Tinh giản biên chế ngành giáo dục: Phải bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp

(BKTO) - Vấn đề tinh giản biên chế trong giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của Nhà nước và toàn xã hội. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế ngành giáo dục, trong đó có tinh giản giáo viên cần được thực hiện như thế nào để đảm bảo đúng chủ trương và thận trọng, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ giảng dạy?



Áp lực từ tinh giản biên chế

Thời gian qua, nhiều địa phương như: Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai... tăng dân số cơ học quá lớn, khiến số học sinh tăng cao mỗi năm. Song do áp lực tinh giản biên chế, các địa phương này phải giảm biên chế theo kế hoạch giống như các đơn vị sự nghiệp khác. Điều này dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc vừa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ về giáo dục đào tạo vừa phải thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế.

Là một trong những địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, nhưng Hà Nội cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước. Giống như nhiều địa phương khác, ngành giáo dục Hà Nội đang lo ngại trong trường hợp thực hiện tinh giản biên chế, sẽ không đảm bảo đủ giáo viên phục vụ cho công tác giảng dạy. Đặc biệt, việc áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới, với mức tính định biên như hiện nay sẽ không phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tình trạng biên chế giáo viên trong lĩnh vực giáo dục hiện nay tồn tại nhiều bất cập khi nơi thừa, nơi thiếu giáo viên. Qua rà soát trên cả nước, số giáo viên các cấp còn đang thiếu là 87.000 giáo viên. Nhằm khắc phục bất cập này, thời gian qua, Bộ đã thực hiện một số giải pháp bước đầu để cân đối lại nguồn lực, đảm bảo khai thác, phát huy hiệu quả dựa trên nguồn lực sẵn có, như: đào tạo lại để bố trí giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh.

Tuy nhiên, theo tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh chủ trương tinh giản biên chế, ngành giáo dục cũng phải thực hiện tinh giản biên chế theo kế hoạch đề ra. Áp lực từ tinh giản biên chế khiến cho nhiều địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số (hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10% so với năm 2015)... Thậm chí, có địa phương đã cho hàng trăm giáo viên hợp đồng, có thâm niên công tác hàng chục năm phải nghỉ việc, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Giảm biên chế quản lý, tăng biên chế giáo viên

Liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế trong giáo dục, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, chủ trương này cần phải được xem xét thận trọng trước khi triển khai.

Trong khi nhiều địa phương đề nghị cần xem xét tỷ lệ tinh giản giáo viên cho phù hợp, nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM lại đề nghị Chính phủ không thực hiện tinh giản biên chế đối với lĩnh vực giáo dục, bởi số lượng học sinh theo học đang quá tải và thiếu giáo viên đứng lớp trầm trọng.

Thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Nghị quyết tham mưu cho Chính phủ về biên chế giáo viên, bảo đảm hợp lý. Theo đó, lộ trình là giảm cán bộ quản lý và phục vụ, tăng giáo viên ở mức hợp lý.

Trả lời vấn đề này tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là yêu cầu chung của các cơ quan, đơn vị, trong đó có ngành giáo dục. Trong lộ trình thực hiện chủ trương này, ngành cũng phải thực hiện cả ba chỉ tiêu là vừa giảm biên chế, vừa giảm số đơn vị trực thuộc và vừa phải bảo đảm xã hội hóa. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, ngành giáo dục trước mắt phải giảm tỷ lệ số biên chế làm gián tiếp, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp xuống và tăng số biên chế trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy lên đạt 65%. Bên cạnh đó, thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã thông báo cho 63 tỉnh, thành phố thống kê lại tất cả lực lượng giáo viên còn thiếu từ tuyến tỉnh trở xuống để báo cáo thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị là “có người học thì phải có giáo viên đứng lớp”.

Trên tinh thần thực hiện nghiêm chỉ đạo của T.Ư, song quan tâm đến tính đặc thù của giáo dục, mới đây, Bộ Nội vụ vừa chính thức có Công văn đề nghị các địa phương thực hiện xét tuyển đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước. Để thống nhất việc thực hiện chủ trương này, Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có hợp đồng lao động và căn cứ chỉ tiêu giáo viên còn thiếu, để quyết định việc tuyển dụng đặc cách với nhóm đối tượng này theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Với quan điểm luôn lắng nghe và chia sẻ với ngành giáo dục cũng như đội ngũ giáo viên, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt, kịp thời, qua đó giúp tháo gỡ khó khăn cho hàng nghìn giáo viên có thâm niên công tác trên cả nước trước nguy cơ bị cho thôi việc; đồng thời tạo sự yên tâm công tác cho hàng triệu giáo viên trước ngưỡng cửa tinh giản biên chế.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • 75 thầy, cô nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2019
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tối ngày 18/11 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn đã trao tặng giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương lần thứ nhất cho 75 thầy, cô giáo trẻ tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
  • Đầu tư hạ tầng giao thông:  Cần khơi thông nguồn vốn cho các dự án PPP
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong gần một thập kỷ qua, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, khi áp dụng hình thức đầu tư này vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn đang làm nản lòng các nhà đầu tư.
  • Đảm bảo tối đa quyền thụ hưởng an sinh xã hội của lao động di cư
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Lao động di cư đã và đang đóng góp cho sự phát triển của từng quốc gia, vùng lãnh thổ, song cũng đặt ra thách thức đối với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội và bảo đảm quyền lợi cho chính đối tượng lao động này. Tại Việt Nam, việc hỗ trợ lao động di cư trong tham gia vào hệ thống an sinh xã hội đã đạt được những bước tiến quan trọng.
  • Trường nghề phải liên kết với doanh nghiệp để tồn tại và phát triển
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu trường nghề không thể hợp tác với DN, kết quả đào tạo nghề sẽ gây lãng phí lớn cũng như bản thân trường nghề sẽ không thể "sống" được. Đây là lưu ý của Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Quân tại Hội thảo "Thực trạng và giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo DN" diễn ra chiều ngày 15/11, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 15 và 16/11.
  • ​Chùm thơ Ngày Nhà giáo Việt Nam
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Báo điện tử Kiểm toán trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số bài thơ hay của các tác giả Mai Hương, Thanh Huyền, Tổ Công đoàn đào tạo- những cán bộ, công chức KTNN. Chùm thơ là bó hoa tươi thắm tri ân các thầy cô giáo, những người làm công tác đào tạo của KTNN.
Tinh giản biên chế ngành giáo dục: Phải bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp