Phát triển đặc khu kinh tế tại Việt Nam: Cần ủng hộ những người dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro

(BKTO) - TS. HUỲNH THẾ DU - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright - trò chuyện với phóng viên của Đặc san Kiểm toán



Thưa ông, thời gian gần đây, vấn đề đặc khu kinh tế (ĐKKT) đã nhận được nhiều sự quan tâm từ nghị trường Quốc hội cũng như giới chuyên gia và đông đảo người dân. Là người từng có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, theo ông chúng ta cần hiểu như thế nào về ĐKKT?

         
   
TS. HUỲNH THẾ DU
   
ĐKKT được hiểu là một khu vực giới hạn về địa lý, được quản lý bởi một cơ quan duy nhất, cung cấp các ưu đãi nhất định cho các DN trong khu vực. Một cách chung nhất, ĐKKT gồm 4 đặc tính: khu vực độc lập hay có ranh giới địa lý xác định với khu vực lân cận; chỉ chịu ảnh hưởng bởi một cơ quan quản lý duy nhất; các thủ tục, chính sách áp dụng cho DN trong ĐKKT có một cơ chế riêng, độc lập và có sự đột phá theo hướng ngày càng gọn nhẹ; có những ưu đãi nhất định để thu hút đầu tư.

Việc hình thành ĐKKT thường nhắm tới 5 mục tiêu: thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát triển cơ sở hạ tầng; thúc đẩy thương mại trong điều kiện chịu những ràng buộc chưa thể cải cách; giải tỏa một phần áp lực tăng dân số và nhu cầu việc làm; đồng thời là phòng “thí nghiệm” cho các chính sách và cách tiếp cận mới.

Với nhiều quốc gia trên thế giới, vấn đề ĐKKT được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Thực tế, việc sử dụng các ĐKKT để cải cách thể chế và tạo đột phá đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên đến thời điểm này, các kết quả đem lại đang mang tính trái chiều. Một số nơi đã thành công và tạo tiền đề cho phát triển kinh tế quốc gia, điển hình là Trung Quốc. Nước này đã sử dụng các ĐKKT làm "phòng thí nghiệm chính sách" một cách hiệu quả và sau đó nhân rộng dần. Thâm Quyến thường được xem là một ĐKKT thành công tiêu biểu không chỉ ở Trung Quốc mà với cả thế giới. Trong vòng 30 năm, từ một làng chài nhỏ có 30.000 dân, Thâm Quyến đã phát triển thành một trung tâm kinh tế năng động hàng đầu của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt 30%, năm 2007, tổng GDP đạt 100 tỷ USD, GDP trên đầu người hơn 10.000 USD và dự kiến đạt 20.000 USD vào năm 2020.

Một ví dụ khác là Khu Thương mại Tự do Thượng Hải - khu thuế quan đặc biệt đầu tiên của Trung Quốc đại lục được quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Những đặc điểm chính của ĐKKT này là chính sách về thuế, hải quan, thành lập DN với mức ưu đãi chưa có tiền lệ trong lịch sử Trung Quốc, như: danh sách cấm thay cho danh sách được phép hoặc khuyến khích đầu tư, thông báo kinh doanh thay cho xin phép. Ban quản lý ĐKKT được trao quyền tự chủ rất cao, thủ tục hành chính “một cửa” nhanh chóng, thuận lợi, DN trong nước và nước ngoài được đối xử bình đẳng. Các DN trong ĐKKT có thể tiếp cận tín dụng ưu đãi, cơ chế quản lý ngoại hối linh hoạt, nguồn nhân lực quốc tế trình độ cao (ưu tiên về visa, thuế thu nhập), các dịch vụ chuyên nghiệp chất lượng cao (luật pháp, giáo dục, tư vấn)…

Tuy nhiên, mô hình ĐKKT ở một số nơi chỉ gặt hái được thành công một phần, như trường hợp của Indonesia. Quốc gia này đã rất thành công với ĐKKT Batam nhưng không thể nhân rộng do vấn đề thể chế. Một số quốc gia như Ấn Độ và các nước châu Phi thì đã không hoặc chưa gặt hái được các kết quả như mong đợi.

Cụ thể tại Ấn Độ, năm 1973 ĐKKT được thành lập tại trung tâm thương mại Mumbai với mục tiêu phát triển ngành điện tử. Cuối những năm 80, quốc gia này đã có thêm 5 ĐKKT được thành lập, nhưng kết quả đạt được rất khiêm tốn so với kỳ vọng: tỷ trọng DN FDI trong ĐKKT chưa đến 20%; không có kết nối giữa ĐKKT và nền kinh tế. Đến năm 2000, Ấn Độ quyết tâm cách mạng các ĐKKT (cho tư nhân phát triển, tăng mạnh các ưu đãi tài chính và phi tài chính, ban hành pháp luật thuận lợi, mở rộng các ngành nghề), tạo ra chuyển biến bước đầu cho các khu vực này. Tuy nhiên, vấn đề thu hồi đất và đền bù giải tỏa không thỏa đáng đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ tại các ĐKKT trên toàn quốc, dẫn tới chính quyền chùn tay và làm nản lòng nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo ông, những nhân tố quyết định thành công của các ĐKKT trên thế giới là gì?

Dựa trên ngôn ngữ tiếp cận hiện đại, muốn xây dựng ĐKKT thành công phải bao gồm 3 chữ “P” là: Position (vị trí), Policy (chính sách) và People (con người), trong đó con người là yếu tố then chốt vì con người làm chính sách và chọn vị trí. Nếu nhìn theo triết học phương Đông thì điều kiện thành công cần có ba yếu tố: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Tóm lại tôi cho rằng, vị trí và cách làm là hai nhân tố quyết định thành công của các ĐKKT trên thế giới.

Muốn vậy, vị trí phải đáp ứng 2 điều kiện: một là, phục vụ cho thị trường rộng lớn của ĐKKT; hai là, phải có nền tảng để thu hút được người giỏi, những người có kỹ năng và thực ra là cả người giàu. Bởi thế, vị trí không chỉ là thị trường, kết nối với các hạ tầng cần thiết mà còn là nguồn nhân lực có kỹ năng. Thành công của một số nước như Singapore hay Trung Quốc quả là cám dỗ đối với Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào một thực tế rằng, cả Singapore và Trung Quốc đã thành công vì họ có các yếu tố rất cơ bản: vị trí đắc địa và hơn cả là sẵn có nguồn nhân lực chất lượng cao với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ của cộng đồng người Hoa ở cả Hong Kong hay Singapore.

Bên cạnh đó, nhân tố mới và cách làm sáng tạo là yếu tố then chốt tạo ra sự thành công của một số ĐKKT. Chúng ta đều biết, điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư vào các ĐKKT chính là mức độ tự do cao nhất có thể, nhất là tự do về mặt thể chế, thử nghiệm chính sách để có thể tạo ra sự đột phá, khác biệt. Điều này sẽ tạo ra tính cạnh tranh đặc thù cho các ĐKKT.

Tựu trung lại, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phát triển ĐKKT thành công cần phải hội đủ 4 yếu tố: vị trí gần các trung tâm kinh tế hoặc thị trường lớn; quyết tâm chính trị của lãnh đạo cao cấp trong một liên minh ủng hộ mạnh; các đối tác có lợi ích dài hạn từ thành công của ĐKKT; môi trường nuôi dưỡng sự sáng tạo và tìm tòi cái mới để tạo ra các doanh nhân công - những người làm ở khu vực công nhưng có tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm và dám chấp nhận rủi ro.

Trở lại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về việc chúng ta lựa chọn các địa phương Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc làm 3 ĐKKT?

Đối với Vân Đồn, nếu nhìn vào sự tương hỗ, gắn kết giữa nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc thì tôi cho rằng nơi đây có những yếu tố quan trọng để thành công. Với Phú Quốc, việc lựa chọn này được xem là để đón kênh đào đi qua Thái Lan. Đấy cũng là một cách nhìn. Bản thân tôi thấy Phú Quốc là địa điểm kinh doanh du lịch rất tốt, các DN đã có cơ sở phát triển du lịch lớn thì đó là một tiềm năng để gắn các ngành kinh tế liên quan đến du lịch. Còn Vân Phong, thú thật với hiểu biết của tôi, tôi chưa thấy được thị trường của Vân Phong là gì.

Về tiềm năng, tôi xếp Vân Đồn là số 1, Phú Quốc là số 2 và Vân Phong là số 3. Tôi cho rằng, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội còn có tiềm năng hơn về ĐKKT. Nếu nói về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tôi thấy 2 thành phố này dễ thành công hơn cũng như tạo ra sức lan tỏa lớn hơn 3 nơi kia. Mặc dù TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội không có trong danh sách nhưng nếu đánh giá tiềm năng thì tôi thấy 2 thành phố này là số 1, rồi sau mới đến thứ tự của 3 ĐKKT kia.

Việc lựa chọn 3 ĐKKT này cũng có những nhân tố xác suất để thành công, nhưng tôi e rằng với cách chọn như hiện nay thì dù thành công cũng khó mà tạo ra cú huých để kéo cả nền kinh tế đi lên.

Nói như vậy có nghĩa là chúng ta đang cần thay đổi một số định hướng trong việc phát triển các ĐKKT, thưa ông?

Theo tôi, trước hết, việc kết hợp giữa ĐKKT và cụm ngành nên được đặt ra và xem xét một cách thấu đáo. Hạn chế lớn nhất của ĐKKT là chỉ có thể áp dụng các chính sách ưu đãi hay đặc biệt trong biên giới của ĐKKT, trong khi nhiều hoạt động hay nhiều ngành cần một phạm vi rộng lớn hơn.

Thứ hai, một vấn đề cực kỳ lớn của Việt Nam nói chung và khu vực công nói riêng là cơ chế khuyến khích ngược. Hiện nay, cách thức phân bổ nguồn lực phổ biến là nơi làm tốt thì đang “bị phạt” trong khi người làm không tốt hay nơi sử dụng nguồn lực không hiệu quả lại được ưu ái. Chưa kể, quan điểm “phải lấy bớt khi ai đó thành công”, cố thu ngân sách càng nhiều càng tốt thay vì nuôi dưỡng cũng như khuyến khích vẫn còn rất nặng nề. Cái nhìn không thiện cảm với người giàu để lấy nhiều hơn từ họ sẽ gây ra những tác động tiêu cực rất lớn về chữ tín, đảm bảo lòng tin cho DN, tác động đến môi trường đầu tư.

Bởi vậy, tôi cho rằng, với các địa phương không có lợi thế thu hút đầu tư hay các hoạt động kinh tế thì các nguồn lực chỉ nên đầu tư cho an sinh xã hội, phần còn lại nên tập trung vào những nơi có khả năng tạo ra nhiều của cải hay giá trị cho xã hội. Nói một cách hình ảnh, Việt Nam nên chọn ưu tiên làm cho cái bánh lớn lên thay vì quá quan tâm đến việc chia cái bánh.

Cụ thể, tôi xin đề xuất một số khuyến nghị chính sách sau:

Thứ nhất, quá trình hình thành ĐKKT không chỉ dừng lại ở sự đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật mà phải đánh giá tính khả thi trong việc huy động nguồn lực tài chính, phải xem xét vai trò huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân và các nhà đầu tư chiến lược. Vấn đề quy hoạch phát triển các ĐKKT phải tính đến các điều kiện về khả năng cạnh tranh, không chỉ trong nước mà còn là yếu tố liên kết vùng để có thể tạo ra sự cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

Thứ hai, mạnh dạn trong phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm giải trình cho địa phương mà cụ thể hơn là ban quản lý ĐKKT, để họ có thể thực hiện nhiệm vụ, đồng thời phát huy khả năng sáng tạo trong cải cách hành chính, để tinh gọn thủ tục xúc tiến và quản lý đầu tư vào ĐKKT.

Thứ ba, chuẩn bị nguồn nhân lực kết hợp tận dụng lao động địa phương, gắn kết các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của DN.

Thứ tư, mạnh dạn thử nghiệm các chính sách mới để tạo ra sự khác biệt cho các ĐKKT so với khu công nghiệp và khu chế xuất.

Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới đây. Ông có cho rằng các ĐKKT sẽ phát triển hiệu quả hơn sau khi có hẳn một dự án luật để thực hiện?

Thực ra, bản chất của luật là để “trói” cách làm, nhưng tinh thần của luật, mà quan trọng hơn là tinh thần của lãnh đạo quốc gia là cần phải ủng hộ những người dám nghĩ, dám làm. Có nghĩa là, trong những quy định của pháp luật về các vấn đề liên quan, việc chọn làm “vùng xám” có thể rủi ro nhưng nó có lợi cho nước, cho dân, có lợi cho cái chung thì cần phải dám làm. Như thế mới là thành công. Nếu tinh thần của luật và tinh thần của lãnh đạo quốc gia không tạo ra điều đó thì việc thực hiện sẽ rất khó.

Tôi nghĩ, cách làm mới là vấn đề then chốt chứ không phải chính sách trên giấy hay khi ĐKKT được chính thức thành lập. Thực tế, với hai khu công nghiệp Bình Dương và Nam Sài Gòn, ngân sách nhà nước gần như không phải bỏ ra đồng nào nhưng hiện đang là những “con gà đẻ trứng vàng” cùng với rất nhiều lợi ích kinh tế khác được tạo ra. Tuy không được gọi là ĐKKT nhưng 2 khu này lại có nhiều bài học thành công trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tạo ra các đô thị hiện đại qua cách tiếp cận và quá trình phát triển thực chất như các ĐKKT.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
XUÂN HỒNG (thực hiện)
​Theo Đặc san Kiểm toán số 66ra tháng 12/2017
Cùng chuyên mục
Phát triển đặc khu kinh tế tại Việt Nam: Cần ủng hộ những người dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro