(BKTO) - Sáng 16/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong buổi tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 tại TP. Hải Phòng: Chính phủ đã yêu cầu phải xử lý nghiêm một số cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng xuống làm việc tại Vĩnh Phúc có vi phạm pháp luật. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu cán bộ thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm toán phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống tham nhũng, có sự giám sát của nhân dân. Đặc biệt, Chính phủ sẽ áp dụng công nghệ để chống hành vi lợi dụng quyền lực nhằm nhũng nhiễu, tiêu cực.



Sự việc cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền và bị bắt quả tang tại tỉnh Vĩnh Phúc dù đang còn trong quá trình điều tra, xử lý song đã, đang và sẽ còn gây bất ngờ cho dư luận không chỉ ở chỗ, người có trách nhiệm thanh tra, giám sát hoạt động xây dựng cơ bản lại đi đòi tiền “ăn chia” để khỏa lấp cái sai của đối tượng bị giám sát.

Càng bất ngờ hơn, khi sự việc thỏa thuận và nhận tiền diễn ra quá nhanh, cho thấy: hoặc là do lỗi sai cố tình khai khống để ăn tiền của bên vi phạm dự án xây dựng ở địa phương trắng trợn, sờ sờ ra đó, đến mức thoáng nhìn là ra ngay. Hoặc do nghiệp vụ của đoàn thanh tra khá cao nên phát hiện nhanh “nút thắt” vấn đề. Song, thay vì đưa vi phạm vào kết luận và kiến nghị thanh tra để xử lý thì cán bộ thanh tra lại “ra giá”, mặc cả và sẵn sàng ăn chia với phía vi phạm. Điều này cho thấy tư duy “lợi ích nhóm” và “bảo kê” tiêu cực đã được mặc định sẵn trong tâm thế của một số cán bộ trong đoàn thanh tra này. Điều cần nhấn mạnh là việc công an vào cuộc phát hiện và bắt lỗi sai phạm của đoàn thanh tra cũng rất nhanh, cho thấy nghiệp vụ và tinh thần chủ động đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực từ phía công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng rất đáng ghi nhận và biểu dương.

Việc thanh tra xây dựng vòi tiền là sai phạm rõ ràng, là việc bảo kê tham nhũng, là đồng phạm tham nhũng, là tham nhũng của tham nhũng…?! Hành vi này không chỉ làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, mà còn làm giảm sút lòng tin của người dân vào hoạt động thanh tra. Hơn nữa, qua đó có thể hiểu vì sao nhiều biểu hiện tiêu cực trong quản lý nhà nước nói chung, trong quản lý xây dựng nói riêng, không những không giảm bớt, mà còn tiếp tục kéo dài, gia tăng quy mô và với thủ thuật vừa trắng trợn, vừa tinh vi hơn.

Chiếc lò chống tham nhũng đang nóng và làm nức lòng người dân cùng đại đa số đảng viên. Vậy mà sự việc cán bộ thanh tra vòi tiền - tham nhũng vẫn diễn ra ngay sát Thủ đô cho thấy, dường như cuộc chiến chống tham nhũng chưa thực sự chuyển động ở dưới cơ sở, địa phương.
Đằng sau sự việc thanh tra xây dựng vòi tiền nêu trên còn cho thấy, đâu đó tồn tại kẽ hở nghiêm trọng của quy trình và chất lượng công tác cán bộ. Việc cán bộ mới được bổ nhiệm đã nhanh chóng phạm lỗi không chỉ là do chất lượng cán bộ được bổ nhiệm quá kém; mà còn do áp lực người đó phải “hoàn vốn bôi trơn” và “đầu tư” trong quy trình để trở thành “quan thanh tra”?

Dù là với lý do gì chăng nữa, thực tế cũng cho thấy sự bức thiết của việc rà soát lại quy trình và chất lượng công tác cán bộ; bảo đảm sự công khai, minh bạch và sự giám sát của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và công tác cán bộ nói riêng; cụ thể hóa phân công trách nhiệm và quy trình công tác kiểm soát nội bộ hoạt động thanh tra, kiểm tra ở các đơn vị chức năng. Đặc biệt, cần coi trọng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ. Nếu người đứng đầu không nghiêm sẽ khiến toàn bộ quy trình bổ nhiệm cán bộ bị hình thức hóa, đẻ ra một bộ phận cán bộ lớn về số lượng và thấp kém về cả đạo đức và năng lực thì hậu quả sẽ đắt đỏ khôn lường.

Bởi lẽ, những người sẵn sàng bỏ tiền “chạy chức, chạy quyền” thì về bản chất, khi có chức, có quyền họ sẽ luôn tìm mọi cách bất chấp quy định của Đảng và pháp luật nhà nước, chà đạp mọi tiêu chuẩn đạo đức và giá trị lành mạnh của xã hội văn minh, lạm dụng tối đa quyền lực, nhũng nhiễu, bóp méo chính sách, thu lợi bất chính nhằm “hoàn vốn đầu tư” ban đầu và tiếp tục củng cố lợi ích cá nhân, phe nhóm. Đồng thời, họ tiếp tục tuyển chọn và cho “ra lò” lớp cán bộ mới kiểu “Ngưu tầm ngưu - Mã tầm mã” như họ, dập theo quy trình, thủ đoạn mà họ đã trải qua, dù với “giá chung chi” cao hơn và năng lực, đạo đức, trách nhiệm công vụ thấp hơn… Sau vài “vòng quay sản xuất” cán bộ kiểu đó, người tài sẽ bật ra khỏi bộ máy công quyền; những kẻ bất tài, vô trách nhiệm sẽ lũng đoạn bộ máy, bất công xã hội và mất đoàn kết nội bộ sẽ gia tăng, tài nguyên, lợi ích và sức mạnh quốc gia bị bào mòn, vị thế đất nước ngày càng bị tổn hại. Niềm tin vào năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Đảng, Nhà nước sẽ ngày càng giảm sút, trực tiếp và gián tiếp làm sụp đổ sự nghiệp chung toàn dân tộc và lợi ích quốc gia, thậm chí đe dọa ngay cả sự chính danh của Đảng, sự tồn vong của chế độ.
TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 20-6-2019
Cùng chuyên mục
  • Chữ tín…!
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong những ngày qua, công luận bức xúc vì giá điện và hóa đơn tiền điện đều tăng sốc. Ngay trong nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đề nghị KTNN vào cuộc để góp phần minh bạch hóa cơ cấu giá và chi phí ngành điện, làm rõ sự hợp lý của mức tăng giá điện nêu trên… Sự kiện này không chỉ cho thấy sự mất lòng tin của xã hội vào giải trình tăng giá của ngành điện, mà còn là minh chứng cho thấy vai trò và uy tín của KTNN trong đời sống kinh tế - xã hội nước ta.
  • Cần sớm xây dựng Luật Chống chuyển giá
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trước hết, cần khẳng định chuyển giá là một hiện tượng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền kinh tế thị trường phát triển lâu đời và chúng ta đã phát hiện đồng thời xử lý một số trường hợp chuyển giá thông qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về chống chuyển giá dựa trên quan hệ liên kết.
  • Sửa Luật để Kiểm toán Nhà nước  tham gia phòng, chống  tham nhũng hiệu quả
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thực hiện Nghị quyết số 613/2018/UBTVQH14 ngày 13/12/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, KTNN đã xây dựng Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo Luật) và đã được UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32, chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới... Trước “quốc nạn” tham nhũng nặng nề và với vai trò đặc biệt của KTNN, đòi hỏi cần đặc biệt coi trọng mục tiêu và yêu cầu phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong Dự thảo Luật này.
  • Tháo kíp bom nợ  “tín dụng đen”
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 19/02, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường, có hiệu lực từ ngày 05/4/2019, theo đó, Chính phủ ấn định việc tổ chức các hoạt động trên chỉ được áp dụng mức lãi suất trần 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần họ đã góp trên thời gian còn lại của dây họ.
Tham nhũng của tham nhũng