(BKTO) - Trong những ngày qua, công luận bức xúc vì giá điện và hóa đơn tiền điện đều tăng sốc. Ngay trong nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đề nghị KTNN vào cuộc để góp phần minh bạch hóa cơ cấu giá và chi phí ngành điện, làm rõ sự hợp lý của mức tăng giá điện nêu trên… Sự kiện này không chỉ cho thấy sự mất lòng tin của xã hội vào giải trình tăng giá của ngành điện, mà còn là minh chứng cho thấy vai trò và uy tín của KTNN trong đời sống kinh tế - xã hội nước ta.



Kể từ ngày thành lập 11/7/1994 đến hết năm 2017, KTNN đã thực hiện 2.413 cuộc kiểm toán, trong đó có: 1.285 cuộc kiểm toán NSNN; 488 cuộc kiểm toán DNNN và các tổ chức tài chính ngân hàng; 496 cuộc kiểm toán dự án đầu tư; 127 cuộc kiểm toán chuyên đề; 16 cuộc kiểm toán hoạt động và 1 cuộc kiểm toán dự án khác. Riêng năm 2018, KTNN đã hoàn thành 253/253 cuộc kiểm toán theo kế hoạch; đã kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng, mức cao nhất trong hơn 24 năm hoạt động; đã kiến nghị sửa đổi, thay thế 115 văn bản pháp luật; chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; cung cấp 146 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan chức năng… KTNN đã cung cấp nhiều thông tin phục vụ Quốc hội trong quá trình xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN, quyết định dự toán NSNN; giúp HĐND các cấp thực hiện giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giúp các Bộ, ngành cải thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng NSNN, tiền và tài sản nhà nước.

Đằng sau những con số khô khan trên của KTNN không chỉ là thành tích và công sức, trách nhiệm, những hy sinh và áp lực căng thẳng của hoạt động kiểm toán. Sự phát triển KTNN Việt Nam không chỉ gắn với sự hoàn thiện hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước, mà còn là nhu cầu tự thân của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và yêu cầu của nhân dân về phòng, chống tham nhũng và phát triển lành mạnh nền kinh tế - tài chính quốc gia.

Trực thuộc Quốc hội và với nguyên tắc “hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, KTNN là công cụ giúp cho công dân có thể tham gia, giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có sử dụng NSNN, là cơ sở để thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình quản lý tài chính của Nhà nước; đồng thời, là kênh thông tin quan trọng và đáng tin cậy, là tuyến phòng ngừa và người lính gác cuối cùng trong guồng máy, quy trình quản lý nhà nước, nhằm phát hiện và kiến nghị xử lý những bất cập, sai phạm trong chính sách và tuân thủ chính sách, trong hoạt động của các DN, tổ chức, đơn vị, góp phần hoàn thiện các văn bản chính sách và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng chống tham nhũng và các biểu hiện lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ...

Với tinh thần đó, đầu tư cho phát triển hoạt động KTNN là cần thiết và là khoản đầu tư hiệu quả, mang lại những giá trị không thể tính được cả về kinh tế và ngoài kinh tế.

Chữ tín là kết quả cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, khó tạo lập, song lại dễ mai một, nếu không cẩn trọng giữ gìn. Để củng cố chữ tín, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng lớn về vai trò của KTNN đối với đất nước, cần tiếp tục nâng cao năng lực thể chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, chế độ đãi ngộ, dưỡng liêm và bảo vệ an toàn cá nhân; đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức kiểm toán, nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán, chú trọng phát triển cả 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động). Cùng với việc đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp, kiểm toán chuyên đề, KTNN tiếp tục tăng cường việc xác nhận quyết toán ngân sách các địa phương, NSNN.

Đặc biệt, thực tiễn đang đặt ra nhu cầu tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Luật KTNN, bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng (PCTN) cho KTNN theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với Luật PCTN và các luật có liên quan. Việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN cũng tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện nhiệm vụ về PCTN, nhằm đảm bảo sứ mệnh không chỉ góp phần vào sự minh bạch và bền vững của nền tài chính quốc gia, mà còn góp phần giữ gìn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị…
TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 06-6-2019
Cùng chuyên mục
  • Cần sớm xây dựng Luật Chống chuyển giá
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trước hết, cần khẳng định chuyển giá là một hiện tượng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền kinh tế thị trường phát triển lâu đời và chúng ta đã phát hiện đồng thời xử lý một số trường hợp chuyển giá thông qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về chống chuyển giá dựa trên quan hệ liên kết.
  • Sửa Luật để Kiểm toán Nhà nước  tham gia phòng, chống  tham nhũng hiệu quả
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thực hiện Nghị quyết số 613/2018/UBTVQH14 ngày 13/12/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, KTNN đã xây dựng Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo Luật) và đã được UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32, chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới... Trước “quốc nạn” tham nhũng nặng nề và với vai trò đặc biệt của KTNN, đòi hỏi cần đặc biệt coi trọng mục tiêu và yêu cầu phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong Dự thảo Luật này.
  • Tháo kíp bom nợ  “tín dụng đen”
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 19/02, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường, có hiệu lực từ ngày 05/4/2019, theo đó, Chính phủ ấn định việc tổ chức các hoạt động trên chỉ được áp dụng mức lãi suất trần 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần họ đã góp trên thời gian còn lại của dây họ.
  • Dịch chuyển đầu tư công
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nước ta nhiều thập kỷ qua song vai trò của nó đang có sự thay đổi rõ rệt. Thực tế, tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm xuống dưới 40% từ năm 2007 đến 2012 song lại quay về mức trên dưới 40% năm 2013-2014.
Chữ tín…!