Quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

(BKTO) - Giải ngân vốn đầu tư công đã và đang là áp lực, là nhiệm vụ chính trị ưu tiên của năm 2020. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị và đã có nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng về vấn đề này…



Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 8/2020 ước tính đạt 47.400 tỷ đồng, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm: vốn T.Ư quản lý 8.700 tỷ đồng, tăng 86,7%; vốn địa phương quản lý 38.700 tỷ đồng, tăng 38,5%). Tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 250.500 tỷ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020...

Nghịch lý lớn đang xảy ra thời gian gần đây trên bình diện quốc gia: trong khi khu vực kinh tế tư nhân luôn khát vốn đầu tư, nhiều DN chạy đôn chạy đáo tìm cách có được vốn (kể cả với lãi suất cao) để triển khai dự án đầu tư mới hoặc mở rộng, thì ở khu vực công, các dòng vốn ngân sách, thực chất cũng là dòng vốn quý giá của xã hội, cứ “đủng đỉnh” và vô tư chậm tiến độ - lại được biện minh với mọi lý do đa dạng và bất khả kháng…?!

Dù thế nào thì những nguyên nhân chủ quan cần được nhận diện và xử lý nghiêm khắc. Đó là sự chậm trễ trong chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng và trong hoàn tất thủ tục để rút vốn từ kho bạc; một số đơn vị và cá nhân có biểu hiện vô cảm, nhũng nhiễu, cản trở và tắc trách; công tác tính toán kế hoạch đầu tư công chưa sát thực tế ở từng Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, còn có sự chậm trễ trong đốc thúc, thẩm định và tổng hợp các dự án; các đơn vị/cá nhân có trách nhiệm lập ra các dự án với chất lượng thấp, cốt chỉ để xếp hàng xin vốn, chạy theo chủ nghĩa thành tích hoặc tiếng gọi của lợi ích nhóm, hay tư duy nhiệm kỳ.

Trong phiên chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 15/8/2019 đối với 15 bộ trưởng, trưởng ngành về tình hình thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, có đại biểu Quốc hội đã đưa ra con số cả nước có gần 1.800 dự án đầu tư công vi phạm thủ tục đầu tư, gây thất thoát lãng phí nguồn lực Nhà nước. Đồng thời, đâu đó còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh và trì hoãn đưa ra các quyết định cần thiết liên quan trong thẩm quyền, vì sợ trách nhiệm hoặc chưa nhận đủ lợi ích cá nhân…

Cả về pháp lý và đạo lý, sự vô cảm và các yếu kém trong quản lý đầu tư của các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến giải ngân đầu tư công là vấn đề nghiêm trọng phải được xoá bỏ nhanh và triệt để…

Những giải pháp tháo gỡ nút thắt của sự trì trệ này cũng được chỉ ra, nổi bật là: Rà soát, làm rõ nguyên nhân và kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm điều chuyển theo thẩm quyền, hoặc tổng hợp báo cáo Thủ tướng về những dự án không có khả năng giải ngân và thu hồi số vốn không có khả năng giao kế hoạch năm; Bộ Tài chính rà soát, báo cáo Thủ tướng về các vướng mắc trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và công tác đàm phán hiệp định từ khi Luật Quản lý nợ công năm 2017 có hiệu lực; nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương có trách nhiệm lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo theo dõi quyết liệt; đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục thanh toán. Các đơn vị này được quyền xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng xây dựng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Mặt khác, Chính phủ cần rà soát lại danh mục các dự án, chọn ra những dự án cấp bách để tập trung nguồn vốn và chỉ đạo tổ chức thực hiện trước. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tại các địa phương cần phát huy vai trò giám sát của mình đối với các dự án đã nằm trong kế hoạch đầu tư công được phê duyệt, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng…

Đặc biệt, để thúc đẩy công tác đầu tư công trong các tháng còn lại của năm 2020, hiện Thủ tướng Chính phủ đã được Quốc hội giao thẩm quyền điều chuyển vốn từ Bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp sang Bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn, mục đích là đốc thúc giải ngân và sử dụng vốn hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải giải ngân hết 100% vốn đầu tư công năm 2020 theo kế hoạch để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công những dự án đủ điều kiện và có chất lượng cao là trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết.n

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Quản lý chi ngân sách nhà nước cho trẻ em
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Chi NSNN cho trẻ em không có tính trực tiếp nên rất khó để thu thập số liệu, báo cáo, phân tích đánh giá và giám sát chi NSNN cho trẻ em, từ xây dựng dự toán đến chấp hành dự toán, kiểm toán và quyết toán chi NSNN cho trẻ em.
  • Động thái nổi bật kinh tế thế giới năm 2020
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Điểm nhấn nổi bật chi phối kinh tế thế giới năm 2020 là đại dịch Covid-19, mà chỉ trong 8 tháng qua đã khiến trên 23 triệu người nhiễm và gần 1 triệu người tử vong, trong hơn 125 quốc gia, vùng lãnh thổ toàn thế giới.
  • Những góc nhìn đầu tư trong mùa dịch COVID-19
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO)- Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đang tạo ra rủi ro lớn cho giới đầu tư. Tuy nhiên, trong rủi ro cũng không thiếu những cơ hội. Giới chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định về ưu, nhược điểm của các kênh đầu tư trong tình hình hiện nay. Đây cũng có thể xem như những góc nhìn giúp nhà đầu tư có thêm kênh tham khảo để dòng tiền đầu tư sinh lợi nhất.
  • Kiểm toán Nhà nước và chuyển đổi số
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 19/4/2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Theo đó, để bảo đảm yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2020 là: “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”.
  • Tăng tốc kinh tế nửa cuối năm 2020
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 24/6 cho biết, kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng -4,9% trong năm 2020, không loại trừ cả các nước ASEAN vốn có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới hằng năm. Cả châu Á chỉ có Trung Quốc tăng trưởng khoảng 1% GDP và Việt Nam tăng khoảng 2% GDP…
Quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công