Nguyên nhân không đạt mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

(BKTO) - Từ năm 2016 đến tháng 6/2020, cả nước mới cổ phần hóa (CPH) được 175 DN với quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 207.145 tỷ đồng (quy mô vốn nhà nước xác định lại của năm 2016 là 27,328 triệu tỷ đồng, năm 2017 là 161,947 triệu tỷ đồng, năm 2018 là 15,543 triệu tỷ đồng), bằng 109% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các DN CPH cả giai đoạn 2011-2015.



Bên cạnh đó, thoái vốn được 25.166 tỷ đồng, thu về 171.844 tỷ đồng (gấp 6,8 lần giá trị sổ sách). Tổng số tiền thu từ CPH, thoái vốn từ năm 2016 đến nay đạt khoảng 218.012 tỷ đồng, gấp 2,79 lần tổng số thu từ CPH, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015 (khoảng 78.000 tỷ đồng).

Số tiền chuyển NSNN theo nghị quyết của Quốc hội đạt 211.500/250.000 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020. Rõ ràng, tiến độ CPH quá chậm so với kế hoạch khi đến giữa năm 2020 mới đạt 28,3% kế hoạch theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN, đến nay mới đạt 28,3% kế hoạch. Tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN cũng mới đạt 26,4% kế hoạch. Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành CPH 128 DNNN, tuy nhiên, tính đến hết tháng 7/2020 mới tiến hành CPH được 37 DNNN. Việc hoàn thành mục tiêu CPH và thoái vốn DNNN giai đoạn 2016-2020 là bất khả thi.

Hàng loạt nguyên nhân của thực trạng trên đã được chỉ ra, điển hình là: (i) việc chậm sửa đổi quy định về CPH, thoái vốn; (ii) việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm; (iii) nhiều DN chỉ đến khi thực hiện CPH mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai, dẫn đến làm chậm quá trình CPH; (iv) đối tượng CPH, thoái vốn trong giai đoạn này gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định, kiểm toán giá trị DN, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài; (v) vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị DN, phần vốn để CPH, thoái vốn quy định tại các Nghị định số: 126/2017/NĐ-CP, 167/2017/NĐ-CP, 32/2018/NĐ-CP và các Quyết định số: 22/2015/QĐ-TTg, 31/2017/QĐ-TTg về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần. Khâu rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất và phê duyệt phương án sử dụng đất của DN mất nhiều thời gian do sự phức tạp trong quy trình, thủ tục, lịch sử, pháp lý đất đai phức tạp trong khi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có nội dung chưa cụ thể dẫn đến cách hiểu khác nhau, gây lúng túng khi triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều nội dung về xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hằng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP chưa được hướng dẫn cụ thể khiến cho việc xác định giá khởi điểm của DN khó khăn, ách tắc; (vi) việc xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH.

Như vậy, việc tiếp tục hoàn thiện khung chính sách về CPH DNNN là cần thiết và cấp bách, theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số: 126/2017/NĐ-CP, 32/2018/NĐ-CP, 167/2017/NĐ-CP và dự thảo Nghị định về CPH đơn vị sự nghiệp để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc nêu trên. Tuy nhiên, chất lượng văn bản còn hạn chế cho dù liên tục được sửa đổi, bổ sung chính sách về CPH (trong thực tiễn triển khai vẫn phát sinh những bất cập làm cho quá trình định giá, đặc biệt là giá trị thương hiệu trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ CPH DNNN). Mặt khác, tiến độ ban hành văn bản cũng chậm khi thời điểm ban hành liên tục bị lùi trong năm 2020 nhưng đến cuối năm vẫn chưa có. Một nguyên nhân chậm trễ khác nữa là trong khi còn nhiều ý kiến khác nhau (từ nhiều bên liên quan về xác định giá trị DN, phương án sử dụng đất - điểm nghẽn cơ bản kìm hãm tiến độ CPH) thì lại thêm nhiều ý kiến bổ sung nội dung vào Dự thảo Nghị định sửa đổi khiến cho văn bản ngày càng phức tạp, khó đạt được sự thống nhất cao và do đó càng chậm được ban hành.

Tóm lại, nguyên nhân chủ yếu khiến cho tiến độ CPH quá chậm là khuôn khổ pháp lý vừa quá phức tạp vừa có nội dung chưa phù hợp với thực tế, thiếu cụ thể nên vừa ban hành chưa lâu đã phải chỉnh sửa trong khi quá trình chỉnh sửa lại kéo dài, càng sửa càng phức tạp do chưa xử lý được mâu thuẫn giữa tiến độ và chất lượng CPH, thoái vốn DNNN.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Phát triển kinh tế thị trường phải vì hạnh phúc của dân
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã và đang được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi tại các đại hội Đảng bộ, các cuộc họp chi bộ các cấp, ngành trong Đảng và sẽ công bố công khai để xin ý kiến góp ý, phản biện của các tầng lớp nhân dân trên cả nước.
  • Kiểm toán Nhà nước tham gia kiểm toán môi trường -  yêu cầu bức thiết về luật pháp và thực tiễn
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo Phòng Thương mại quốc tế (ICC), kiểm toán môi trường (KTMT) là công cụ quản lý nhằm đưa ra những đánh giá mang tính hệ thống, được ghi chép, mang tính chất thời kỳ và khách quan về việc trang bị, quản lý và tổ chức các vấn đề môi trường có được thực hiện tốt hay không với mục đích bảo vệ môi trường bằng cách làm đơn giản quá trình thực hiện và đánh giá mức độ tuân thủ các chính sách về môi trường của DN, bao gồm các yêu cầu tuân thủ và các chuẩn mực phải thực hiện.
  • Không bỏ lỡ cơ hội
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Việt Nam hiện có hơn 32.000 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 378 tỷ USD, từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh các dòng vốn đầu tư thế giới suy giảm khoảng 40% năm 2020 do đại dịch Covid-19, thì việc dòng FDI vào Việt Nam trong 8 tháng năm 2020 chỉ giảm 13,7% vốn FDI đăng ký mới và giảm 5% vốn thực hiện là một minh chứng sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
  • Thấy gì từ xuất siêu kỷ lục
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Nhìn lại 8 tháng năm 2020 vừa qua, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu tới 11,9 tỷ USD - mức thặng dư thương mại kỷ lục của Việt Nam từ trước tới nay trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành trên toàn thế giới - cao gấp hơn 3 lần so với quy mô xuất siêu 3,4 tỷ USD năm 2019 và 4,9 tỷ USD năm 2018. Thặng dư cán cân thương mại hàng hóa khổng lồ của Việt Nam có những đặc điểm nổi bật sau:
  • Quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Giải ngân vốn đầu tư công đã và đang là áp lực, là nhiệm vụ chính trị ưu tiên của năm 2020. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị và đã có nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng về vấn đề này…
Nguyên nhân không đạt mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước