Triển vọng kinh tế số ở Việt Nam

(BKTO) - Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm, mục tiêu ưu tiên và động lực phát triển mạnh mẽ hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới. Phát triển công nghệ và công nghiệp ICT - hạt nhân của chuyển đổi số - sẽ góp phần đưa Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình.



Theo Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019" (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek và Bain công bố ngày 03/10, tại TP. HCM, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á, với trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực tính từ năm 2015. Theo thống kê, năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng internet. Giá trị giao dịch thiết bị công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông tăng đều đặn hằng năm… đã tạo ra nền tảng lý tưởng để đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực phát triển kinh tế số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai cấp phép thử nghiệm 5G cho Viettel, VNPT, MobiFone...

Theo mục tiêu kế hoạch, ngành bưu chính trong nền kinh tế số sẽ phát triển theo hướng thương mại điện tử, áp dụng mạnh mẽ công nghệ số, hình thành một số công ty lớn làm nòng cốt; xây dựng hệ thống mã bưu chính tới từng địa chỉ, hoàn thiện đề án cung cấp dịch vụ công qua hệ thống bưu chính... Hạ tầng viễn thông sẽ được chuyển thành hạ tầng ICT để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển dịch ngành viễn thông từ thoại sang data thông qua giảm cước kết nối thoại; phổ cập điện thoại thông minh, quy hoạch tần số 5G, tuyên bố lộ trình tắt sóng 2G, 3G, thử nghiệm mobile money; xử lý các vấn nạn rác viễn thông... Cùng với việc tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam sẽ ban hành các khung về Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, Nghị định về đầu tư và thuê công nghệ thông tin; xây dựng các nghị định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, định danh và xác thực điện tử, thúc đẩy Chính phủ điện tử mà trọng tâm là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Đặc biệt, trong công nghiệp ICT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về phát triển DN công nghệ Việt Nam, về "Make in Vietnam". Theo đó, sẽ thúc đẩy phát triển các loại DN, gồm DN thương mại, dịch vụ chuyển sang làm công nghệ, công nghiệp.

Theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Việt Nam hướng đến mục tiêu đến năm 2025: duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm.

Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030: duy trì xếp hạng về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp; kinh tế số chiếm trên 30% GDP; hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Việt Nam cần thực hiện nhiều đổi mới nhận thức, pháp lý, thể chế, cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành hệ thống hạ tầng CNTT và viễn thông, cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối liên thông; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển nguồn nhân lực các ngành và công nghệ ưu tiên, tăng cường hội nhập quốc tế…

Việt Nam cần coi kinh tế số là một trụ cột và chỉ có dựa vào kinh tế số, chuyển đổi số chúng ta mới đảm bảo được quá trình phát triển nhanh, bền vững và đuổi kịp các nước trong khu vực.

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Đằng sau rủi ro đầu tư  bất động sản nghỉ dưỡng
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo Thông cáo báo chí về tình hình đầu tư xây dựng căn hộ khách sạn (condotel) trên địa bàn Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng của ngày 29/11/2019, trong 2 năm 2016 và 2017, Sở đã cấp phép xây dựng 6 dự án căn hộ khách sạn với tổng cộng 7.590 condotel và đã cho phép chuyển đổi 1.969 condotel thành chung cư trong Dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Cocobay Đà Nẵng) thuộc quận Ngũ Hành Sơn.
  • Phát triển tín dụng xanh
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, hàng loạt khái niệm gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đã ra đời như: kinh tế xanh, tài chính xanh, thuế xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh... Tín dụng xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng và có tốc độ phát triển ấn tượng.
  • Kinh tế ban đêm - “Cửa sáng” cho ngành dịch vụ Việt
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu các Bộ, địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm…
  • Phát triển thị trường tài chính miền núi
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thị trường miền núi nước ta bao gồm các tỉnh miền núi phía Bắc (14 tỉnh thuộc nhóm trung du và miền núi phía Bắc theo phân nhóm của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 5 tỉnh Tây Nguyên). Theo đó, thị trường tài chính miền núi được hiểu là nơi gặp gỡ giữa người có nguồn lực tài chính và người có nhu cầu sử dụng nguồn lực tài chính đó trên địa bàn các tỉnh miền núi. Thị trường tài chính bao gồm: thị trường tín dụng ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD), thị trường bảo hiểm và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thực tế các tỉnh miền núi hầu như không phát triển hai loại thị trường sau.
  • Ưu đãi phải đúng đối tượng
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Sau 2 năm thanh tra, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã thông báo Kết luận thanh tra về quản lý và sử dụng đất đai với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai sót về thẩm quyền và quy trình giao đất và cấp ưu đãi cho các dự án, trong đó có việc UBND TP. Đà Nẵng chưa thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định về xác định giá đất; không lấy ý kiến hoặc không xem xét ý kiến của các sở, ban, ngành, mà chỉ căn cứ ý kiến của Chủ tịch và các phó chủ tịch Thành phố tại các cuộc họp; xác định, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Triển vọng kinh tế số ở Việt Nam