Kiểm toán Nhà nước và chuyển đổi số

(BKTO) - Ngày 19/4/2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Theo đó, để bảo đảm yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2020 là: “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”.




Chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng cao, đóng góp quan trọng vào chức năng giám sát tối cao của Quốc hội.Ảnh: NhưÝ

Từ đó đến nay, KTNN đã không ngừng vươn lên, tự hoàn thiện mình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao với quy mô và lĩnh vực được kiểm toán ngày càng mở rộng, chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng cao, đóng góp quan trọng vào thực thi chức năng giám sát tối cao của Quốc hội, đồng thời củng cố, siết chặt và tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính. Song hành với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, ngành KTNN nỗ lực hiện đại hóa và chuẩn mực hóa nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu nhiệm vụ được Nhà nước giao phó, đồng thời nâng KTNN Việt Nam lên ngang tầm khu vực và quốc tế. Bước sang thập kỷ thứ 3 của thế kỷ XXI, KTNN Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ hiện đại hóa để vừa tương thích với mức độ hiện đại hóa của các đối tượng được kiểm toán, vừa nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm toán thông qua áp dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Một trong những trọng tâm hiện đại hóa của KTNN trong 5 - 10 năm tới chính là thực hiện thành công chuyển đổi số với lộ trình và bước đi thích hợp, theo đó, tiến trình chuyển đổi số của KTNN cần tuân thủ các phương châm và nguyên tắc sau:

Thứ nhất, thực hiện số hóa toàn bộ các thông tin dữ liệu của KTNN nhằm giảm lưu trữ giấy tờ và các công cụ lưu trữ thông tin vật lý khác, đồng thời tạo nền tảng cho các bước chuyển đổi số tiếp theo.

Thứ hai, khai thác, ứng dụng và sáng tạo các công nghệ thông tin hiện đại như: Big data, IoT, AI, Blockchain... vào quản lý, khai thác và sử dụng thông tin phục vụ hoạt động kiểm toán nhà nước.

Thứ ba, kết nối và đồng bộ hóa hệ thống thông tin của KTNN với hệ thống thông tin của các đối tượng được kiểm toán cũng như với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như Quốc hội, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương trên cơ sở kết hợp sự chủ động của KTNN với thành tựu của tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số... và tiến tới Nhà nước số.

Thứ tư, rà soát thay đổi các quy trình, thủ tục kiểm toán nhà nước cho phù hợp với chuyển đổi số, đảm bảo đơn giản, tinh gọn và hiệu quả.

Thứ năm, tổ chức sắp xếp lại bộ máy của KTNN theo tiêu chí chuyển đổi số, đặc biệt tập trung xây dựng bộ phận công nghệ thông tin mạnh có thể đảm đương vai trò xương sống của toàn bộ hệ thống KTNN đi đôi với khả năng liên kết, phối hợp và thay thế lẫn nhau giữa các bộ phận của KTNN thông qua các công cụ chuyển đổi số.

Thứ sáu, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là công nghệ mà con người mới là yếu tố quyết định. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ KTNN thế kỷ XXI vừa phải tinh thông nghiệp vụ, đạo đức trong sáng vừa phải có trình độ thành thạo công nghệ thông tin, kịp thời nắm bắt và làm chủ quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kiểm toán. Bên cạnh đó, tác phong làm việc của mỗi cán bộ KTNN phải phù hợp với khả năng vượt qua giới hạn không gian và thời gian do chuyển đổi số mang lại.

Thứ bảy, chuyển đổi số đòi hỏi cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính thích đáng đảm bảo cho hoạt động kiểm toán nhanh gọn, chính xác. Do đó, KTNN cần sớm có kế hoạch đầu tư trang thiết bị thích hợp để chuyển đổi số vừa hiệu quả vừa tiết kiệm, tránh lãng phí.

Thứ tám, an ninh an toàn là yêu cầu bắt buộc trong chuyển đổi số, đặc biệt là đối với những lĩnh vực có nhiều tài liệu, dữ liệu mật như KTNN. Hệ thống thông tin số trong hoạt động của KTNN cần đảm bảo thông suốt, phân quyền tiếp cận thông tin một cách rõ ràng đồng thời ngăn chặn những hành vi xâm nhập trái phép nhưng vẫn tuân thủ nghiêm các quy định về công khai minh bạch trong quản lý tài chính công, tài sản công nói chung và KTNN nói riêng.

Tóm lại, chuyển đổi số trong lĩnh vực KTNN là tất yếu và thành công trong quá trình chuyển đổi số không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm và nỗ lực của riêng ngành KTNN mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan liên quan.
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Cùng chuyên mục
  • Tăng tốc kinh tế nửa cuối năm 2020
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 24/6 cho biết, kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng -4,9% trong năm 2020, không loại trừ cả các nước ASEAN vốn có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới hằng năm. Cả châu Á chỉ có Trung Quốc tăng trưởng khoảng 1% GDP và Việt Nam tăng khoảng 2% GDP…
  • Tăng cường công khai ngân sách tỉnh
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Chỉ số công khai ngân sách tỉnh năm 2019 (POBI 2019) vừa được công bố ngày 08/7. POBI là khảo sát về công khai các tài liệu ngân sách địa phương của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố Việt Nam trên cổng thông tin điện tử của UBND, HĐND, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh theo đúng hạn định.
  • Nhận diện kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2020
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Số liệu kinh tế nửa đầu năm 2020 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy thực tế đáng lo ngại và triển vọng cả năm 2020 sẽ rất khó khăn. Nhận diện chính xác nền kinh tế, cả hiện tại và tương lai gần không dễ dàng song không thể không nhìn thẳng vào sự thật để vượt qua thách thức chưa có tiền lệ này.
  • Rút ngắn thời gian là tăng hiệu quả
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Báo cáo đầu tiên trong chuỗi báo cáo thường niên về “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố ngày 22/6.
  • Thực hiện 3 “công”  trong thu hút vốn FDI
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Doanh nghiệp FDI chiếm vị trí áp đảo về đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với tỷ trọng lên tới 60 - 70% từ năm 2003 đến 2015. Giai đoạn 2003-2013, phần lớn thuế TNDN do DN FDI đóng góp từ dầu thô với tỷ trọng lên tới trên 90% vào năm 2003 và trên 70% trong những năm còn lại, ngoại trừ năm 2010 và 2013 giảm xuống còn hơn 60%.
Kiểm toán Nhà nước và chuyển đổi số