Vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP - những câu hỏi còn bỏ ngỏ

(BKTO) - Ở Việt Nam, PPP được hiểu là đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Theo đó, Nhà nước và nhà đầu tư phối hợp thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án hoặc hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư, DN để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.



Sau khoảng 1 thập kỷ thực hiện PPP chủ yếu thông qua hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao), nước ta đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng và hiện đại, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc đầu tư theo hình thức PPP đã và đang bộc lộ những bất cập, sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng thất thoát tài sản nhà nước, giá trị dự án vượt xa so với thực tế, xung đột giữa chủ đầu tư khai thác dự án với người sử dụng, thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc xã hội…

Chính vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) là cần thiết, cấp bách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hành vi của tất cả các bên liên quan, hoàn thiện quản lý nhà nước đối với dự án PPP, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của PPP, kịp thời ngăn chặn và xử lý có hiệu quả những sai phạm phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Để khắc phục những hạn chế này, ngoài việc xem xét, cân nhắc các quy định về phạm vi điều chỉnh và lĩnh vực đầu tư, nguyên tắc áp dụng hợp đồng, nguồn vốn của Nhà nước trong dự án PPP…, Dự thảo Luật cần phải làm rõ KTNN có vai trò như thế nào đối với việc kiểm toán các dự án PPP?

Để có câu trả lời xác đáng, trước hết, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán dự án PPP, từ đó tham khảo và áp dụng tại Việt Nam cho phù hợp. Khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, hai vấn đề cần phải làm rõ. Thứ nhất, các nước thực hiện kiểm toán dự án PPP ra sao? KTNN tham gia như thế nào vào các dự án này? Nếu ở các nước, KTNN kiểm toán dự án PPP thì không có lý do gì khi vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài lại quan ngại KTNN. Thứ hai, cần phải khẳng định rằng: hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam đã tiệm cận thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Do đó, nếu các nước trên thế giới kiểm toán nguồn vốn tham gia PPP mà không phân biệt đó là nguồn vốn nhà nước hay tư nhân, nguồn vốn trong hay ngoài nước thì KTNN Việt Nam hoàn toàn có thể học tập kinh nghiệm này để kiểm toán dự án PPP.

Mặt khác, Quốc hội có chức năng rất quan trọng là giám sát tối cao mà KTNN là công cụ sắc bén, hữu hiệu và gần như là quan trọng nhất để thực hiện chức năng này. Vậy hà cớ gì lại hạ thấp vai trò giám sát của Quốc hội đối với các dự án PPP có trị giá hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng?

Còn theo quy định pháp luật hiện hành, KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ngoài cơ sở pháp lý này, để xác định rõ vai trò của KTNN trong các dự án PPP, chúng ta cần tìm hiểu, phân biệt một số thuật ngữ, khái niệm liên quan.

Theo Dự thảo Luật PPP, tài chính công chính là vốn nhà nước hỗ trợ để thực hiện dự án PPP. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại chưa đề cập đến tài sản công. Vậy dự án PPP trong quá trình xây dựng, hoàn thành, khai thác, chuyển giao quyền sở hữu thì tài sản đó thuộc quyền sở hữu của ai? Nếu đó là của công, tài sản công thì KTNN kiểm toán là đúng luật…

Liên quan đến tài chính, Dự thảo Luật PPP chỉ đặt vấn đề kiểm toán phần vốn của Nhà nước, trong khi đó, phần đóng góp của Nhà nước lại phụ thuộc vào việc xác định giá trị dự án PPP. Điều này chưa phù hợp với thực tế. Nếu chỉ kiểm toán phần vốn nhà nước mà bỏ qua tổng vốn dự án và phần vốn góp bên ngoài nhà nước thì chắc chắn đây sẽ là một lỗ hổng và sẽ rất khó xử lý được tình trạng thất thoát, lãng phí trong dự án PPP.

Từ những phân tích trên, có thể khẳng định rằng, việc ban hành Luật PPP, trong đó quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của KTNN đối với các dự án PPP là cần thiết. Mong rằng, trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, xem xét, làm rõ hơn vai trò này của KTNN để bảo vệ lợi ích quốc gia. Đồng thời, đã đến lúc, KTNN cần chuẩn bị chương trình hành động cụ thể, thực hiện kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính và đặc biệt là kiểm toán hoạt động đối với dự án PPP, giúp Quốc hội, Chính phủ giám sát, quản lý tốt hơn để những dự án này không chỉ phục vụ lợi ích của Nhà nước mà còn đem lại lợi ích cho toàn xã hội.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Bất cập hay tư duy cũ trong cơ chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Tại cuộc họp chiều 24/02, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp đúng quy định pháp luật, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động; trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
  • Sáng suốt trước dịch nCoV
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Khởi phát từ đầu năm 2020, đến nay, dịch nCoV 2019 (vừa được Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên chính thức là COVID-19) đã lan rộng ra hơn 20 quốc gia trên thế giới và khiến hơn 40.000 người nhiễm bệnh, gần 1.000 người tử vong, chủ yếu tập trung tại Trung Quốc. Do chưa thể dự báo được diễn biến của dịch nên việc đánh giá tác động, dự báo tình hình cũng như đề xuất giải pháp, chính sách khắc phục hậu quả và vượt qua dịch bệnh gần như là bất khả thi.
  • Thước đo sự lãnh đạo thành công
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Dấu ấn lịch sử sâu đậm và quan trọng nhất mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử trong sự lãnh đạo kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam là khởi xướng, sáng tạo và lãnh đạo công cuộc đổi mới, mà trước hết là “đổi mới về tư duy kinh tế”.
  • Xuân mới - Tâm thế mới và năng lực mới
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngay từ đầu năm 2019, Kế hoạch kiểm toán đã được ngành KTNN chủ động xây dựng minh bạch, chi tiết các đầu mối kiểm toán, giảm thiểu sự chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và thanh tra. Trong năm qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc quyết liệt, kịp thời trong hoạt động kiểm toán.
  • Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần giải pháp quyết liệt, đột phá hơn
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính: Trong năm 2019, có 9 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH); trong đó chỉ có 3 đơn vị thuộc Danh mục Doanh nghiệp cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.
Vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP - những câu hỏi còn bỏ ngỏ