Đằng sau rủi ro đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng

(BKTO) - Theo Thông cáo báo chí về tình hình đầu tư xây dựng căn hộ khách sạn (condotel) trên địa bàn Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng của ngày 29/11/2019, trong 2 năm 2016 và 2017, Sở đã cấp phép xây dựng 6 dự án căn hộ khách sạn với tổng cộng 7.590 condotel và đã cho phép chuyển đổi 1.969 condotel thành chung cư trong Dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Cocobay Đà Nẵng) thuộc quận Ngũ Hành Sơn.



Tổ hợp nghỉ dưỡng và giải trí Cocobay Đà Nẵng có tổng diện tích 51ha, mức đầu tư dự kiến khoảng 5 tỷ USD và hứa hẹn triển khai khoảng 10.000 phòng tiêu chuẩn 3 - 5 sao, trong đó đa số là condotel. Hiện khoảng 3.000 phòng đã đưa vào vận hành. Tuy nhiên, mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô - chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng - thông báo, do gặp khó khăn về tài chính nên từ năm 2020 sẽ không chi trả thu nhập cam kết lợi nhuận 12% mỗi năm theo hợp đồng mua bán các shophouse, condotel, dù mới thực hiện hơn 2 năm/8 năm cam kết.

Trước đó, chủ đầu tư Dự án condotel Bavico tại Nha Trang cũng từng phải đàm phán để giảm mức cam kết lợi nhuận từ 15% xuống còn 8%/năm và sau đó, ngay cả thỏa thuận mới này cũng không được thực hiện.

Hãng nghiên cứu Savills dự báo, danh sách các dự án condotel không thực hiện được cam kết lợi nhuận có thể dài thêm.

Việc phá vỡ cam kết lợi nhuận trong khai thác condotel khiến giới đầu tư mất niềm tin với condotel. Đây cũng là một thông điệp chính thức cảnh tỉnh giấc mơ làm giàu nhanh từ đầu tư condotel. Rủi ro trong kinh doanh condotel trước hết đến từ lỗ hổng pháp lý. Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp luật cụ thể về condotel, nhất là về quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai... Theo hướng dẫn của TP. Đà Nẵng, để chuyển đổi căn hộ khách sạn thành căn hộ chung cư, chủ đầu tư phải thoả thuận cụ thể với khách hàng (với các công trình đang xây dựng) để lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh, cũng như lập hồ sơ thiết kế (với công trình chưa xây dựng) gửi Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho ý kiến, trước khi Sở Xây dựng cấp phép xây dựng điều chỉnh theo quy định.

Thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư phải triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo đúng quy hoạch chi tiết được duyệt, phù hợp với tiến độ công trình nhà ở, đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân đến ở. Thỏa thuận chi phí chuyển đổi condotel thành chung cư tại dự án trên là thỏa thuận dân sự giữa chủ đầu tư và khách hàng. Sở này đề nghị hai bên căn cứ hợp đồng để xử lý, nếu có tranh chấp thì liên hệ tòa án để xem xét, giải quyết. Như vậy, cái khó trong chuyển đổi dự án condotel thành chung cư đến cả từ chi phí đầu tư phát sinh và quy trình chuyển đổi không đơn giản như ban đầu các bên hình dung…

Những rủi ro kinh doanh condotel còn có thể đến từ chất lượng của dự án, độ phù hợp về giá, điều kiện thị trường, thương hiệu và uy tín nhà đầu tư. Khi chủ đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý khách sạn - nghỉ dưỡng, thiếu trách nhiệm và cam kết của chủ đầu tư trong hoạt động vận hành tương lai sẽ khiến dự án phát sinh những rủi ro, khó khăn, thiếu sót trong việc hoạch định tiện ích của khách sạn, định vị sản phẩm không phù hợp với thị trường, hoặc khiến dự án khó hoạt động tốt trong dài hạn. Hơn nữa, cả về pháp lý và trên thực tế, nhà điều hành condotel không có trách nhiệm thực hiện cam kết từ chủ đầu tư đối với người mua về lỗ, lãi… Đặc biệt, sự cả tin vào cam kết lợi nhuận condotel bị thổi phồng từ 12 - 15%/năm (trong khi condotel tại Thái Lan, Indonesia, mức sinh lời 5% đã được đánh giá là một tỷ lệ vận hành cho thuê rất tốt) có thể khiến nhà đầu tư “lướt sóng” rơi vào bẫy thanh khoản, khi đầu tư với mức lãi suất vay ngân hàng cao hơn mức lợi nhuận thực tế khả thi trong tương lai từ condotel. Rủi ro càng tăng khi Việt Nam hiện chưa có cơ chế bảo vệ người mua trong trường hợp chủ đầu tư không tuân thủ cam kết.

Ngoài ra, rủi ro có thể phát sinh khi nhà đầu tư muốn lấy lại căn hộ để “dùng riêng”, không cho chủ dự án thuê tiếp. Điều này có thể làm phát sinh những chi phí bất ngờ, thậm chí những rắc rối và điều kiện “không thể chấp nhận được” với nhà đầu tư, như: chi phí dùng thang máy, điện, nước và bảo đảm an toàn, vệ sinh… do hai bên chưa có thỏa thuận rõ ràng, minh bạch về những tiện ích và cơ sở hạ tầng dùng chung của cả tổ hợp dự án.

Đằng sau rủi ro phá vỡ cam kết lợi nhuận condotel là khoảng trống pháp lý trong quản lý kinh doanh condotel; là rủi ro tăng nợ xấu cho vốn tín dụng ngân hàng và thanh khoản cho nhà đầu tư... Bởi vậy, cần sớm triển khai Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Theo đó, cần nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phòng ngừa thất thoát thuế, lẩn tránh thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhằm mang lại những chuyển động tích cực mới cho phát triển kinh tế chia sẻ nói chung; đồng thời, thực tế cho thấy, việc thay cam kết lợi nhuận thành chia sẻ lợi nhuận giữa chủ sở hữu và chủ đầu tư/đơn vị vận hành có thể là một hướng đi bền vững và ít rủi ro hơn cho thị trường nghỉ dưỡng - du lịch tại Việt Nam trong tương lai.

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Phát triển tín dụng xanh
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, hàng loạt khái niệm gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đã ra đời như: kinh tế xanh, tài chính xanh, thuế xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh... Tín dụng xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng và có tốc độ phát triển ấn tượng.
  • Kinh tế ban đêm - “Cửa sáng” cho ngành dịch vụ Việt
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu các Bộ, địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm…
  • Phát triển thị trường tài chính miền núi
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thị trường miền núi nước ta bao gồm các tỉnh miền núi phía Bắc (14 tỉnh thuộc nhóm trung du và miền núi phía Bắc theo phân nhóm của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 5 tỉnh Tây Nguyên). Theo đó, thị trường tài chính miền núi được hiểu là nơi gặp gỡ giữa người có nguồn lực tài chính và người có nhu cầu sử dụng nguồn lực tài chính đó trên địa bàn các tỉnh miền núi. Thị trường tài chính bao gồm: thị trường tín dụng ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD), thị trường bảo hiểm và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thực tế các tỉnh miền núi hầu như không phát triển hai loại thị trường sau.
  • Ưu đãi phải đúng đối tượng
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Sau 2 năm thanh tra, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã thông báo Kết luận thanh tra về quản lý và sử dụng đất đai với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai sót về thẩm quyền và quy trình giao đất và cấp ưu đãi cho các dự án, trong đó có việc UBND TP. Đà Nẵng chưa thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định về xác định giá đất; không lấy ý kiến hoặc không xem xét ý kiến của các sở, ban, ngành, mà chỉ căn cứ ý kiến của Chủ tịch và các phó chủ tịch Thành phố tại các cuộc họp; xác định, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.
  • Cải cách môi trường kinh doanh qua góc nhìn doanh nghiệp
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Hằng năm, VCCI đều tiến hành điều tra khoảng 10.000 DN dân doanh tại 63 tỉnh, thành. Qua kết quả điều tra năm 2017 và 2018 có thể thấy rằng, có những dấu hiệu chuyển biến ở các lĩnh vực khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng… Tuy nhiên, các DN cũng cho biết, những lĩnh vực có thủ tục hành chính phiền hà nhất là đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội.
Đằng sau rủi ro đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng