Lạm phát 2020: Thế nào và tại sao?

(BKTO) - Năm 2020 nối dài chuỗi thành công về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bất chấp dịch bệnh Covid-19 kéo theo suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh và một phần nguồn lực phải sử dụng để phòng, chống dịch bệnh thay vì sử dụng để phát triển kinh tế.



Lạm phát năm 2020 chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Đà tăng cao chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng tháng bắt đầu từ tháng 10/2019 (nguy cơ lạm phát cao quay trở lại) chỉ kéo dài đến tháng 01/2020, mà chủ yếu do nhu cầu tăng cao dịp Tết đã bị chặn đứng từ tháng 02/2020 cùng thời điểm làn sóng thứ nhất dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Thị trường tiêu dùng gần như đóng băng khiến cho CPI hằng tháng sụt giảm liên tiếp 4 tháng (từ tháng 02 đến tháng 5/2020), thậm chí sụt giảm kỷ lục tới 1,54% vào tháng 4/2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2020 giảm 20,5% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019. CPI tháng 6/2020 đột ngột tăng cao 0,66% do giai đoạn cách ly xã hội chấm dứt và thị trường bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2020 đã tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, làn sóng Covid thứ hai bùng nổ đã khiến cho thị trường một lần nữa hạ nhiệt, theo đó, CPI hằng tháng gần như không thay đổi suốt từ tháng 8/2020 đến tận cuối năm. Nói cách khác, giá cả đã đóng băng suốt cả năm 2020 ngoại trừ đột biến tháng 6/2020 mà nguyên nhân chủ yếu được cho là do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp sau chuỗi giảm kéo dài kể từ Tết và giá thịt lợn tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 6.

CPI tháng 12/2020 chỉ tăng 0,19% so với cùng kỳ năm 2019 chứng tỏ mặt bằng giá cả và lạm phát năm 2020 hầu như không có biến động nào đáng kể, thậm chí tương tự trạng thái suy trầm giai đoạn 1999-2000 khi tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp kỷ lục (năm 1999) đi đôi với lạm phát thấp (0,1% so cuối kỳ). Lạm phát năm 2020 thể hiện rõ rệt yếu tố cầu kéo và thực tế năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 2,6% so với năm 2019 và nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm tới 1,2%, trong khi năm 2019 tăng 9,5%. Vai trò dẫn dắt lạm phát của yếu tố cầu kéo càng mạnh khi chỉ số giá sản xuất công nghiệp năm 2020 giảm 0,6% còn dịch vụ giảm 0,73%, chỉ có giá sản xuất nông nghiệp tăng 8,24% trong khi chỉ số giá xuất khẩu giảm 1,32% và chỉ số giá nhập khẩu cũng giảm 0,59%.

Nếu chỉ nhìn vào con số CPI bình quân năm 2020 tăng 3,23% so với bình quân năm 2019 để cho rằng lạm phát năm 2020 cao hơn so với con số tương ứng 2,79% của năm 2019 là sai lầm, vì mặt bằng giá cao năm 2020 được thiết lập trên nền giá tăng vọt đã tạo ra trong giai đoạn từ tháng 10/2019 đến tháng 01/2020 nhưng hầu như đứng yên suốt 11 tháng còn lại của năm 2020 do yếu tố tăng mạnh giá thực phẩm nói chung, giá thịt lợn nói riêng không còn, trong khi giá hàng loạt hàng hóa và dịch vụ khác không những không tăng mà còn giảm, thậm chí giảm mạnh dưới tác động của Covid-19. Nói cách khác, lạm phát cao biểu hiện bởi CPI bình quân kỳ năm 2020 là hệ quả của CPI tăng vọt 3 tháng cuối năm 2019 và tháng đầu tiên năm 2020, còn thực tế 2020 là năm thiểu phát chứ không phải lạm phát.

Lạm phát cao cục bộ 4 tháng như đã nói ở trên không bắt nguồn từ nguyên nhân tiền tệ. Đến lượt mình, tiền tệ cũng không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng thiểu phát năm 2020 khi tính đến ngày 21/12/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,56% so với cuối năm 2019 (năm 2019 tăng 12,1%) và huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,87% (năm 2019 tăng 12,48%), còn tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,14% (năm 2019 tăng 12,14%) trong khi tốc độ tăng GDP năm 2020 chỉ có 2,91% (năm 2019 tới 7,02%). Lạm phát cơ bản tháng 12/2020 tăng 0,99% so với cùng kỳ năm 2019 và lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 tăng 2,31% so với bình quân năm trước (trong khi lạm phát cơ bản tháng 12/2019 tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2018, bình quân năm 2019 tăng 2,01% so với bình quân năm trước). Hơn nữa, chỉ số giá USD tháng 12/2020 cũng hầu như không thay đổi cả tính theo cùng kỳ hay bình quân cả năm trong khi dự trữ ngoại hối tăng mạnh và thặng dư cán cân thương mại tới 19,1 tỷ USD, điều này càng chứng tỏ hiện tượng thiểu phát là có thật và có thể song hành với dịch bệnh Covid-19 trong cả năm 2021 nếu không có những biện pháp kích thích lạm phát hợp lý.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Nỗ lực cho phục hồi kinh tế năm 2020
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Mặc dù năm 2020 ghi nhận những suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, song âm hưởng chung hội tụ trong các đánh giá và dự báo về kinh tế Việt Nam là rất tích cực. Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương 2,91%. Với tinh thần đó, “dù không đạt một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội như mục tiêu đề ra vì lý do khách quan, năm 2020 vẫn được đánh giá thành công hơn 2019”, như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương cả nước ngày 28/12/2020.
  • Doanh nghiệp bất động sản thời Covid-19
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Việt Nam trở thành điểm sáng hiếm hoi không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu khi đồng thời xử lý tốt lựa chọn đối nghịch giữa duy trì tăng trưởng kinh tế và kiềm chế dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam vừa có những chuyển động do tác động trực tiếp của Covid-19 vừa tiếp tục những xu hướng đã hình thành từ trước khi xảy ra đại dịch, đồng thời được thúc đẩy nhanh hơn do đại dịch hoặc ngược lại.
  • Linh hoạt chính sách tài chính “hậu Covid-19”
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của thế giới năm 2020 giảm 4,4%, trong khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tỷ lệ tăng trưởng GDP dương 1,6%. Song với việc giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP từ 7,02% xuống khoảng 1,6% sẽ làm giảm thu NSNN so với năm trước khoảng 68.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với việc triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí do dịch Covid-19 và ảnh hưởng của dự toán lập cao, Bộ Tài chính dự kiến năm 2020, NSNN sẽ hụt thu khoảng 189.200 tỷ đồng, giảm 12,5% so với dự toán và 14,7% so với thực hiện năm 2019. Tình trạng nợ thuế cũng diễn ra rất phổ biến.
  • Kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Chính phủ cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Tổng số vốn đăng ký giai đoạn 2011-2020 đạt trên 278 tỷ USD và vốn thực hiện đạt 152,3 tỷ USD, tăng gần 6,9%/năm, chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
  • Thông điệp từ tín hiệu thị trường bất động sản ấm dần
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo tổng hợp báo cáo từ 56/63 địa phương mới đây của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) - Bộ Xây dựng, lượng sản phẩm BĐS giao dịch thành công trong quý III/2020 bình quân trên cả nước bằng khoảng 110 - 125% so với quý II/2020. Đặc biệt, giá trị hàng tồn kho BĐS đang giảm dần (theo đó, quý I, II và III tại TP. Hà Nội, lượng hàng BĐS tồn kho giảm lần lượt từ 84,5%, xuống 79,4% và 64,9%; tại TP. HCM, số liệu tương ứng là 82,5%, xuống 27,2% và 24,9%).
Lạm phát 2020: Thế nào và tại sao?