Cần sớm xây dựng Luật Chống chuyển giá

(BKTO) - Trước hết, cần khẳng định chuyển giá là một hiện tượng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền kinh tế thị trường phát triển lâu đời và chúng ta đã phát hiện đồng thời xử lý một số trường hợp chuyển giá thông qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về chống chuyển giá dựa trên quan hệ liên kết.



Tuy nhiên, thực tế hoạt động chống chuyển giá còn đạt kết quả rất hạn chế do tính chất phức tạp của nó, thậm chí, chuyển giá còn lan rộng từ khu vực FDI sang khu vực DN trong nước và những kinh nghiệm chống chuyển giá, xói mòn thuế của OECD cũng không dễ áp dụng thành công ở nước ta. Thêm vào đó, có một thời chưa xa chúng ta còn vô tình khuyến khích hay ít nhất là bỏ qua hiện tượng chuyển giá của các DN FDI khi cho rằng, việc báo lỗ của DN FDI là chỉ họ thiệt vì đó là vốn của họ còn mình không thiệt gì cả mà lỗ của khu vực DNNN mới đáng quan tâm xử lý, đồng thời, thành tích là thu hút được bao nhiêu vốn FDI cam kết và giải ngân chứ không quan tâm đó là vốn thật hay vốn ảo, vốn tự có hay vốn đi vay.

Chỉ đến khi hàng loạt DN FDI báo lỗ, không có thu nhập chịu thuế trong khi vẫn mở rộng sản xuất, tăng vốn đầu tư thì chúng ta mới thay đổi tư duy về bản chất tiêu cực và tác hại của chuyển giá. Muộn còn hơn không, song cũng không nên vì vội, cấp bách mà thiếu tư duy đồng bộ và hệ thống. Trước hết, việc đổ tội cho Luật Đầu tư mới không quy định thẩm định vốn đầu tư và mua sắm tài sản cố định của nhà đầu tư là kẽ hở cho chuyển giá hay đúng hơn là kê khống giá trị đầu tư là chưa hợp lý. Quy định như Luật Đầu tư mới là tiến bộ quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư phù hợp với yêu cầu thu hút đầu tư phát triển đất nước, cũng như thực hiện cam kết quốc tế, mở cửa hội nhập và tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt. Cần phải nhận thức chuyển giá là tất yếu khách quan phục vụ lợi ích của DN, của nhà đầu tư nên luôn luôn có động cơ và động lực thực hiện chuyển giá nếu có thể trong toàn bộ quá trình hoạt động của mỗi DN, mỗi dự án. Vì vậy, nếu chỉ tách rời chống chuyển giá riêng trong đầu tư là không phù hợp bản chất của chuyển giá và lại càng tệ hơn nếu định chống chuyển giá bằng các công cụ hành chính đã lỗi thời, đi ngược lại sự vận động của các quy luật thị trường.

Khâu đầu tiên trong chống chuyển giá chính là nhận diện hành vi chuyển giá mà nền tảng là có quan hệ liên kết hay nói cách khác là xuất hiện giao dịch có giá phi thị trường; do đó, để nhận diện hành vi chuyển giá cần phát hiện và chứng minh sự tồn tại của quan hệ liên kết. Đến lượt mình, quan hệ liên kết đó làm phát sinh giao dịch có giá phi thị trường, không chỉ giao dịch đầu tư, thương mại mà cả giao dịch tài chính, lao động, thuê mướn... Nếu chỉ căn cứ vào phân tích lợi nhuận hoạt động thay cho lợi nhuận ròng khi DN nào đó liên tục lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất và đầu tư thì chưa đầy đủ, chưa đúng bản chất và thiếu tính thuyết phục do có vô vàn lý do để xảy ra tình trạng đó mà chuyển giá (nếu có) chỉ là một lý do. Người ta có câu “không nên vì chậu nước bẩn mà hắt cả đứa trẻ ngồi trong đó”. Như vậy, cốt lõi để phát hiện chuyển giá chính là nắm được giá thị trường để làm căn cứ phát hiện và xử lý những giao dịch dựa trên quan hệ liên kết với giá phi thị trường.

Rõ ràng, chuyển giá có tính hệ thống chứ không phải chỉ ở lĩnh vực đầu tư và bản chất của nó ở GIÁ chứ không phải VỐN nên chống chuyển giá không thể cắt khúc bằng việc sửa Luật Đầu tư hay luật nào đó có liên quan để bịt lỗ hổng được. Do tính chất và mức độ nghiêm trọng của chuyển giá cũng như tác động tiêu cực của chuyển giá tới kinh tế - xã hội của nước ta thì cần sớm ban hành Luật Chống chuyển giá. Tất cả các nội dung chống chuyển giá, từ phòng ngừa, ngăn chặn, đến phát hiện, xử lý hành vi chuyển giá đều được quy định trong Luật này thay vì đề xuất sửa đổi các luật khác. Xét thực tế và chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành nước ta thì cơ quan khởi thảo dự Luật Chống chuyển giá nên là Bộ Tài chính. Bộ Tài chính nên mạnh dạn nhận nhiệm vụ quan trọng này vì Bộ vừa quản lý thuế, vừa quản lý giá - những yếu tố then chốt trong chống chuyển giá - đồng thời, Bộ cũng có đầy đủ khả năng về tổ chức bộ máy và nhân sự để soạn thảo dự Luật Chống chuyển giá cho đất nước. Quan trọng nhất là chính Bộ Tài chính có động cơ và động lực nhất trong các Bộ, ngành ở nước ta trong chống chuyển giá.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Sửa Luật để Kiểm toán Nhà nước  tham gia phòng, chống  tham nhũng hiệu quả
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thực hiện Nghị quyết số 613/2018/UBTVQH14 ngày 13/12/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, KTNN đã xây dựng Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo Luật) và đã được UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32, chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới... Trước “quốc nạn” tham nhũng nặng nề và với vai trò đặc biệt của KTNN, đòi hỏi cần đặc biệt coi trọng mục tiêu và yêu cầu phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong Dự thảo Luật này.
  • Tháo kíp bom nợ  “tín dụng đen”
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 19/02, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường, có hiệu lực từ ngày 05/4/2019, theo đó, Chính phủ ấn định việc tổ chức các hoạt động trên chỉ được áp dụng mức lãi suất trần 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần họ đã góp trên thời gian còn lại của dây họ.
  • Dịch chuyển đầu tư công
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nước ta nhiều thập kỷ qua song vai trò của nó đang có sự thay đổi rõ rệt. Thực tế, tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm xuống dưới 40% từ năm 2007 đến 2012 song lại quay về mức trên dưới 40% năm 2013-2014.
  • “Lỏng” như quản lý quy hoạch
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - TS. NGUYỄN MINH PHONG - Chuyên gia Kinh tế
Cần sớm xây dựng Luật Chống chuyển giá