải rắn, lỏng, khí… song giữa các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các Luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Tài nguyên nước… còn một số nội dung chưa thống nhất, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Nhiều nội dung về bảo vệ môi trường đã được quy định trong Luật nhưng không khả thi trong thực tiễn, dẫn đến nhiều năm liền không triển khai, thực hiện được.

Cùng với đó, việc phân công, phân cấp về quản lý môi trường còn chưa cụ thể, chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước, trong khi công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan này còn rất hạn chế, dẫn đến khó xác định trách nhiệm khi xảy ra các vấn đề về môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường còn một số tồn tại như việc áp dụng các biện pháp xử phạt vẫn còn hạn chế, thiếu chặt chẽ, nghiêm túc, chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Công tác hậu kiểm giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế theo kết luận thanh tra, kiểm tra còn chưa đầy đủ, kịp thời, chủ yếu đôn đốc thông qua văn bản và ghi nhận theo báo cáo khắc phục của đơn vị.

Qua kiểm toán cũng cho thấy, nhiều dự án, cơ sở sản xuất chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về hồ sơ môi trường. Việc xây dựng, vận hành hệ thống các công trình bảo vệ môi trường của một bộ phận cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa đảm bảo việc xử lý chất thải, phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro về ô nhiễm môi trường…
                
   

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Đinh Văn Dũng tham luận tại Tọa đàm

   


         
Tại cuộc kiểm toán chất thải y tế trên địa bàn TP. Hà Nội, có đến 86% các bệnh viện được kiểm toán, đối chiếu có hồ sơ môi trường chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật. Tại cuộc kiểm toán Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, căn cứ theo kiến nghị của KTNN, UBND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định xử phạt chủ đầu tư dự án gần 1 tỷ đồng từ việc khai thác, sử dụng nguồn nước biển và xả thải vào nguồn nước khi chưa có giấy phép - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Đinh Văn Dũng dẫn chứng.
Ngoài ra, tình trạng các dự án, cơ sở sản xuất tự ý thay đổi thiết kế các công trình bảo vệ môi trường, chương trình giám sát môi trường đã cam kết tại các hồ sơ môi trường được phê duyệt nhưng chưa báo cáo và được sự chấp thuận của cơ quan thẩm quyền cũng diễn ra tương đối phổ biến.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, mức chi NSNN hàng năm cho sự nghiệp môi trường còn ít so với nhu cầu thực tế, chưa tương xứng với mức tăng trưởng của nền kinh tế và với mức tăng huy động vào NSNN; hiệu quả sử dụng kinh phí thấp, còn lãng phí...

Đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán môi trường

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cuộc KTMT. Trên cơ sở đó, các ý kiến đã tập trung đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả KTMT của KTNN.

Theo đó, một trong những giải pháp đột phá là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ KTMT. KTNN cần xây dựng cơ sở dữ liệu về KTMT, tăng cường công cụ hỗ trợ, hạ tầng kỹ thuật của hệ thống thông tin đảm bảo đồng bộ và tiếp cận được với hệ thống dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
                
   

Phó trưởng Phòng Kiểm toán hoạt động (Vụ Tổng hợp) Hán Thị Bích Hồng tham luận tại Tọa đàm

   

Bên cạnh đó, cần chú trọng phương pháp thu thập bằng chứng; kết hợp cả ba loại hình (nội dung) kiểm toán trong KTMT, trong đó, kiểm toán hoạt động giữ vai trò chủ đạo. Khi lựa chọn chủ đề cần có sự cân đối giữa tính khả thi của cuộc kiểm toán và tầm quan trọng của vấn đề. Đặc biệt, trong thời gian tới, KTNN nên chọn chủ đề KTMT có phạm vi kiểm toán rộng, liên ngành, chọn mẫu tại nhiều địa phương để đánh giá được toàn diện và có được những kiến nghị mang tính vĩ mô, tổng thể cả về mặt chính sách.

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh việc nâng cao năng lực của kiểm toán viên thực hiện KTMT với kiến thức và kỹ năng kiểm toán tương đối toàn diện, đặc biệt là các kỹ năng trong kiểm toán hoạt động như: xây dựng tiêu chí kiểm toán, đánh giá trọng yếu, rủi ro kiểm toán... Đồng thời tiếp thu, học hỏi và áp dụng có chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai KTMT.

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Thị Hồng Hạnh đề xuất: Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs), do đó trong thời gian tới, KTNN nên có các chủ đề KTMT nói riêng và chủ đề kiểm toán hoạt động gắn với việc thực hiện các mục tiêu SGDs.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu bế mạc Tọa đàm

   

Bế mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đánh giá cao chất lượng các bài tham luận, các ý kiến phát biểu đóng góp tại Tọa đàm. Những ý kiến chia sẻ, thảo luận sẽ được Ban tổ chức tổng hợp, báo cáo lãnh đạo KTNN và gửi các đơn vị trong toàn Ngành.

“Kết quả của Tọa đàm sẽ được các đơn vị, cá nhân nghiên cứu, vận dụng và là căn cứ để KTNN tiếp tục hoàn thiện phương pháp kiểm toán môi trường, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng tổ chức triển khai, thực hiện kiểm toán, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững chung của cả nước”- Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.

Tin và ảnh: HỒNG HÒA
Cùng chuyên mục
  • Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu sớm hoàn thiện Dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2021
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ngay sau cuộc họp về Dự kiến Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2021 của KTNN vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã có Thông báo kết luận gửi tới các lãnh đạo KTNN và toàn thể các đơn vị trong Ngành đề cập đến những nội dung cụ thể, quan trọng để các đơn vị hoàn thiện dự kiến KHKT năm 2021.
  • Kiểm toán chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học, bệnh viện công lập:  Kỳ cuối - Giám sát, điều chỉnh kịp thời để đảm bảo tính đúng đắn của chính sách tự chủ đại học
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập (gọi chung là GDĐH) là xu thế tất yếu để nâng cao tính chủ động của các trường ĐH khi thực hiện các mục tiêu phát triển chiến lược, cũng như tăng cường hiệu quả của việc quản lý, sử dụng nguồn lực công, nâng cao trách nhiệm giải trình. Ở nước ta, việc áp dụng chính sách tự chủ đối với các trường ĐH đã đạt được một số thành công nhất định. Thông qua kiểm toán chuyên đề Việc thực hiện cơ chế tự chủ giai đoạn 2016-2018 tại các trường ĐH công lập, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả bước đầu, KTNN đã phát hiện nhiều bất cập về cơ chế, những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở GDĐH trong quá trình thực hiện tự chủ, từ đó có kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách này. TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - đã có những chia sẻ, đánh giá dưới góc nhìn khoa học và thực tiễn về vấn đề này.
  • Thay đổi tư duy về kiểm toán nội bộ để thích ứng với yêu cầu phát triển mới
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Kiểm toán nội bộ (KTNB) là cánh tay đắc lực của nhà quản trị cấp cao trong tổ chức. Để KTNB mang lại giá trị gia tăng nhiều nhất cho tổ chức thông qua những tư vấn kịp thời, khả năng dự báo và hỗ trợ quản lý rủi ro, nhà quản trị cấp cao và Ủy ban Kiểm toán cần có tầm nhìn chiến lược về hoạt động này. Đặc biệt, trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay, KTNB cũng cần thay đổi để thích ứng với yêu cầu mới.
  • Đẩy mạnh kiểm toán môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trong những năm qua, KTNN đã thể hiện rõ lập trường nhất quán đối với vấn đề bảo vệ môi trường và nỗ lực không ngừng để thực hiện. Đặc biệt, với chức năng được hiến định là cơ quan hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, KTNN sẽ thực hiện chức năng kiểm tra, đánh giá việc thực hiện của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đối với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV) đã được Chính phủ ban hành.
  • Hoàn thiện tổ chức bộ máy Kiểm toán Nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Để đảm bảo thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của KTNN, phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công, Dự thảo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) xác định tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của Ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả đi đôi với phát triển đội ngũ công chức, kiểm toán viên (KTV) đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu chất lượng.
Đúc rút, đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán môi trường