Tự chủ đại học: Nơi tuyển không hết, nơi mỏi mòn chiêu sinh

(BKTO) - Thực hiện tự chủ được coi là hướng "cởi trói" cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) thực hiện đổi mới, bứt phá về mọi mặt, trong đó có công tác tuyển sinh. Trong bối cảnh các trường ngày càng được chủ động kế hoạch tuyển sinh, việc tồn tại tình trạng người học dồn về một số trường, ngành học “hot”, trong khi một số trường, ngành học khác khó tuyển sinh là điều khó tránh khỏi, song cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.



Bất cập trong công tác tuyển sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố những dự kiến điều chỉnh trong mùa tuyển sinh ĐH năm 2022. Thông tin về công tác tuyển sinh ĐH năm 2022, PGS,TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ GDĐH cho biết, công tác tuyển sinh năm 2022 giữ ổn định như năm 2021, chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, cho các cơ sở đào tạo, nhằm bảo đảm khách quan, công bằng giữa các thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
                
   

Công tác tuyển sinh giữa các trường, các ngành còn có sự chênh lệch.
   Ảnh sưu tầm

   

Tuy nhiên, khi đề cập đến sự chênh lệch trong công tác tuyển sinh giữa các trường, các khối ngành, bà Thủy thừa nhận: Đây là thực trạng khó và đang được Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh để cân đối.

Trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh ĐH đã có nhiều chuyển biến, tình trạng “bát nháo” trong tuyển sinh dù đã giảm, song vẫn cần phải điều chỉnh. Một số trường công bố điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn - mức điểm rất thấp để xét năng lực đầu vào của người học. Nhiều chuyên gia dự báo, trong bối cảnh các trường sẽ đẩy mạnh tự chủ, thì việc thu hút nguồn tuyển sinh để có nguồn thu là tất yếu, song bằng cách thức nào phù hợp để đảm bảo được chất lượng nguồn tuyển lại là vấn đề không dễ giải quyết.

Trên thực tế, các cơ sở GDĐH tự chủ đã được giao nhiều quyền hơn trong các lĩnh vực, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường, trong đó có công tác tuyển sinh. Để đảm bảo nguồn tuyển sinh trong bối cảnh áp lực cạnh tranh giữa các trường ngày càng cao, nhiều trường đã hạ mức điểm chuẩn, hoặc sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh trong điều kiện không trái quy định của Bộ GD&ĐT đưa ra. Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh cũng không được đạt được mục tiêu đề ra.

Đơn cử như qua kết quả kiểm toán những năm vừa qua, KTNN xác định Trường ĐH Thủy lợi đầu tư Cơ sở mở rộng Trường ĐH Thủy lợi tại khu ĐH Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2017 song tại thời điểm kiểm toán (năm 2019), kết quả tuyển sinh chưa đáp ứng chỉ tiêu đề ra, dẫn đến hiệu suất sử dụng trong năm 2017 chỉ đạt 10%, 6 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 3% so với mục tiêu.

Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh xây dựng cơ sở, dự kiến đào tạo 3.020 sinh viên/năm nhưng năm học 2016 - 2017 đạt 14,2% chỉ tiêu được giao (383 sinh viên/2.700 chỉ tiêu); Trường ĐH Sao Đỏ xây dựng cơ sở 2 với mục tiêu đào tạo 3.600 sinh viên/năm, tuy nhiên năm học 2016 -2017 đạt 50,93% chỉ tiêu được giao (2.144 /4.210 chỉ tiêu)...

Trong khi đó, KTNN cho biết, một số trường ĐH tuyển sinh chưa đảm bảo quy định hiện hành, như xác định chỉ tiêu, thực hiện tuyển sinh vượt năng lực đào tạo về giảng viên cơ hữu, điều kiện cơ sở vật chất. Một số trường đề án tuyển sinh không được xây dựng hoặc xây dựng nhưng không thực hiện trên cơ sở đề án được duyệt. Thậm chí, một số trường không xác định chỉ tiêu tuyển sinh hệ liên kết đào tạo quốc tế trong chỉ tiêu đào tạo hoặc sử dụng cơ sở vật chất đi thuê để xác định điều kiện cơ sở vật chất khi xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh.

Đáng lưu ý, nhiều cơ sở đào tạo mở mã ngành đào tạo mới nhưng chưa chú trọng khảo sát tính cấp thiết của việc mở mã ngành, dẫn đến số lượng tuyển sinh của một số ngành này đạt kết quả thấp và không tuyển sinh được. Qua kiểm toán chuyên đề tự chủ GDĐH công lập giai đoạn 2016-2018, Đoàn kiểm toán của KTNN chuyên ngành III nhận thấy 22 ngành mở mới số lượng tuyển sinh rất thấp, một số ngành đã hạ điểm tuyển sinh đầu vào bằng với điểm xét tuyển của trường nhưng không thu hút được sinh viên theo học.

Mạnh dạn giao tự chủ, nhưng không buông lỏng quản lý

Một trong những quyền mà các cơ sở GDĐH tự chủ được chủ động, đó là xây dựng phương án tuyển sinh. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, một số trường dự kiến khả năng tuyển sinh không chính xác dẫn đến đầu tư xây dựng trụ sở vượt quá khả năng tuyển sinh, gây lãng phí NSNN. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang nắm giữ và chỉ đạo công tác tuyển sinh, các trường ĐH đang bị phụ thuộc ở nhiều khâu như: chỉ tiêu tuyển sinh, hình thức thi tuyển,...

Trên cơ sở những phát hiện được chỉ ra, KTNN đã kiến nghị Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành chủ quản của các trường cần đồng bộ về quyền tự chủ tuyển sinh. Rà soát các chính sách ban hành, chỉnh sửa đồng bộ và theo hướng mở rộng hơn việc giao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý hiệu quả, công khai minh bạch trong các cơ sở GDĐH công lập.

Bên cạnh đó, trong quá trình xem xét phương án tuyển sinh, cần đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các trường, các ngành. Theo đó, những ngành học thị trường đang có nhu cầu cao thì để cơ sở giáo dục cạnh tranh nhằm thu hút sinh viên, tạo áp lực phải đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo. Những ngành có quy mô sinh viên nhỏ, khó tuyển sinh mà xã hội cần thì phải có phương án hỗ trợ theo hướng Nhà nước đặt hàng đào tạo và có chính sách hỗ trợ ngân sách đối với trường có đào tạo ngành học này. Cùng với đó, Nhà nước thực hiện hỗ trợ kinh phí để mua dịch vụ công từ thị trường nhằm hỗ trợ các đối tượng chính sách tham gia học tập, nhất là đối với các ngành học đặc thù, song không có nhiều sức hút.

Đề cập đến vấn đề được KTNN chỉ ra, PGS,TS. Trần Văn Tớp - nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, đây là thực trạng rất đáng bàn. Vấn đề là cách làm, quá trình thực thi đòi hỏi các Bộ chủ quan, Bộ GD&ĐT và các trường phải xem xét nghiêm túc những vấn đề được KTNN, cơ quan thanh tra chỉ ra để điều chỉnh cho phù hợp, bởi “bản chất của giao quyền tự chủ là để các trường được chủ động phát huy nguồn lực trên cơ sở nâng cao trách nhiệm giải trình với xã hội” - PGS,TS. Trần Văn Tớp cho biết.

Nhấn mạnh quá trình tự chủ đồng thời với chọn lọc và đào thải, PGS,TS. Trần Văn Tớp cũng đề nghị các Bộ chủ quản của các trường cần rà soát sắp xếp lại các trường ĐH trực thuộc, sáp nhập hoặc giải thể các trường hoạt động không hiệu quả, tỷ lệ tuyển sinh quá thấp; tinh gọn bộ máy, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, tránh đầu tư tràn lan gây lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước. Việc sắp xếp cần tính đến các ngành mũi nhọn, những cơ sở GDĐH công lập ở vùng khó khăn, đào tạo sinh viên diện chính sách cần ưu tiên.

Trong khi đó, PGS,TS. Nguyễn Thu Thủy cho biết, mùa tuyển sinh năm 2022, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và cập nhật lên hệ thống. Các trường cần công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh và giải trình về các phương thức tuyển sinh.

PGS,TS. Nguyễn Thu Thủy cũng khẳng định, Bộ GD&ĐT tôn trọng quyền tự chủ tuyển sinh của các trường, song các trường phải đảm bảo các điều kiện để giảng dạy phù hợp, đảm bảo chất lượng đào tạo, tương xứng với số lượng nguồn tuyển để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Tự chủ đại học: Nơi tuyển không hết, nơi mỏi mòn chiêu sinh