Tăng cường liên kết chuỗi giá trị giữa hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến nông sản

(BKTO)- Nông sản ngành rau củ quả Việt Nam được các chuyên gia đánh giá rất giàu tiềm năng phát triển. Nhưng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức, kể cả trong sản xuất lẫn đầu ra cho sản phẩm. Hiến kế mở rộng thị trường cho nông sản rau củ quả Việt, TS.Lê Thành- Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ đã có những chia sẻ thiết thực, hữu ích đối với các nhà quản lý và các DN trong ngành.



Chuỗi liên kết đóng vai trò quan trọng

Thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam đang ngày càng mở rộng hơn, tạo ra động lực mạnh mẽ hơn cho phát triển nông nghiệp, song cũng đang trở nên ngày một khó tính và có yêu cầu ngày càng cao hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Nông sản Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vượt qua các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại đã và đang được dựng lên ở những thị trường lớn, các vụ kiện chống bán phá giá…
                
   

TS.Lê Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ- Ảnh: VCA

   

Chính vì vậy, hình thành các chuỗi giá trị liên kết là giải pháp quan trọng, xu thế tất yếu, quyết định đến khả năng cạnh tranh của nông sản. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trước hết, tham gia vào chuỗi liên kết, các mặt hàng nông sản có thể tăng giá trị gia tăng. Thực tế cho thấy, với gần 90% số nông sản xuất khẩu là sản phẩm thô thì chúng ta đang lãng phí tài nguyên, không tạo ra sức cạnh tranh cho nông sản, không có cơ hội tạo công ăn, việc làm cho người nông dân, đặc biệt khi hợp tác xã (HTX), người nông dân đã và đang chịu ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, cần có sinh kế hữu hiệu.

Thứ hai, việc hình thành các chuỗi liên kết giữa HTX với nhà máy chế biến, các nguồn lực tiềm năng sẽ được phát hiện và phát huy hiệu quả. Nhờ vào các mối liên kết ổn định và chặt chẽ, HTX, người nông dân sẽ hoạch định được kế hoạch sản xuất, chất lượng nông sản sẽ được nâng cao do được thu hoạch đúng thời điểm, thời gian tàng trữ sau thu hoạch ngắn… làm tăng lợi ích cho xã hội và người sản xuất. Các nhà máy chế biến nông sản có điều kiện thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật cần thiết, nâng cao chất lượng sản phẩm.
                
   

Bản đồ Nhà máy chế biến nông sản- Nguồn: Viện KTNNHC

   

Thứ ba, khi tham gia vào chuỗi liên kết, lợi ích của các bên sẽ được hài hòa hơn, hạn chế được những rủi ro tiềm ẩn. Do một mặt, HTX, người nông dân có đầu ra ổn định; nhà máy chế biến có đủ nguyên liệu, ổn định được sản xuất và thị trường tiêu thụ nên có nhiều cơ hội đầu tư mở rộng, nâng cao khả năng cạnh tranh. Mặt khác, Nhà nước đảm bảo thực hiện được mục tiêu đảm bảo lợi nhuận 30% trở lên đối với người nông dân, hạn chế được tình trạng “được mùa rớt giá”. Thậm chí thương lái khi tham gia vào chuỗi nếu tuân thủ những quy định chung cũng sẽ được đảm bảo hài hòa lợi ích với các thành phần khác.

Những vấn đề cần tháo gỡ

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả trong liên kết và khả năng nhân rộng các mô hình liên kết còn hạn chế. Tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa người sản xuất và doanh nghiệp (DN) còn thấp. Hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản cũng chỉ được thực hiện chủ yếu ở các ngành hàng có quy mô sản xuất khá lớn như gạo, cá tra, còn riêng với ngành hàng rau củ quả đa phần vẫn thông qua thương lái…
                
   

Bản đồ vùng trồng rau củ quả Việt Nam- Nguồn: Viện KTNNHC

   

Ý thức tuân thủ hợp đồng đã ký của nông dân không cao. Họ thường bán nông sản cho người mua hoặc các DN khác khi giá thị trường cao hơn hoặc xuất hiện các điều kiện khác hấp dẫn hơn. Một số còn cố tình bán sản phẩm cho các bên khác để lẩn tránh việc thanh toán các khoản đầu tư ứng trước của DN theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, nhiều DN cũng chưa tôn trọng lợi ích của HTX, người nông dân, thiếu bàn bạc với nông dân trong quá trình ký kết hợp đồng; đưa ra các điều khoản không thật phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân; không thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết; cung ứng vật tư không đúng chất lượng; đơn phương phá bỏ hợp đồng khi có biến động về giá cả, thị trường; không quan tâm đầu tư cho vùng nguyên liệu… Một số DN đã lạm dụng thế độc quyền để ép cấp, ép giá như đưa ra những yêu cầu quá cao về chất lượng nhằm giảm giá sản phẩm khi thu mua; sử dụng việc đánh giá phẩm cấp để ép giá; trì hoãn việc thu mua khi chính vụ làm giảm chất lượng nông sản, thanh toán hợp đồng chậm…

Đối với nhiều hợp đồng tiêu thụ đã được ký kết, tỷ lệ thu hồi sản phẩm theo hợp đồng còn hạn chế, hiện tượng phá vỡ hợp đồng khá phổ biến; các tranh chấp hợp đồng chậm giải quyết và không dứt điểm.

Cần tăng cường chuỗi liên kết giữa HTX với các DN

Liên kết chuỗi trong sản xuất chế biến nông sản giữa nhà máy chế biến và HTX là con đường tất yếu đưa lại sự sản xuất và tiêu thụ ổn định, từng bước nâng cao chất lượng và uy tín của các mặt hàng nông sản cả trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
                
   

Mô hình liên kết vùng trồng được đề xuất- Nguồn: LAVIFOOD

   

Thứ nhất là liên kết gần và liên kết xa. Liên kết gần là các liên kết giữa các tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng chặt chẽ, trực tiếp đến hoạt động của nhau trong một chuỗi giá trị ngành hàng nào đó. Liên kết xa là các liên kết mà hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong liên kết ít có ảnh hưởng, ảnh hưởng không trực tiếp đến hoạt động của nhau. Tùy vào từng giai đoạn hoạt động, tùy theo các mô hình liên kết chuỗi khác nhau mà một mối liên kết giữa tổ chức, cá nhân này có thể là liên kết gần hoặc liên kết xa của tổ chức, cá nhân khác.

Thứ hai là liên kết ngang. Các tổ chức, cá nhân như các DN, nhóm người, các hội nghề nghiệp, câu lạc bộ… cùng hoạt động trong một lĩnh vực, có chung một đối tượng tác động, một mục đích cần đạt được có thể liên kết với nhau. Mô hình này thực sự cần thiết cho nhiều hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản. HTX, người nông dân có thể liên kết với nhau để giảm chi phí sản xuất để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, mang tính hàng hóa cao. Họ cũng có thể liên kết lại với nhau để tạo nên sức mạnh chống lại sự ép cấp, ép giá… của đối tác. Thương lái hoặc người cung cấp sản phẩm trung gian cũng có thể liên kết nhau trong một tổ chức mềm dẻo nhằm nâng cao lợi ích của mình.

Trong bối cảnh hiện nay, các nhà máy chế biến nông sản và xuất khẩu nông sản Việt Nam rất cần liên kết với nhau để có thể xây dựng được chiến lược quốc gia về chất lượng sản phẩm và thương hiệu cho các loại nông sản Việt Nam- cái mà chúng ta chưa hề có được trên trường quốc tế.

Thứ ba là liên kết dọc giữa các tổ chức, cá nhân trong một loạt các hoạt động sản xuất kinh doanh có quan hệ với nhau, từ cung cấp dịch vụ, vật tư đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến và cuối cùng là bán sản phẩm cho người tiêu dùng nhằm sản xuất, tiêu thụ nông sản có hiệu quả.

Trong nền kinh tế thị trường, liên kết dọc là một xu thế tất yếu của sản xuất vì nó có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm được chi phí sản xuất, nhất là giảm được chi phí xã hội do hạn chế được đến mức tối đa hiện tượng “được mùa mất giá” như đang diễn ra hiện nay.

Tuy nhiên, để các mô hình chuỗi liên kết đi vào hoạt động ổn định và bền vững, cần có những giải pháp mang tính chiến lược và giải quyết rất nhiều vấn đề. Trước mắt, để các chuỗi liên kết này đem lại hiệu quả mong muốn cần phải đánh giá đúng vai trò, đồng thời có giải pháp hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia, đặc biệt là vai trò dẫn dắt của nhà máy chế biến nông sản và DN nông nghiệp; vai trò của Nhà nước và vai trò của các tổ chức hỗ trợ như ngân hàng, nghiên cứu khoa học…

QUỲNH ANH (lược ghi)
Cùng chuyên mục
  • Tiến tới hoàn thành dự toán thu ngân sách  năm 2019
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - ​Sau 9 tháng năm 2019, thu NSNN đã đạt được những kết quả rất tích cực. Cụ thể, tổng thu NSNN đạt trên 1 triệu tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, thu nội địa được 882.400 tỷ đồng, bằng 75,2% dự toán, tăng 11,2% so cùng kỳ năm 2018, thu về dầu thô đạt 43.860 tỷ đồng, bằng tới 98,3% dự toán và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng đạt 163.900 tỷ đồng, bằng 86,6% dự toán, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018.
  • Động lực tăng trưởng kinh tế Thủ đô
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2019 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 25/9, bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu, nền kinh tế Việt Nam được dự báo duy trì tăng trưởng mạnh trong năm 2019 và 2020 ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7%, sau khi đã bứt phá mạnh với tỷ lệ 7,1% trong năm 2018; lạm phát được điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống còn 3% trong năm 2019 và từ 3,8% xuống còn 3,5% cho năm 2020. Trong đó, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội đã, đang và sẽ có đóng góp tích cực vào thành công chung này của đất nước…!
  • Sớm ban hành khuôn khổ pháp lý về condotel
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Chỉ mới ra đời và phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây song condotel đã trở thành phân khúc bùng nổ mạnh mẽ do đáp ứng được nhu cầu của cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và người sử dụng với hàng vạn sản phẩm đã và sẽ đưa vào thị trường.
  • Gỡ rối chậm giải ngân vốn đầu tư công
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 21/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 1042/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Theo đó, đến tháng 8/2019 vẫn còn 35.148 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 (bằng 9,3% kế hoạch vốn được Quốc hội thông qua) chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn trong khi yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 5/2019.
  • Nhận thức mới về thu hút và quản lý FDI
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thay mặt Bộ Chính trị, ngày 20/8/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (dưới đây gọi tắt là Nghị quyết).
Tăng cường liên kết chuỗi giá trị giữa hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến nông sản