Vấn đề tăng thu cần được đặt trong bối cảnh tổng thể của ngân sách nhà nước

(BKTO) - Trò chuyện với TS. LÊ ĐÌNH THĂNG - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, KTNN.



Thưa ông, sự kiện Bộ Tài chính công bố dự thảo Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật Thuế tài nguyên đang gây nên những cuộc tranh luận đa chiều. Là một chuyên gia kiểm toán, ông lý giải như thế nào về vấn đề sửa đổi này?

Không chỉ với các luật thuế mà với bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào, sau một quá trình thực hiện, các cơ quan quản lý cũng đều phải tiến hành đánh giá lại để sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp với thực tế. Ở các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, thuế là một nguồn thu chủ yếu của ngân sách, do đó Chính phủ thường xuyên phải cơ cấu lại trên cơ sở tối ưu thuế để đảm bảo nguồn thu.

Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, các báo cáo kiểm toán và thanh tra, kiểm tra cũng cho thấy, việc quản lý chi ngân sách chưa chặt chẽ, tình trạng nợ đọng thuế còn nhiều. Thực trạng này đòi hỏi chúng ta phải cơ cấu lại nguồn thu, tiến tới giảm thiểu sự thâm hụt ngân sách, đồng thời khuyến khích phát triển, định hướng cho sản xuất và tiêu dùng cũng như nuôi dưỡng nguồn thu.

Với những lý do trên, tôi cho rằng, việc Bộ Tài chính đặt vấn đề sửa đổi 5 Luật thuế vào thời điểm này là hợp lý vì nó vừa nhằm thực hiện lộ trình cải cách thuế, vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và cơ cấu lại nguồn thu, đảm bảo cho NSNN được bền vững.

Tuy nhiên, cơ cấu lại nguồn thu cũng có nghĩa là tăng một số khoản thuế, đồng thời phải cơ cấu lại các khoản chi, quản lý chặt chẽ việc chi và tiết kiệm chi ngân sách. Vấn đề này không thể chỉ thực hiện một chiều là tăng thu ngân sách mà cần phải đặt trong bối cảnh tổng thể của NSNN bao gồm cả thu và chi để không những đảm bảo tối ưu hóa việc quản lý NSNN mà còn tạo được niềm tin, tạo được sự đồng thuận của người nộp thuế.

Khi dự kiến ban hành chính sách thuế mới, nếu Nhà nước chỉ đề cập đến việc tăng thu mà không bàn đến việc quản lý chi, tiết kiệm chi thì người dân sẽ cho rằng việc sửa đổi các luật thuế chỉ nhằm để tăng thu và cân đối ngân sách, thậm chí họ sẽ không tin tưởng vào các chính sách thuế cho dù nó đúng đắn. Đây là một vấn đề mà cơ quan soạn thảo cần lưu ý khi trình dự án sửa đổi 5 luật thuế.

Theo Dự thảo, tới ngày 01/01/2019, thuế suất thuế GTGT sẽ tăng từ 10 lên 12%. Nhiều chuyên gia lo ngại mức tăng này sẽ tác động tiêu cực đến người nghèo. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng, dự thảo tăng thuế suất thuế GTGT từ 10 lên 12% và tăng một số mặt hàng từ 5% lên 10% nhằm giảm khung thuế suất, tiến tới chỉ còn một mức thuế suất vào năm 2020 là một cách tiếp cận hợp lý.

Mặc dù vậy, khi đề cập đến thông lệ quốc tế về việc tăng thuế, cơ quan soạn thảo lại thông tin chưa thỏa đáng vì chỉ nhắc đến đến 88/112 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% mà không công bố bao nhiêu nước trong số 88 nước đó có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với Việt Nam; không cung cấp thông tin số thuế GTGT chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thu NSNN của các nước đó.

Hiện nay, thuế GTGT của Việt Nam đang chiếm 27,5% trong tổng thu ngân sách, đây là một tỷ lệ rất cao trong khi ở Singapore, tỷ lệ này chỉ chiếm 17-18%. Cơ quan soạn thảo cũng cần công bố thuế GTGT chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong GDP để thấy được mức thuế của Việt Nam như vậy là cao hay thấp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng thuế GTGT từ 10 lên 12% không ảnh hưởng đến người nghèo, nhưng với những công nhân chỉ thu nhập 4 triệu đồng/tháng thì việc tăng chi phí như vậy là một khoản tương đối lớn trong thu nhập của họ.

Còn đối với người có thu nhập 30 triệu đồng/tháng, việc thuế GTGT tăng từ 10 lên 12% sẽ chịu tác động không nhiều. Điều đáng quan tâm là ở Việt Nam, số người có thu nhập trung bình, thậm chí có thu nhập thấp vẫn chiếm một tỷ trọng lớn. Vì vậy trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ phải cân nhắc, phải phân khúc thuế để đảm bảo được mức sống của đa số người lao động, người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cũng như đảm bảo sự công bằng về thuế giữa các tầng lớp, các lứa tuổi.

Thuế GTGT là thuế gián thu và “đánh” vào tiêu dùng nên nó phải đảm bảo được sự hài hòa. Dù người giàu hay nghèo, dù người già hay trẻ em thì những nhu cầu thiết yếu về ăn, ở, mặc cơ bản là giống nhau. Những nhu cầu này phải đảm bảo tính công bằng trong xã hội, tức là mức thuế suất phải ở mức mà đa số người nghèo có thể chấp nhận được.

Khi đồng nhất mức thuế suất 12%, rất nhiều trẻ em mới sinh ra, thậm chí đang trong bụng mẹ, chưa có thu nhập nhưng đã phải chịu thuế sữa. Nếu so với chi phí thuế của một người giàu cũng dùng sản phẩm này thì rõ ràng trẻ em đang phải chịu mức thuế cao hơn.

Trên thực tế, dù thuế GTGT “đánh” vào người tiêu dùng nhưng không thể chuyển tải hết được thuế này vào giá và vẫn có một khoản chi phí thuế. Do đó, việc tăng thuế GTGT cũng tạo ra áp lực cho DN. Cứ tăng thuế GTGT là giá cũng tăng, tạo áp lực lên sản xuất, buộc DN phải cắt giảm chi phí khác, thậm chí liên quan đến chất lượng sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh, trong khi Việt Nam đang cần nâng sức cạnh tranh. Đó là vấn đề Việt Nam cần bàn kỹ hơn khi xem xét tăng sắc thuế này.

Một nguyên tắc khác là thuế không bồi hoàn trực tiếp và nếu có bồi hoàn thì cũng chưa chắc đã đến đúng các đối tượng cần đến. Chính vì thế, Nhà nước chỉ nên tăng thuế GTGT đối với những mặt hàng có thể điều tiết được thu nhập, không nên tăng thuế suất thuế GTGT đại trà từ 10 lên 12% đối với những mặt hàng thiết yếu để “đánh” vào người tiêu dùng nói chung.

Các DN vừa và nhỏ (DNVVN) đang rất lo lắng khi Dự thảo thuế TNDN quy định: “Nếu DN vay vượt quá 4-5 lần vốn chủ sở hữu thì phần chi trả lãi vay không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN”. Vậy, ông có bình luận gì về nội dung này?

Mới đây, Quốc hội đã ban hành chính sách ưu đãi đối với DNVVN và việc cải cách thuế TNDN lần này cũng nhằm đáp ứng yêu cầu của chính sách trên, đó là giảm mức thuế TNDN để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Dự thảo có đề cập đến việc những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục mở rộng sản xuất kinh doanh (nhưng lại liên tục báo cáo lỗ) vay nhiều vốn ở công ty mẹ và chi phí vay lại tính vào chi phí trước thuế. Đây thực chất là việc chuyển giá, chuyển chi phí, chuyển lãi của các DN nước ngoài. Do đó, quan điểm khống chế việc vay vốn như Dự thảo là phù hợp để kiểm soát được việc này.

Tuy nhiên, nếu không quy định rõ ràng, việc thực hiện chính sách này không những sẽ ngăn được rất ít DN nước ngoài mà còn ảnh hưởng lớn tới DNVVN trong nước. Bởi lẽ, đa số DN của Việt Nam vốn rất ít, phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay, nếu DN vay vốn mà không cho họ hạch toán vào chi phí thì hạch toán vào đâu. Nếu thực hiện quy định này, cơ quan quản lý phải lưu ý đến một yếu tố nữa là chi phí tài chính của DN rất cao (chi phí lãi vay cao), DN đã ít vốn, chi phí vốn lại cao, nếu không cho tính vào chi phí thì các DNVVN sẽ rất khó khăn.

Trong khâu quản lý thuế, Nhà nước cần phải có chính sách điều tiết để đảm bảo các chi phí trước thuế là hợp lý, hợp lệ và đảm bảo tính công bằng giữa các loại hình DN. Để làm được như vậy, Nhà nước phải có các quy định cụ thể, ví dụ nên quy định chi phí vốn trong khoảng tỷ lệ 3/1 hoặc 4/1 hoặc 5/1, trong đó 1 là vốn tự có, còn lại là vốn vay.

Nếu vốn vay của DN vượt lên mức 6 hoặc 7 thì tỷ lệ vượt đó không được tính vào chi phí trước thuế. Hoặc chúng ta nên quy định, DNVVN không chịu sự điều chỉnh của quy định này còn đối với DN FDI khi vay vốn ở công ty mẹ, vay ở mức bao nhiêu thì phải chịu tỷ lệ đó.

Tóm lại, để giải quyết vấn đề hết sức khó khăn này, Chính phủ phải có một cách xử lý thỏa đáng để vừa chống được việc chuyển phí, chuyển giá của các DN FDI đồng thời khuyến khích, hỗ trợ được DN trong nước phát triển, vì một nền kinh tế muốn phát triển bền vững thì phải dựa vào các DN trong nước.

Trong thời gian qua, Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tài nguyên cũng đã gây nên rất nhiều băn khoăn. Bản thân ông có suy nghĩ gì về những sửa đổi của Dự thảo này?

Hiện nay, Việt Nam vẫn xuất khẩu nguyên liệu thô quá nhiều. Do đó, một trong những mục đích của việc cải cách chính sách thuế lần này là để giảm tối đa việc xuất khẩu nguyên liệu thô và đảm bảo cho việc có nguồn ngân sách để tái tạo môi trường. Tuy nhiên, Dự thảo mới cũng chỉ giải trình những khó khăn trong cách thu, mức thu mà không bàn đến việc lâu nay sử dụng nguồn thu này như thế nào.

Để công chúng hiểu được mục đích góp phần cải thiện môi trường của loại thuế này, chúng ta phải minh bạch từ việc thu thuế đối với tài nguyên nào, thu được bao nhiêu và nguồn thu đó được sử dụng cho việc bảo vệ môi trường ra sao. Nếu người dân nghi ngờ rằng, Nhà nước thu thuế tài nguyên để bảo vệ môi trường nhưng lại không thực hiện mục đích đó thì sẽ rất khó tạo được sự đồng thuận trong dân chúng khi đặt vấn đề tăng thuế này.

Liên quan đến Thuế tài nguyên còn có một nguồn thu rất quan trọng là thu từ đất, trong đó có thuế nhà đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, thu từ việc chuyển quyền sử dụng đất - nguồn thu không tái tạo. Khi tính thuế đất, chúng ta cần xem xét thuế tài sản, đồng thời các sắc thuế nên phân biệt tài sản ở khu vực thành thị và nông thôn.

Theo tôi, Nhà nước cần định ra một mức cụ thể như: bình quân 1 người ở thành thị được sử dụng 15 hoặc 20 hay 50 mét vuông, trên mức này thì phải chịu thuế bao nhiêu và đến một mức nào đó thì phải chịu thuế lũy tiến. Làm được như vậy, người dân sẽ có sự công bằng.

Hiện nay, có một sự bất công bằng đang diễn ra khi người dân ở thành thị thì được Nhà nước làm hạ tầng công cộng như điện, đường, còn ở nông thôn, người dân lại phải góp tiền để làm các công trình đó. Đáng lẽ người ở thành thị phải đóng thuế tài sản để làm hạ tầng như chiếu sáng đô thị, quản lý đô thị.

Còn với thuế TNCN và thuế TTĐB, theo ông cơ quan soạn thảo cần có sự sửa đổi, bổ sung như thế nào để phù hợp với tình hình hiện tại của nền kinh tế cũng như đời sống của người dân?

Hiện nay, nước ta có khoảng 17-18 triệu người nộp thuế TNCN nhưng việc quyết toán thuế lại thực hiện vào một thời điểm (mang tính thời vụ) nên đã tạo ra một áp lực lớn đối với cơ quan thuế. Mức khởi điểm để tính thuế TNCN hiện tại là trên 5 đến 10 triệu đồng và có 7 mức thuế nên tương đối phức tạp.

Quy định này đã được áp dụng tương đối lâu trong khi đồng Việt Nam đã giảm giá, do đó nội dung này cần được sửa đổi. Dự thảo sửa đổi chỉ quy định 5 mức tính thuế và mức khởi điểm từ 10 đến 20 triệu đồng, tôi cho đây là phương án hợp lý. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần phải giảm bớt đối tượng quyết toán thuế, chẳng hạn người làm công ăn lương ở các cơ quan nhà nước, các DN thuộc diện quyết toán thuế thì có thể do cơ quan, DN tổng hợp và báo cáo cơ quan thuế. Khi làm như vậy, những người trực tiếp quyết toán thuế chỉ còn là đối tượng vãng lai nên cơ quan thuế sẽ giảm được áp lực.

Đối với thu nhập vãng lai, hiện nay, quy định áp dụng chung một mức 10% đối với thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên là không còn hợp lý, vì 2 triệu đồng là quá thấp. Dự thảo đã nâng mức thu nhập lên 5 triệu đồng. Tuy nhiên, mức thuế phải được phân định, chẳng hạn từ 5-10 triệu đồng sẽ thu 5%; từ 20-30 triệu đồng sẽ thu 10%; trên 50 triệu phải thu đến 35%.

Thậm chí, đối với thuế xổ số, có những quốc gia vừa thu thuế bang vừa “đánh” thuế liên bang và tổng thu lên tới 40%. Tôi cho rằng, nếu trúng xổ số trị giá 100 tỷ đồng, thì nộp thuế 40 tỷ đồng cũng có thể chấp nhận được. Đây là một hình thức mở rộng cơ sở thuế mà vẫn tận dụng được nguồn thu, vì vậy Chính phủ cần lưu ý đến vấn đề này.

Đối với thuế TTĐB, tôi đồng tình với Ban soạn thảo về việc tùy thuộc từng thời kỳ mà quy định mặt hàng nào chịu loại thuế này. Dự thảo đã đưa một số mặt hàng không nên khuyến khích tiêu dùng vào diện chịu thuế, đồng thời bỏ một số mặt hàng ra khỏi danh sách chịu thuế trước đây. Ví dụ, nước ngọt có ga đã được đưa vào diện chịu thuế TTĐB vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe, hay như với thuốc lá, ngoài việc thu theo tỷ lệ % còn thu theo mức tuyệt đối là 1.000-1.500 đồng/bao. Thậm chí, theo tôi, mặt hàng này cần phải thu thuế cao hơn nữa để hạn chế tiêu dùng.

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cũng phải hết sức lưu ý bởi không cẩn thận sẽ bị xung đột lợi ích và đi vào vòng luẩn quẩn giữa việc hạn chế tiêu dùng và nguồn thu NSNN. Thuế TTĐB với thuốc lá là một ví dụ, bởi lẽ, thuế TTĐB với mặt hàng này nhằm mục đích hạn chế tiêu dùng. Tuy nhiên, nó lại là nguồn thu lớn của NSNN và vô hình trung vì sức ép ngân sách lại phải sản xuất và tiêu thụ thuốc lá. Đây là hiệu ứng ngược nên khi “đánh” thuế TTĐB đối với mặt hàng này cơ quan soạn thảo cần hết sức cân nhắc.

Đương nhiên, thuế suất đối với một số mặt hàng như ô tô trước đây là quá cao, với mục tiêu hạn chế tiêu dùng thì nay phải điều chỉnh vì mục tiêu này đã không thành công, dẫn đến người Việt Nam phải mua ô tô với giá đắt đỏ. Tới đây, khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0%, Nhà nước cần phải xem xét đến thuế môi trường do quá trình xả thải, thuế điểm đỗ xe, thuế tài sản….

Trân trọng cảm ơn ông!
THU HƯỜNG (thực hiện)
Theo Đặc san số 63 ra ngày 25/9/2017
Cùng chuyên mục
Vấn đề tăng thu cần được đặt trong bối cảnh tổng thể của ngân sách nhà nước