Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong đổi mới và phát triển

(BKTO) - Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, khi giang sơn sạch bóng quân xâm lược, non sông gấm vóc liền một dải. Từ đó, cả nước vừa ra sức khôi phục kinh tế, tìm tòi, tháo gỡ khó khăn, khắc phục trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội; vừa tiến hành hai cuộc chiến đấu chống xâm lược ở hai đầu biên giới, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.



Đặc biệt, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam tỏa sáng hơn qua việc từng bước triển khai công cuộc đổi mới, mà trước hết là “đổi mới về tư duy kinh tế”, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; hướng tới mục tiêu phát triển lấy con người làm trung tâm, vừa là mục tiêu vừa là động lực vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước đi và từng chính sách phát triển.

Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên Hợp Quốc (so với 11 nước năm 1954); có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực (trong đó có 16 hiệp định thương mại tự do - FTA); có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường… Năm 2019, GDP tăng 7,02% và quy mô nền kinh tế đạt hơn 262 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đã lên gần 2.800 USD; tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% so với từ 53% năm 1993...

Trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố danh sách, có 7 DN của Việt Nam. Trong danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes vinh danh năm 2020, có 4 tỷ phú USD đến từ Việt Nam. Nhiều DN Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án đầy tham vọng với hy vọng vươn ra thị trường quốc tế. Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018; năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - năm kỷ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945-2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, còn thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD...

Sau đợt cao điểm chống đại dịch, kết quả thu được thật đáng phấn khởi: Trong khi thế giới có gần 3,66 triệu người nhiễm bệnh trên 214 quốc gia và có trên 252.000 người tử vong tại 165 nước, thì Việt Nam hiện không có người tử vong; liên tục 20 ngày không có ca mắc mới và chữa khỏi bệnh cho 232/271 người nhiễm bệnh ở cơ sở chữa bệnh cả tuyến y tế cấp T.Ư và địa phương. Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao cả về năng lực đối phó, kiểm soát đại dịch Covid-19 và nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ DN và người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch, như: các gói hỗ trợ về tiền tệ (khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (trên 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng).

Khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt hơn và chưa biết khi nào mới chấm dứt hoàn toàn, thì tái khởi động nền kinh tế là điều cần thiết. Vì vậy, từ sáng 23/4, các hoạt động kinh tế - xã hội trên cả nước đã từng bước phục hồi về lĩnh vực, phạm vi và công suất hoạt động bình thường, trên cơ sở bảo đảm việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn y tế.

Dù chưa thể và không thể kỳ vọng mọi thứ ngay lập tức quay trở lại quỹ đạo bình thường, song với BẢN LĨNH VÀ TRÍ TUỆ VIỆT NAM, tinh thần cộng đồng đoàn kết xã hội và chia sẻ trách nhiệm cao nhất đã được chứng nghiệm trong đợt cao điểm chống dịch vừa qua cùng những bài học quý giá trong quá khứ, có nhiều cơ sở để tin rằng chúng ta tiếp tục chiến thắng cả virus Corona, cả “virus trì trệ”. Năm 2020, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (như ADB đã khẳng định) và đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3%, như Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch (Mỹ) vừa dự báo....

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Áp lực lạm phát giảm  trong quý I/2020
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Sau 3 tháng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tiếp tăng cao trên dưới 1%, từ tháng 02/2020, CPI đảo chiều giảm, thậm chí giảm sâu tới 0,72% vào tháng 3/2020 với 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI giảm. Giảm nhiều nhất là nhóm giao thông chủ yếu do tác động của điều chỉnh giảm giá xăng, dầu tới 9,83% giúp cho CPI chung giảm tới 0,43%. CPI nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cũng giảm 1,4%; CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn giảm 0,43% mặc dù giá lương thực tăng 1,09% song giá thực phẩm lại giảm 0,89%. Như vậy, CPI bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 tuy vẫn tăng 5,56% song xu thế vượt ngưỡng an toàn 5% đã đảo chiều kể từ tháng 02/2020.
  • Đồng lòng, hợp tác chặt chẽ để vượt qua thách thức
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân…
  • Bất động sản có thể là hy vọng cho nền kinh tế?
    3 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội không chừa quốc gia, dân tộc nào, dù phát triển, đang phát triển hay chậm phát triển. Kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ khủng hoảng suy thoái thậm chí còn nặng nề hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Chính vì vậy, các nhà đầu tư, cả tổ chức và cá nhân đều mong muốn tìm nơi trú ẩn an toàn cho đồng vốn của họ và chờ đợi cho đến khi dịch bệnh kết thúc.
  • Vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP - những câu hỏi còn bỏ ngỏ
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ở Việt Nam, PPP được hiểu là đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Theo đó, Nhà nước và nhà đầu tư phối hợp thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án hoặc hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư, DN để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
  • Bất cập hay tư duy cũ trong cơ chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Tại cuộc họp chiều 24/02, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp đúng quy định pháp luật, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động; trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong đổi mới và phát triển