Lựa chọn tăng trưởng sau nửa đầu năm 2017

(BKTO) - TS. VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế



Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II/2017 đã đạt 6,17% - cao hơn hẳn so với tốc độ tăng trưởng quý I/2017 chỉ có 5,15% - đưa GDP nửa đầu năm 2017 tăng 5,73% so với cùng kỳ năm 2016, song để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cả năm 2017 vẫn là thách thức to lớn.

Trong khi khu vực nông nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định 2,65% thì chỗ dựa cho tăng trưởng kinh tế lại là khu vực dịch vụ với tốc độ tăng trưởng 6,85%, trong đó đóng góp lớn nhất là bán buôn và bán lẻ với tốc độ tăng trưởng 7,1%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tuy vẫn chiếm gần 1/3 GDP nhưng lại chỉ tăng vỏn vẹn 5,33% - thấp xa so với mấy năm gần đây do ngành khai khoáng sụt giảm sâu tới 8,2%. Vì vậy, cho dù công nghiệp chế biến chế tạo vẫn tăng trưởng tới 10,52% và xây dựng cũng tăng trưởng 8,5% nhưng vẫn không thể đẩy khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng cao hơn. Nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2017 trở nên rất nặng nề và khó khăn, nhất là khi các yếu tố và nguồn lực tăng trưởng trong ngắn hạn chưa được khơi thông, bên cạnh tiến trình cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng diễn ra còn chậm. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể cho nửa cuối năm và cả năm 2017 cần tập trung vào các biện pháp tăng tổng cầu cho nền kinh tế như sau:

Thứ nhất, kích thích tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình thông qua duy trì mặt bằng giá cả ổn định, thậm chí giảm ở một số phân khúc thị trường hàng hóa dịch vụ có nhu cầu lớn. Trong nửa đầu năm 2017, tiêu dùng cuối cùng đóng góp 8,48 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP tuy chỉ tăng có 7,04% so với cùng kỳ năm 2016 trong khi tích lũy tài sản tăng tới 9,50% và đóng góp 4,26 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 1.924,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4% (cao hơn mức tăng 8,1% của cùng kỳ năm 2016). Như vậy, dư địa tăng tiêu dùng cuối cùng trong sử dụng GDP vẫn còn và tác động tới tăng GDP cao hơn nhiều nếu so với tăng tích lũy tài sản.

Thứ hai, kích thích tổng cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn thông qua tăng đầu tư, đặc biệt tăng mạnh đầu tư nhà nước là đơn giản và đúng lý thuyết kinh tế nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ nhà nước đang rất hạn hẹp, trong đó nguồn vốn đầu tư từ NSNN khó tăng do giới hạn thâm hụt NSNN và tiết kiệm chi thường xuyên còn rất hạn chế, còn nguồn vốn đầu tư từ vay nợ cũng bị giới hạn bởi trần nợ công thì việc tăng quy mô đầu tư gần như bất khả thi. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2017 theo giá hiện hành đã tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,8% GDP khiến cho hiệu quả đầu tư có xu hướng giảm với ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) đã lên hơn 5,7. Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đã ở mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây với tốc độ 7,54% trong khi thâm hụt thu chi NSNN cũng lên đến khoảng 32.500 tỷ đồng, có thể tiềm ẩn nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô nếu vốn đầu tư không được sử dụng có hiệu quả cao. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2017 đã vượt xa tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán (5,69%) cũng như tốc độ tăng huy động vốn của các tổ chức tín dụng (5,89%); còn chi đầu tư phát triển lại mới đạt 23,3% dự toán năm trong khi chi thường xuyên đã đạt tới 44,5% dự toán.

Thứ ba, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu nửa đầu năm 2017 duy trì tốc độ tăng cao tới 18,9% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 12,9%) song do kim ngạch hàng hoá nhập khẩu lại còn tăng cao hơn tới 24,1% (tăng 17,3% nếu loại trừ yếu tố giá) nên nhập siêu lên tới 2,7 tỷ USD, riêng khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,92 tỷ USD. Vì vậy, thương mại không những không đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế mà tình trạng nhập siêu còn làm giảm 7,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung. Chính vì vậy, rất cần có ngay những biện pháp để hạn chế nhập khẩu, từ đó giảm đến mức thấp nhất quy mô thâm hụt thương mại, thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Tóm lại, tăng trưởng kinh tế năm 2017 vẫn có cơ hội đạt mục tiêu mong muốn nếu tập trung vào các giải pháp kích thích tổng cầu một cách hiệu quả và thận trọng.

Theo Tuần Báo ra ngày 13-7-2017
Cùng chuyên mục
Lựa chọn tăng trưởng sau nửa đầu năm 2017