Động lực tăng trưởng kinh tế Thủ đô

(BKTO) - Trong Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2019 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 25/9, bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu, nền kinh tế Việt Nam được dự báo duy trì tăng trưởng mạnh trong năm 2019 và 2020 ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7%, sau khi đã bứt phá mạnh với tỷ lệ 7,1% trong năm 2018; lạm phát được điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống còn 3% trong năm 2019 và từ 3,8% xuống còn 3,5% cho năm 2020. Trong đó, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội đã, đang và sẽ có đóng góp tích cực vào thành công chung này của đất nước…!



Trong giai đoạn 10 năm sau mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, 2008-2017, bình quân tăng trưởng GRDP đạt 7,41%/năm (trong đó, dịch vụ tăng 7,52%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,17%, nông nghiệp tăng 2,68%); tổng đầu tư xã hội tăng 15,21%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tăng 13,7%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 8,79%/năm; sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng 8,61%/năm. Quy mô GRDP năm 2017 (theo giá cố định 2010) đạt 519.568 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2008. GRDP bình quân đầu người khoảng 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với 1.697 USD/người vào năm 2008 và gấp gần 1,5 lần trung bình cả nước trong cùng thời kỳ so sánh. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn Thành phố đến nay đạt 25%....

Năm 2018, GRDP tiếp tục tăng 7,12%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (giá hiện hành) tăng 10,6%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 21,6%; thu NSNN tăng 12,3%...

Riêng 8 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,5%;... đàn gia cầm tăng 12,1%; đàn bò tăng 3,1%; khách quốc tế đến lưu trú tăng 6% và khách trong nước tăng 4,1%; tổng thu ngân sách đạt 64,7% dự toán pháp lệnh năm 2019 và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018. Thành phố có 59 sản phẩm của 46 DN được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực. 4/18 huyện (đạt 22,22%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 294 xã (76,16%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 49 xã so với kế hoạch đề ra. Bình quân toàn Thành phố đạt 18,19 tiêu chí/xã, đứng đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới..

Động lực tạo nên sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trên đây là do Thành phố quan tâm hỗ trợ cộng đồng kinh tế tư nhân trên địa bàn Thủ đô, với hơn 267.000 DN, chiếm hơn 41% nguồn vốn huy động sản xuất kinh doanh và 45% về doanh thu; đóng góp trên 30% tổng thu NSNN trên địa bàn. Ngoài ra, Hà Nội đến cuối năm 2019 dự kiến có tổng cộng 1.772 hợp tác xã, với tổng doanh thu 4.961 tỷ đồng/năm…

Hà Nội đã lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ để đổi mới và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; rà soát, rút gọn và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quán triệt chỉ đạo điều hành theo phương châm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “Một việc - một đầu mối xuyên suốt”; đẩy mạnh mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ DN, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; cải thiện chỉ số PCI, PAPI. Riêng Chỉ số PCI của Hà Nội tăng liên tục kể từ năm 2012, Hà Nội xếp thứ 9 năm 2018, tăng 4 bậc so với năm 2017, cao nhất từ trước tới nay; duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, đồng thời đảm bảo thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan trong vòng 3 ngày…

Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong thời gian từ 2008-2017, Hà Nội đã có 177.052 DN đăng ký kinh doanh với số vốn khoảng 1,95 triệu tỷ đồng, tăng trung bình hằng năm 6,75%. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận 13.690 DN thành lập mới, vốn đăng ký 143.700 tỷ đồng, tăng 10% về số lượng DN và tăng 1% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; đồng thời, có 3.529 DN hoạt động trở lại. Trong tổng thu nội địa trên địa bàn trong 8 tháng năm 2019, thu từ khu vực DN ngoài nhà nước đạt 34.628 tỷ đồng, tăng 23,7%, cao nhất cả 3 khu vực về tỷ lệ tăng và đứng thứ hai về số thu tuyệt đối.

Hà Nội ngày càng khẳng định vị thế đầu tàu trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đến nay, dù diện tích bằng 21,2% so với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và bằng 1% cả nước nhưng Hà Nội đóng góp 51,1% GRDP của vùng và 16,46% GDP của cả nước; thu ngân sách bằng 54,1% của vùng và 19,05% của cả nước... Hà Nội đang nỗ lực vượt qua chính mình, một thành phố gương mẫu trong quản lý nhà nước nói chung và tăng trưởng mạnh mẽ kinh tế nói riêng của cả nước…
TS. NGUYỄN MINH PHONG - Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 10-10-2019
Cùng chuyên mục
  • Sớm ban hành khuôn khổ pháp lý về condotel
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Chỉ mới ra đời và phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây song condotel đã trở thành phân khúc bùng nổ mạnh mẽ do đáp ứng được nhu cầu của cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và người sử dụng với hàng vạn sản phẩm đã và sẽ đưa vào thị trường.
  • Gỡ rối chậm giải ngân vốn đầu tư công
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 21/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 1042/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Theo đó, đến tháng 8/2019 vẫn còn 35.148 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 (bằng 9,3% kế hoạch vốn được Quốc hội thông qua) chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn trong khi yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 5/2019.
  • Nhận thức mới về thu hút và quản lý FDI
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thay mặt Bộ Chính trị, ngày 20/8/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (dưới đây gọi tắt là Nghị quyết).
  • Giải ngân đầu tư công không chậm, nếu…
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký, ban hành Công điện thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bởi lẽ trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước mới giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 32,3% kế hoạch Quốc hội giao. Trong đó, 35 Bộ, cơ quan T.Ư và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%; 18 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch (TP. HCM giải ngân được 26% và Hà Nội cũng chỉ đạt gần 25% kế hoạch).
  • Đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được Quốc hội ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ về xử lý nợ xấu; tháo gỡ được phần nào khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong việc xử lý nợ xấu và triển khai thành công Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (Quyết định 1058).
Động lực tăng trưởng kinh tế Thủ đô