Kinh tế ban đêm - “Cửa sáng” cho ngành dịch vụ Việt

(BKTO) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu các Bộ, địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm…



Kinh tế ban đêm - Night time economy (NTE) - là sự kéo dài của một số ngành kinh doanh đặc thù, nhất là dịch vụ thương mại và du lịch; nói cách khác, đây là các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18h chiều hôm trước đến 6h sáng hôm sau, bao gồm: ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm…

Tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018, ông John Lindquist - cố vấn cấp cao BCG, thành viên Hội đồng Cơ quan du lịch Vương quốc Anh - cho biết: Năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, so với 12,6 tỷ USD ở Indonesia; 18,4 tỷ USD ở Singapore và 52,5 tỷ USD ở Thái Lan. Theo số liệu thống kê năm 2018 của Master Card, trung bình, du khách tại Bangkok chi tiêu mỗi ngày khoảng 173 USD (so với chỉ tiêu 96 USD mỗi ngày ở Việt Nam) do các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra suốt ngày đêm ở đây…

Việt Nam có những thuận lợi để phát triển "kinh tế ban đêm", như: có nhiều tài nguyên du lịch và đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách quốc tế; có nhiều tiềm năng văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có lượng dân số trẻ đông và sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao; thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu. Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam là tất yếu vì phù hợp với xu hướng quốc tế và để níu chân khách du lịch.

Trên thực tế, Việt Nam đã có các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm, một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24h, những tuyến phố mang nét đặc trưng như: Tạ Hiện (Hà Nội) hay Bùi Viện (TP. HCM)…

Việt Nam còn có Bà Nà Hills ở TP. Đà Nẵng có thể đón khách lúc nửa đêm và khu vui chơi Vòng quay Mặt trời ở Thành phố này có thể quay suốt đêm, với nhiều công viên giải trí sẵn sàng phục vụ mọi du khách chưa ngủ. Trên mọi miền đất nước đều có nhiều nơi có thể quy hoạch dành riêng cho việc tổ chức các chương trình hoặc dự án kinh tế đêm thu hút khách du lịch, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, quảng bá và bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc, trong khi vẫn đảm bảo trật tự trị an và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của Việt Nam hiện nay chủ yếu là sản phẩm cứng, khá đơn điệu và chỉ tập trung 7h sáng đến 17h chiều, còn các sản phẩm có thể thu được nhiều tiền nhất, là từ 18h tối hôm trước đến 2h sáng ngày hôm sau thì đến nay vẫn không được phát triển. Nhiều địa phương đã quan tâm làm phố đi bộ ban đêm, nhưng do thiếu quy hoạch nên không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Thực tế cho thấy, với tiềm năng và nhu cầu triển vọng, để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, cần cân nhắc kỹ nhu cầu của khách du lịch, không áp đặt tư duy của nhà quản lý vào hoạt động kinh tế ban đêm. Đồng thời, cần triển khai thí điểm tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM trước khi triển khai rộng rãi. Đặc biệt, cần có kế hoạch và sự chỉ đạo thống nhất để tạo “hệ sinh thái kinh tế ban đêm”, với sự đầu tư bài bản và chính sách đồng bộ hơn, bao gồm các khu vực riêng, được quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước và có kết nối giao thông công cộng, hệ thống quy định pháp lý và mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn; các sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng và tiện ích cao, kết nối giữa các địa phương và từ nhiều ngành ẩm thực, nghệ thuật và giải trí, đạt được các yêu cầu cao về chất lượng…

Tập trung đầu tư xây dựng một số khu vực giải trí ban đêm, gồm: đường phố chuyên doanh, phố ẩm thực, quảng trường, công viên cho các hoạt động giải trí. Đồng thời, cần thành lập những cơ quan và chọn lựa các nhà quản lý có kinh nghiệm để thực hiện quản lý các DN hoạt động về đêm. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ tiền, giảm giá điện, nước... cho các nhà hàng hoạt động vào ban đêm đủ điều kiện, ngoài ra, cần tối ưu hóa các dịch vụ giao thông công cộng, quảng bá các nhà hàng đêm, hợp pháp hóa kéo dài thời gian mở cửa các địa điểm tham quan, biểu diễn nghệ thuật và cửa hàng tiện lợi được hoạt động 24/24h.

Việc kích thích tiêu dùng ban đêm sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi, giải trí, mua sắm,... Từ đó, các công ty du lịch sẽ có nhiều phương án kéo dài thời gian lưu trú cho du khách, các tour dài ngày hơn. Du khách ở lại dài hơn sẽ chi tiêu nhiều hơn, được thụ hưởng và trải nghiệm nhiều hơn.

Hoạt động "kinh tế ban đêm" cũng đòi hỏi có cơ chế thích hợp quản lý các cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, bia rượu, đồ uống cao cấp, thuốc lá và nâng cao năng lực quản lý các tệ nạn xã hội, chống hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế, cũng như đảm bảo an ninh, an toàn đô thị quản lý thị trường.

Nếu làm tốt, chắc chắn các khu kinh tế ban đêm sẽ vừa là động lực kinh tế, vừa là động lực văn hóa tại các thành phố, địa phương và khu vực, giúp tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho NSNN, tăng công suất hữu dụng và giúp giảm áp lực cho các cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, giao thông vận tải.

Với những đột phá về nhận thức và cách nghĩ, cách làm mới, kỳ vọng kinh tế ban đêm sẽ là “cửa sáng” cho phát triển các ngành dịch vụ thương mại và du lịch của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của cả du khách trong nước và quốc tế.

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Phát triển thị trường tài chính miền núi
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thị trường miền núi nước ta bao gồm các tỉnh miền núi phía Bắc (14 tỉnh thuộc nhóm trung du và miền núi phía Bắc theo phân nhóm của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 5 tỉnh Tây Nguyên). Theo đó, thị trường tài chính miền núi được hiểu là nơi gặp gỡ giữa người có nguồn lực tài chính và người có nhu cầu sử dụng nguồn lực tài chính đó trên địa bàn các tỉnh miền núi. Thị trường tài chính bao gồm: thị trường tín dụng ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD), thị trường bảo hiểm và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thực tế các tỉnh miền núi hầu như không phát triển hai loại thị trường sau.
  • Ưu đãi phải đúng đối tượng
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Sau 2 năm thanh tra, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã thông báo Kết luận thanh tra về quản lý và sử dụng đất đai với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai sót về thẩm quyền và quy trình giao đất và cấp ưu đãi cho các dự án, trong đó có việc UBND TP. Đà Nẵng chưa thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định về xác định giá đất; không lấy ý kiến hoặc không xem xét ý kiến của các sở, ban, ngành, mà chỉ căn cứ ý kiến của Chủ tịch và các phó chủ tịch Thành phố tại các cuộc họp; xác định, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.
  • Cải cách môi trường kinh doanh qua góc nhìn doanh nghiệp
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Hằng năm, VCCI đều tiến hành điều tra khoảng 10.000 DN dân doanh tại 63 tỉnh, thành. Qua kết quả điều tra năm 2017 và 2018 có thể thấy rằng, có những dấu hiệu chuyển biến ở các lĩnh vực khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng… Tuy nhiên, các DN cũng cho biết, những lĩnh vực có thủ tục hành chính phiền hà nhất là đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội.
  • Xây dựng thương hiệu quốc gia
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo Bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 do Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD, tuy nhiên, đến 47% đóng góp đến từ khu vực DN FDI.
  • Một số ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN sẽ được trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Kinh tế ban đêm - “Cửa sáng” cho ngành dịch vụ Việt