Bổ sung vai trò, vị trí của Kiểm toán Nhà nước trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là phù hợp với xu thế hội nhập và các cam kết quốc tế

(BKTO) - Sáng nay, 28/9, tại TP. HCM, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã dẫn đầu Đoàn đại biểu của KTNN tham dự Hội thảo hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức. Đại diện cho KTNN, TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - đã có bài tham luận góp ý, trong đó khẳng định việc bổ sung vai trò, vị trí của KTNN vào Dự thảo Luật là phù hợp với xu thế hội nhập của Việt Nam và các cam kết quốc tế...



                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh (người thứ 3 từ trái sang) dự Hội thảo - Ảnh: Nguyễn Hiệu

   

Bổ sung quy định về kiểm toán môi trường là phù hợp với thông lệ quốc tế và địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước

Theo Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng, Chương XIV của Dự thảo Luật cần bổ sungmột điều về công tác kiểm toán môi trường (KTMT) do KTNN thực hiện để quy định vai trò, chức năng của KTNN đối với môi trường và bảo vệ môi trường (BVMT) theo hướng: “1. KTNN thực hiện kiểm toán công tác quản lý và BVMT, các hoạt động khác liên quan đến công tác quản lý và BVMT; 2. báo cáo kết quả kiểm toán, công khai kết quả KTMT theo quy định của Luật KTNN”. Theo đó, tên Chương này sẽ là: Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường.

Các nội dung KTMT gồm: việc tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ về môi trường, BVMT; việc xây dựng chính sách BVMT; tính kinh tế hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng và BVMT. Thông qua kiểm toán, KTNN sẽ thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng và BVMT. Kết quả kiểm toán sẽ là nguồn thông tin quan trọng cung cấp cho Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan nhà nước về thực trạng việc quản lý, BVMT nhằm quản lý, giám sát BVMT, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, thiết thực. Qua kiểm toán, KTNN cũng đưa ra các khuyến nghị về chính sách quản lý môi trường, BVMT, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, phù hợp với mục tiêu của quốc gia về phát triển bền vững.

TS. Lê Đình Thăng lý giải, việc bổ sung này xuất phát từ một số cơ sở: Theo thông lệ quốc tế, KTMT hiện nay đã trở thành một trong những hoạt động chính, thường xuyên tại nhiều cơ quan KTNN trên thế giới. Là thành viên của Tổ chức quốc tế Các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021, đồng thời thực hiện cam kết tại Tuyên bố Hà Nội với trọng tâm KTMT vì sự phát triển bền vững, KTNN không thể nằm ngoài guồng quay, nhiệm vụ chung của các tổ chức.

INTOSAI đã thành lập Nhóm công tác về KTMT từ năm 1992 với gần 100 thành viên là các cơ quan kiểm toán tối cao tham gia, trong đó có KTNN Việt Nam. Thông qua hoạt động KTMT, các cơ quan KTNN đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong công tác BVMT vì sự phá triển bền vững, đảm bảo các nguồn tài nguyên thiên nhiên được quản lý, khai thác và sử dụng một cách hiệu quả. KTMT hiện nay đã trở thành một trong những hoạt động chính, thường xuyên tại nhiều cơ quan KTNN trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển, đang phải đối mặt với nhiều rủi ro môi trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…

Tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 tại Hà Nội, chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” do KTNN Việt Nam lựa chọn nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của đồng nghiệp quốc tế, sự ủng hộ của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Điều đó cho thấy định hướng đúng đắn của KTNN Việt Nam trong việc phát triển KTMT, phù hợp với xu thế chung của kiểm toán quốc tế hiện nay. Do vậy, việc bổ sung quy định về KTMT là phù hợp với xu thế hội nhập của Việt Nam, phù hợp với cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Cùng với đó, thời gian qua, KTNN đã thực hiện nhiều cuộc KTMT như: Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng, Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường; tham gia cuộc kiểm toán các vấn đề sông Mê Kông năm 2012 gồm 5 cơ quan KTNN (Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam); gần đây là các cuộc kiểm toán về công tác quản lý và xử lý chất thải y tế, khu công nghiệp, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân và nhập khẩu phế liệu, kiểm toán việc BVMT tại các khu công nghiệp… Qua đó, KTNN đã chỉ ra nhiều sai phạm của các DN, cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, BVMT và bịt lỗ hổng nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực môi trường. Các phát hiện kiểm toán là cơ sở để KTNN kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ và ban hành mới văn bản, hướng dẫn, quy định về lĩnh vực môi trường, cùng với đó là hàng loạt các giải pháp, đề xuất phù hợp, mang tính thực tiễn cao nhằm tăng cường công tác quản lý, BVMT của đơn vị được kiểm toán và cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, mặc dù KTNN vẫn đang thực hiện KTMT nhưng các văn bản pháp luật hiện hành, kể cả Luật KTNN chưa quy định rõ về KTMT. Trong khi, Khoản 2, Điều 3, Dự thảo Luật xác định thành phần môi trường gồm đất, nước, không khí,… và Khoản 1, Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định tài sản công bao gồm đất đai và các tài nguyên khác. Điều 14, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định có chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công. Như vậy, môi trường là tài sản công, cần được KTNN thực hiện kiểm toán. Đến nay, ngoài KTNN, chưa có cơ quan nhà nước nào thực hiện chức năng kiểm toán tài chính công, tài sản công nói chung và KTMT nói riêng.

“Với tinh thần và mong muốn BVMT, gắn BVMT với phát triển bền vững, chúng tôi mong Ban Soạn thảo xem xét để hoàn chỉnh Dự thảo Luật BVMT, trong đó chú trọng bổ sung nội dung liên quan đến KTMT của KTNN” - ông Thăng nhấn mạnh.

         
“Là cơ quan hiến định độc lập với chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt trong bôi cảnh Chính phủ Việt Nam quan tâm và dành nhiều nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, KTNN có trách nhiệm kiểm toán giúp Quốc hội và Chính phủ kiểm tra, kiểm soát và giám sát công tác quản lý và BVMT của các cơ quan quản lý chức năng. Điều đó góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý và BVMT, hướng tới phát triển bền vững”- TS. Lê Đình Thăng.
Trước đó, KTNN đã có Văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) một điều về KTMT do KTNN thực hiện, trong đó khẳng định: Việc bổ sung quy định này là phù hợp với thông lệ quốc tế, địa vị pháp lý của KTNN cũng như quy định pháp luật và đòi hỏi từ thực tiễn hoạt động KTMT của KTNN những năm qua.

Bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung khác

Ngoài việc bổ sung quy định về KTMT của KTNN, TS. Lê Đình Thăng kiến nghị: Chương XIV của Dự thảo Luật cần được thiết kế, làm rõ hơn một số nội dung khác. Cụ thể, Chương này có 4 điều từ Điều 174 đến Điều 177 nhưng chưa quy định rõ về giải quyết tranh chấp mà quy định trong điều tranh chấp môi trường (Điều 176). Đồng thời, Điều 174 thực chất là quy định trách nhiệm của các Bộ trong việc thanh tra, kiểm tra hơn là quy định các hoạt động nào cần được thanh tra, kiểm tra.

Theo TS. Lê Đình Thăng, Dự thảo Luật hiện nay có Điều 78 về KTMT quy định tại Chương VI. Quản lý chất thải và kiểm soát chất thải ô nhiễm khác là không phù hợp bởi KTMT liên quan đến nhiều nội dung từ quy hoạch, cấp phép, đánh giá tác động đến các hoạt động khác về quản lý môi trường… Mặt khác, các nội dung quy định tại điều này thực chất là quy định về nhiệm vụ KTMT của nội bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Dự thảo Luật nên bỏ quy định tại điều này, nếu muốn quy định thì đưa về chương II (mới) để quy định nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiểm toán nội bộ đối với công tác quản lý môi trường hoặc chuyển về Chương XIV.

Bên cạnh đó, TS. Lê Đình Thăng nhấn mạnh, BVMT là nhiệm vụ của tất cả mọi người dân, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp. Muốn vậy, Dự thảo Luật phải quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và người dân để dễ dàng thực hiện, tránh chồng chéo, đảm bảo giám sát chặt chẽ; đồng thời phân định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan đến môi trường, BVMT và chế tài xử lý nếu vi phạm pháp luật BVMT.
                
   

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng (người đứng) phát biểutại Hội thảo - Ảnh:Nguyễn Hiệu

   

Mặt khác, các quy định về xử lý vi phạm trong BVMT tại Điều 175 của Dự thảo Luật còn rất đơn giản và chưa đủ sức răn đe cũng như không cụ thể hành vi vi phạm. Do đó, theo TS. Lê Đình Thăng, Dự thảo Luật cần quy định rõ hành vi vi phạm là những hành vi nào, mỗi hành vi đó cần xử lý ra sao, mức vi phạm nào thì xử phạt hành chính, mức vi phạm nào thì phải xử lý hình sự. Thậm chí, cần bổ sung thêm quy định về đóng cửa cơ sở, đơn vị vi phạm về BVMT. Đây là những nội dung cần thiết nhằm BVMT bền vững./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Bổ sung vai trò, vị trí của Kiểm toán Nhà nước trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là phù hợp với xu thế hội nhập và các cam kết quốc tế