Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam

(BKTO) - Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chi phối thương mại toàn cầu đồng thời cũng là hai đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.



Vì vậy, quan hệ thương mại Mỹ - Trung tác động rất mạnh đến thương mại nói riêng, đến kinh tế của Việt Nam nói chung. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung hầu như không tác động trực tiếp đến thương mại và đầu tư của Việt Nam mà tác động gián tiếp là quan trọng nhất, nổi bật trên các mặt:

1. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung chi phối sự phát triển của thương mại và đầu tư toàn cầu nên xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể làm giảm tốc thương mại quốc tế, qua đó ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của Việt Nam kể cả về lượng và về giá. Thực tế kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 7 tháng năm 2019 chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018 và nhập khẩu tăng 8,3%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá tăng 2,77% còn chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2018.

2. Việt Nam liên tục xuất siêu sang Mỹ với hàng chục tỷ USD mỗi năm có thể khiến cho các biện pháp trừng phạt thương mại mà Mỹ dành cho Trung Quốc với lý do thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc cũng có thể mở rộng áp dụng đối với cả Việt Nam với lý do tương tự mặc dù với mức độ và quy mô thấp hơn. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Mỹ tới 32,5 tỷ USD (tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2018) và chỉ nhập khẩu 8,27 tỷ USD từ Mỹ (tăng 8,6%). Để giảm thặng dư thương mại với Mỹ nhằm tránh nguy cơ bị trừng phạt “lây”, Việt Nam có thể phải điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao và một số nông sản là thế mạnh của Mỹ.

3. Sức ép từ phía Mỹ có thể khiến Trung Quốc điều chỉnh bớt dòng xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam khiến cho thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng thêm nặng nề, nhất là bên cạnh thương mại chính thức còn có thương mại phi chính thức mà Việt Nam chưa kiểm soát được. Sau 7 tháng năm 2019, Trung Quốc đã xuất khẩu sang Việt Nam tới 42 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018 trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đứng yên ở mức 20 tỷ USD.

4. Cuộc chạy đua kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung vào hàng hoá và dịch vụ công nghệ cao sẽ buộc Trung Quốc phải thay đổi công nghệ theo hướng hiện đại đủ sức cạnh tranh với công nghệ của Mỹ. Vì vậy, những công nghệ lạc hậu bị thải loại của Trung Quốc có thể tìm “bến đỗ” ở Việt Nam. Thực tế nhập khẩu máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây thông qua sự hỗ trợ của cả đầu tư trực tiếp lẫn các khoản cho vay của Trung Quốc. Bên cạnh đó, để tránh chiến tranh thương mại, một phần dòng vốn FDI rút ra từ Trung Quốc có gắn với công nghệ cao có thể chọn Việt Nam làm điểm đến. Tuy nhiên, khả năng này chưa thành hiện thực khi sau 7 tháng năm 2019, FDI đăng ký mới vào Việt Nam mới có 2.064 dự án với tổng vốn đăng ký gần 8,3 tỷ USD, tăng 24,6% về số dự án nhưng lại giảm tới 37,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018, làm cho tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi vốn FDI thực hiện cũng chỉ tăng 7,1% và đạt 10,6 tỷ USD

5. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, tranh chấp, thậm chí chiến tranh thương mại công nghệ và kéo theo chiến tranh tiền tệ nên Việt Nam phải luôn sẵn sàng chuẩn bị các phương án tối ưu để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với thương mại, đầu tư và tài chính tiền tệ,... Việc USD liên tục lên giá do kinh tế Mỹ tăng trưởng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và FED giảm lãi suất USD trong khi NDT mất giá mạnh do hậu quả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ gây sức ép lên chính sách điều hành tỷ giá hối đoái của Việt Nam.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019
Cùng chuyên mục
  • Động lực và kỳ vọng mới của du lịch Việt
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Năm 2018, du lịch Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách, tăng 19,9% so với năm 2017, phục vụ hơn 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng và là năm thứ 3 liên tiếp, du lịch Việt Nam liên tục thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới. Cũng năm này, lần đầu tiên Việt Nam được trao tặng Giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA) khu vực châu Á và châu Úc năm 2018.
  • Đón dòng vốn của các tập đoàn xuyên quốc gia
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Mặc dù tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 10.347,2 triệu USD, giảm 36,3% so với cùng kỳ năm 2018 và vốn FDI thực hiện 6 tháng đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018 song Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn từ nguồn vốn đầu tư của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia (TNC).
  • Tăng vốn điều lệ cho bốn  ngân hàng thương mại trụ cột
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Nửa đầu năm 2019, vấn đề tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) trụ cột gồm: NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) lại nóng lên khi cơ quan quản lý các NHTM và chính bản thân lãnh đạo các NHTM trụ cột này đều liên tục lên tiếng được giữ lại phần cổ tức hay lợi nhuận từ phần vốn nhà nước tại NHTM để tăng vốn điều lệ nhằm vượt qua giới hạn CAR đang lùi về dưới 9%, không chỉ vi phạm nguyên tắc an toàn vốn theo quy định hiện hành mà còn ảnh hưởng tới khả năng thực hiện Chuẩn mực Basel II trong những năm tới.
  • Tham nhũng của tham nhũng
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Sáng 16/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong buổi tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 tại TP. Hải Phòng: Chính phủ đã yêu cầu phải xử lý nghiêm một số cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng xuống làm việc tại Vĩnh Phúc có vi phạm pháp luật. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu cán bộ thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm toán phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống tham nhũng, có sự giám sát của nhân dân. Đặc biệt, Chính phủ sẽ áp dụng công nghệ để chống hành vi lợi dụng quyền lực nhằm nhũng nhiễu, tiêu cực.
  • Chữ tín…!
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong những ngày qua, công luận bức xúc vì giá điện và hóa đơn tiền điện đều tăng sốc. Ngay trong nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đề nghị KTNN vào cuộc để góp phần minh bạch hóa cơ cấu giá và chi phí ngành điện, làm rõ sự hợp lý của mức tăng giá điện nêu trên… Sự kiện này không chỉ cho thấy sự mất lòng tin của xã hội vào giải trình tăng giá của ngành điện, mà còn là minh chứng cho thấy vai trò và uy tín của KTNN trong đời sống kinh tế - xã hội nước ta.
Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam