Quản lý chi ngân sách nhà nước cho trẻ em

(BKTO) - Chi NSNN cho trẻ em không có tính trực tiếp nên rất khó để thu thập số liệu, báo cáo, phân tích đánh giá và giám sát chi NSNN cho trẻ em, từ xây dựng dự toán đến chấp hành dự toán, kiểm toán và quyết toán chi NSNN cho trẻ em.



Tính chất gián tiếp trong chi NSNN cho trẻ em là bao trùm, không kể đó là chi bảo vệ, chăm sóc hay phát triển trẻ em. Tính chất gián tiếp của chi NSNN cho trẻ em là thực tế không thể phủ nhận do trẻ em là một bộ phận không thể tách rời của xã hội. Hơn nữa, nhiều quyền của trẻ em chỉ được thực hiện khi và chỉ khi có sự trợ giúp của xã hội, chẳng hạn, quyền học tập không thể thiếu vai trò của người thầy, của trường lớp hay quyền được chăm sóc sức khỏe không thể thiếu sự tham gia của đội ngũ y, bác sĩ và các cơ sở y tế… Do đó, trong quản lý chi NSNN cho trẻ em cần tách các khoản chi NSNN cho trẻ em thành 2 nhóm trong cả quá trình lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán và thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chi NSNN cho trẻ em. Cụ thể:

Nhóm 1 gồm các khoản chi NSNN trực tiếp cho trẻ em. Đến lượt mình, Nhóm 1 được chia thành 2 nhóm nhỏ gồm: (i) nhóm 1.1. gồm các khoản chi NSNN mà trẻ em là đối tượng thụ hưởng trực tiếp, chẳng hạn như các khoản trợ cấp cho trẻ em...; (ii) nhóm 1.2 gồm các khoản chi NSNN cho các đối tượng trực tiếp đảm bảo quyền của trẻ em trong chăm sóc, bảo vệ và phát triển trẻ em, chẳng hạn như thầy cô giáo (cơ sở giáo dục), nhân viên y tế (cơ sở y tế), nhân viên tư vấn cho trẻ em, nhân viên bảo vệ trẻ em (cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em)... Theo đó, các khoản chi NSNN trực tiếp cho trẻ em cần được chi tiết theo tiểu mục nhằm tạo thuận lợi cho việc thu thập, quản lý dữ liệu cũng như báo cáo, đánh giá, quyết toán và kiểm toán. Bên cạnh đó, chi tiết các khoản chi NSNN trực tiếp cho trẻ em còn là căn cứ để xây dựng định mức chi NSNN cho trẻ em. Ngoài ra, chi NSNN trực tiếp cho trẻ em cần lưu ý đến thực tế không ít cơ sở hạ tầng (từ chi đầu tư của NSNN) và cả hoạt động (từ chi thường xuyên của NSNN) về nguyên tắc trực tiếp là cho trẻ em (dành riêng cho trẻ em) song vẫn được sử dụng phục vụ cho các đối tượng không phải là trẻ em, cả thu phí lẫn miễn phí.

Nhóm 2 gồm các khoản chi NSNN gián tiếp cho trẻ em với tính chất chi cho toàn xã hội, trong đó có trẻ em. Vấn đề then chốt trong quản lý các khoản chi NSNN gián tiếp cho trẻ em là xác định mức độ lồng ghép trong chi NSNN gián tiếp cho trẻ em. Có thể chia ra thành 3 mức độ lồng ghép như sau: (i) hoàn toàn không lồng ghép đối với những khoản chi NSNN mà trẻ em được hưởng một cách đương nhiên tương tự như người lớn mà không có sự phân biệt nào, ví dụ như chi NSNN cho cơ sở hạ tầng giao thông, chi bảo vệ môi trường, chi an ninh quốc phòng.

Các khoản chi này có thể được lượng hóa thông qua tỷ lệ trẻ em trong số đối tượng hưởng lợi ích từ chi NSNN; (ii) chi NSNN gián tiếp lồng ghép một phần cho trẻ em là những khoản chi NSNN (đầu tư và thường xuyên) mà yếu tố trẻ em được tính đến như một hệ số điều chỉnh quy mô chi nhưng không tạo ra khoản chi riêng cho trẻ em thông qua tổ chức không phải là đơn vị dự toán, ví dụ như chi khám, chữa bệnh cho cơ sở y tế nhưng không hình thành khoa nhi, chi chương trình phát thanh truyền hình trong đó có chương trình dành riêng cho trẻ em… Đặc điểm chi NSNN gián tiếp lồng ghép một phần cho trẻ em là không thể phân biệt rạch ròi các khoản chi dành riêng cho trẻ em trong tổng thể các khoản chi của đơn vị dự toán; (iii) chi NSNN gián tiếp lồng ghép hoàn toàn cho trẻ em khác với các khoản chi nêu trên ở chỗ có thể tách riêng khoản chi NSNN cho trẻ em trong tổng chi của đơn vị dự toán do thiết lập tổ chức dành riêng cho trẻ em trong đơn vị dự toán đó. Tuy nhiên, mức độ chính xác của các khoản chi cho trẻ em trong trường hợp này bị ảnh hưởng bởi các khoản chi chung cho đơn vị dự toán không thể phân bổ chi tiết được.

Nói chung, vấn đề lồng ghép quyền và bổn phận của trẻ em trong chi NSNN và quản lý chi NSNN, kể cả từ khâu lập dự toán đến thực hiện dự toán và quyết toán, kiểm toán còn rất hạn chế trong thực tế do: (i) căn cứ xây dựng dự toán chi NSNN có quá nhiều lĩnh vực phải lồng ghép nên lĩnh vực trẻ em có thể bị bỏ qua; (ii) quy trình quản lý NSNN Việt Nam thực hiện theo lĩnh vực là chủ yếu chứ không phải theo đối tượng thụ hưởng, nhất là khi đối tượng thụ hưởng là người dân, nên quản lý chi NSNN cho trẻ em vấp phải rào cản khi thu thập dữ liệu, báo cáo, đánh giá và giám sát là không có số liệu chính xác, đầy đủ về thực trạng sử dụng các khoản chi NSNN cho trẻ em; (iii) do áp lực của nhiều vấn đề kinh tế - xã hội cấp thiết khác nên vấn đề bảo vệ quyền trẻ em đôi khi bị xem nhẹ, theo đó, lồng ghép trẻ em trong quản lý chi NSNN có thể bị bỏ qua.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Động thái nổi bật kinh tế thế giới năm 2020
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Điểm nhấn nổi bật chi phối kinh tế thế giới năm 2020 là đại dịch Covid-19, mà chỉ trong 8 tháng qua đã khiến trên 23 triệu người nhiễm và gần 1 triệu người tử vong, trong hơn 125 quốc gia, vùng lãnh thổ toàn thế giới.
  • Những góc nhìn đầu tư trong mùa dịch COVID-19
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO)- Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đang tạo ra rủi ro lớn cho giới đầu tư. Tuy nhiên, trong rủi ro cũng không thiếu những cơ hội. Giới chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định về ưu, nhược điểm của các kênh đầu tư trong tình hình hiện nay. Đây cũng có thể xem như những góc nhìn giúp nhà đầu tư có thêm kênh tham khảo để dòng tiền đầu tư sinh lợi nhất.
  • Kiểm toán Nhà nước và chuyển đổi số
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 19/4/2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Theo đó, để bảo đảm yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2020 là: “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”.
  • Tăng tốc kinh tế nửa cuối năm 2020
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 24/6 cho biết, kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng -4,9% trong năm 2020, không loại trừ cả các nước ASEAN vốn có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới hằng năm. Cả châu Á chỉ có Trung Quốc tăng trưởng khoảng 1% GDP và Việt Nam tăng khoảng 2% GDP…
  • Tăng cường công khai ngân sách tỉnh
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Chỉ số công khai ngân sách tỉnh năm 2019 (POBI 2019) vừa được công bố ngày 08/7. POBI là khảo sát về công khai các tài liệu ngân sách địa phương của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố Việt Nam trên cổng thông tin điện tử của UBND, HĐND, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh theo đúng hạn định.
Quản lý chi ngân sách nhà nước cho trẻ em