“Lỏng” như quản lý quy hoạch

(BKTO) - TS. NGUYỄN MINH PHONG - Chuyên gia Kinh tế



Tháng 4 sắp hết, thời hạn UBND TP. Hà Nội phải báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về việc xử lý vi phạm trong việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng, sử dụng 2 mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô đã qua. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quy hoạch sử dụng phần cống hóa trên phố Phan Kế Bính vẫn không có dấu hiệu gì khác ngày thường, vẫn an bài như mấy năm nay.

Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Riêng các quy định của Luật về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2018. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong các năm qua, cả nước đã xây dựng 13.767 quy hoạch trong tổng số 19.285 quy hoạch dự kiến lập cho thời kỳ 2011-2020, tiêu tốn kinh phí hàng trăm nghìn tỷ đồng NSNN và đòi hỏi số vốn đầu tư cả triệu tỷ đồng.

Khi quy hoạch bị chi phối bởi lối tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm khiến công tác quản lý quy hoạch bị buông lỏng, bản thân quy hoạch dễ bị điều chỉnh theo ý chí chủ quan của lãnh đạo và sự “dẫn dắt cuộc chơi” của chủ đầu tư qua mỗi nhiệm kỳ. Thực tế ở Hà Nội và nhiều đô thị lớn cho thấy, hàng chục dự án mà phần diện tích theo quy hoạch chính thức phải làm đường thẳng hoặc làm bãi đỗ ô tô, nhưng cuối cùng đường thẳng lại bị uốn cong và bãi đỗ xe tĩnh bị chuyển đổi công năng “theo đúng quy trình”. Dù sai ngược hẳn với mục đích sử dụng như khi xây dựng và thông qua dự án ban đầu nhưng vì những lý do khác nhau đều đã được giải trình một cách hợp lý. Tình trạng này kéo dài và tái lặp nhiều lần, mà không có ai phải chịu trách nhiệm, khiến Thành phố thiếu trầm trọng các bãi đỗ xe tĩnh, tăng tình trạng xe chạy lòng vòng tốn nhiên liệu, tăng ô nhiễm môi trường, tăng tắc nghẽn giao thông và phá vỡ tổng thể cảnh quan đô thị. Tình trạng lạm dụng điều chỉnh quy hoạch làm xuất hiện những khu chung cư mới cao tầng được cắm thêm hoặc thay cho xây dựng những khu dịch vụ công ích, phi lợi nhuận, hay chung cư người sống nằm kề nghĩa trang, gây áp lực ùn tắc giao thông, quá tải cơ sở hạ tầng tại khu vực. Thậm chí, gần đây dư luận đang quan ngại việc “cấy thêm” một số công trình xây dựng vào vùng lõi một danh lam thắng cảnh tầm vóc thế giới ở miền Trung; trực tiếp và gián tiếp làm tăng nguy cơ gây tổn hại cảnh quan môi trường và cho cả việc gìn giữ danh hiệu quốc tế đã được trao của danh thắng này.

Quy hoạch là cần thiết và có vai trò quan trọng trong định hướng, dẫn dắt và tạo kết nối thúc đẩy đầu tư xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và xử lý hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa khác. Quy hoạch tốt sẽ tạo hiệu quả cao. Ngược lại, nếu quy hoạch được làm đại khái, dễ dãi, bị chi phối bởi lối “tư duy nhiệm kỳ”, lợi ích nhóm và cả tính “lãng mạn” được núp danh “tầm nhìn xa” thì sẽ tạo ra “cuộc đua” quy hoạch “vô tiền khoáng hậu”, thiếu cơ sở khoa học, thiếu đồng bộ, thống nhất và phi thực tế…

Lỗ hổng từ chất lượng quy hoạch, thiết kế dự án không chỉ gây lãng phí và thất thoát vốn đầu tư mà còn làm tăng mức đội vốn, mất cân đối NSNN, tăng nợ công, giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư. Ngoài ra, lỗ hổng này còn làm ứ đọng các nguồn lực đất đai và tăng áp lực bảo đảm an sinh xã hội, làm tổn hại về uy tín, năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, cản trở thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng và kéo theo nhiều hệ lụy như: giảm lòng tin, sự đồng thuận và trật tự, an toàn xã hội.

Bởi vậy, việc nhận diện, ngăn chặn những biểu hiện và tác hại của lối tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm trong công tác quản lý quy hoạch là rất cấp thiết, nhằm tăng cường tính minh bạch, sự đồng thuận xã hội trong xây dựng và quản lý quy hoạch. Nhà nước cần nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường quản lý các quy hoạch đúng mục tiêu, công năng đã được cấp thẩm quyền thông qua và có chế tài xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm quy hoạch, kể cả khi những người này đã nghỉ hưu...

Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018
Cùng chuyên mục
“Lỏng” như quản lý quy hoạch