Sớm ban hành khuôn khổ pháp lý về condotel

(BKTO) - Chỉ mới ra đời và phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây song condotel đã trở thành phân khúc bùng nổ mạnh mẽ do đáp ứng được nhu cầu của cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và người sử dụng với hàng vạn sản phẩm đã và sẽ đưa vào thị trường.



Thị trường condotel là kết quả của 3 thị trường quan trọng gồm thị trường bất động sản (BĐS), thị trường tài chính và thị trường du lịch. Thông qua condotel, chủ đầu tư dự án BĐS có thêm một lĩnh vực kinh doanh mới với những sản phẩm BĐS “lai ghép” giữa căn hộ và phòng khách sạn, vừa phù hợp với sự phát triển của du lịch, đặc biệt là địa bàn ven biển, vừa phát huy kinh nghiệm đã tích lũy được sau nhiều năm về kinh doanh phát triển, quản lý căn hộ chung cư của nhiều chủ đầu tư BĐS trong bối cảnh một số phân khúc thị trường BĐS có dấu hiệu bão hòa và mật độ tập trung quá lớn tại các đô thị truyền thống.

Nhà đầu tư condotel bị thu hút bởi một sản phẩm BĐS mới có khả năng sinh lời không chỉ trên thị trường sơ cấp mà còn được trực tiếp tham gia thị trường cho thuê và cho thuê lại condotel đầy hứa hẹn thông qua cam kết của chủ đầu tư và triển vọng phát triển mạnh mẽ của thị trường du lịch Việt Nam, đồng thời còn có những điều kiện bổ sung thỏa mãn nhu cầu du lịch của chính nhà đầu tư. Sức hấp dẫn của phân khúc condotel tăng lên gấp bội khi có sự hỗ trợ tích cực của các định chế tài chính, nhất là tín dụng từ nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) lớn có uy tín. Đến lượt mình, người sử dụng sản phẩm condotel có thêm lựa chọn lưu trú cho các chuyến du lịch của mình với giá cả hợp lý, tiện ích khác biệt so với lưu trú tại khách sạn, nhà nghỉ... truyền thống, phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong và ngoài nước. Nói cách khác, condotel là một trong những sản phẩm tiêu biểu nhất của mô hình kinh tế chia sẻ khi tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và thỏa mãn nhu cầu của cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và người sử dụng.

Do condotel là sản phẩm “lai ghép” giữa căn hộ và phòng khách sạn với đặc trưng của mô hình kinh tế chia sẻ nên nhiều quy định có liên quan thiếu rõ ràng, đặc biệt là liên quan đến quản lý nhà nước đối với dự án condotel như là đối với dự án chung cư hay dự án khách sạn và đặc biệt là quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia gắn với quy trình giao đất, cho thuê đất, cấp quyền sử dụng đất, quyền khai thác, phân chia lợi ích, quyền cư trú... Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước đã lúng túng trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thị trường condotel có thể phát triển đúng hướng, hợp pháp theo cả chiều rộng và chiều sâu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thị trường BĐS, thị trường du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung. Rõ ràng, sự chậm trễ trong ban hành khung pháp lý cho condotel chứng tỏ bộ máy quản lý còn chậm phản ứng với những yêu cầu mới của cuộc sống và sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với những vấn đề mới có tính liên ngành, liên lĩnh vực.

Khuôn khổ pháp lý cho condotel nói riêng, cho các sản phẩm BĐS lai ghép khác nói chung cần sớm được ban hành, tránh tình trạng đùn đẩy, thậm chí né tránh như hiện nay vì đó là đòi hỏi của cuộc sống. Với thực trạng hệ thống văn bản pháp lý và quản lý nhà nước như hiện nay thì có rất nhiều việc phải làm và làm ngay, nhưng quan trọng và cấp bách nhất là xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về BĐS.

Đồng thời, đã đến lúc chúng ta cần từ bỏ phương thức quản lý nhà nước về BĐS theo mục đích sử dụng như hiện nay sang quản lý theo tính chất của BĐS, chẳng hạn, quản lý một căn nhà theo vị trí, diện tích, giá trị, chất lượng, sở hữu thay vì quản lý theo phân biệt nhà để ở, nhà bỏ trống, nhà cho thuê, làm văn phòng, làm kho… vì sẽ có vô vàn mục đích sử dụng mà cơ quan quản lý không thể theo kịp và quản lý nổi. Theo đó, khung pháp lý về condotel phải chỉ rõ quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà đầu tư và người sử dụng trong suốt quá trình hình thành, tồn tại, khai thác đến xóa bỏ một sản phẩm condotel đồng thời có cơ chế minh bạch, khả thi và hiệu quả xử lý xung đột lợi ích giữa các bên liên quan đến condotel, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ trên cơ sở quy định của pháp luật, đặc biệt liên quan đến các quyền cơ bản như: quyền sở hữu (sở hữu chung, riêng), quyền sử dụng, quyền cho thuê, cho thuê lại và quyền thuê. Có như vậy, thị trường condotel mới có điều kiện và cơ sở để phát triển một cách bền vững, theo đó, các bên liên quan đều yên tâm và mạnh dạn tham gia thị trường condotel một cách hợp pháp.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 03-10-2019
Cùng chuyên mục
  • Gỡ rối chậm giải ngân vốn đầu tư công
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 21/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 1042/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Theo đó, đến tháng 8/2019 vẫn còn 35.148 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 (bằng 9,3% kế hoạch vốn được Quốc hội thông qua) chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn trong khi yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 5/2019.
  • Nhận thức mới về thu hút và quản lý FDI
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thay mặt Bộ Chính trị, ngày 20/8/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (dưới đây gọi tắt là Nghị quyết).
  • Giải ngân đầu tư công không chậm, nếu…
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký, ban hành Công điện thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bởi lẽ trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước mới giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 32,3% kế hoạch Quốc hội giao. Trong đó, 35 Bộ, cơ quan T.Ư và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%; 18 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch (TP. HCM giải ngân được 26% và Hà Nội cũng chỉ đạt gần 25% kế hoạch).
  • Đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được Quốc hội ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ về xử lý nợ xấu; tháo gỡ được phần nào khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong việc xử lý nợ xấu và triển khai thành công Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (Quyết định 1058).
  • Tác động của chiến tranh thương mại  Mỹ - Trung đến Việt Nam
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chi phối thương mại toàn cầu đồng thời cũng là hai đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.
Sớm ban hành khuôn khổ pháp lý về condotel