Sửa đổi Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia: Hướng đến một kỳ thi trung thực, an toàn

(BKTO)- Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, những điều chỉnh trong quy chế thi phần lớn liên quan đến tổ chức thi, chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp… nhằm hướng đến một kỳ thi trung thực, an toàn và thuận tiện nhất cho thí sinh.



Trao đổi với báo chí mới đây, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được duy trì ổn định như năm 2018, nhưng điều chỉnh, bổ sung với một số nhóm giải pháp nhằm khắc phục lỗ hổng, bất cập trong quy định, dẫn đến nảy sinh tiêu cực như trong kỳ thi trước. Mục đích chính, quan trọng nhất của kỳ thi vẫn là dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở cho các trường đại học tuyển sinh.

Bảo quản nghiêm ngặt đề thi, bài thi, có camera giám sát

Theo dự thảo quy chế, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, được khóa và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của Trưởng điểm và Phó Trưởng điểm là người của trường đại học, cao đẳng phối hợp), chìa khóa do Trưởng điểm thi giữ. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong; đồng thời lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong, biên bản phải có đủ họ và tên, chữ ký của Trưởng điểm thi và những người chứng kiến.

Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, thời gian tối thiểu lưu dữ liệu của camera thực hiện theo văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế này; có ít nhất một công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và một cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường đại học, cao đẳng (Phó Trưởng điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi.
                
   

Đảm bảo tính trung thực, an toàn của kỳ thi là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019-Ảnh: Hải Nguyễn

   

Sau khi bàn giao, túi đựng bài thi, phiếu thu bài của từng phòng thi được thư ký của điểm thi cùng hai cán bộ coi thi niêm phong tại chỗ. Nhãn niêm phong (theo mẫu quy định trong văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế này) được dán vào chính giữa tất cả các mép dán của túi đựng bài thi, Phó Trưởng điểm thi của trường đại học, cao đẳng phối hợp ký và ghi rõ họ tên trên nhãn niêm phong, hai cán bộ coi thi ký giáp lai giữa nhãn niêm phong và túi đựng bài thi rồi đóng dấu giáp lai nhãn niêm phong (sử dụng dấu của cơ sở giáo dục nơi đặt điểm thi), dùng băng keo trong suốt dán vòng quanh dọc theo chiều dài mép dán của túi đựng bài thi, đè lên nhãn niêm phong. Thư ký của điểm thi và hai cán bộ coi thi ghi rõ họ tên và ký vào biên bản bàn giao.

Phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi phải an toàn, chắc chắn, phải được khóa và niêm phong, trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của người giữ chìa khóa và thanh tra; chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi do một cán bộ thư ký làm nhiệm vụ tại ban chấm thi (trắc nghiệm, tự luận) giữ, chìa khóa cửa phòng chứa bài thi do Trưởng ban chấm thi (trắc nghiệm, tự luận) giữ; khi đóng, mở phải có sự chứng kiến của công an và thanh tra. Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận phải có các thiết bị phòng chống cháy, nổ; có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, thời gian tối thiểu lưu dữ liệu của camera thực hiện theo văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế này; có công an bảo vệ, giám sát 24 giờ/ngày.

Đáng chú ý, những người tham gia Ban thư ký Hội đồng thi không được tham gia Ban làm phách, Ban chấm thi tự luận, Ban chấm phúc khảo bài thi tự luận.

Quy định chặt chẽ quy trình chấm thi

Về chấm bài thi trắc nghiệm, theo dự thảo, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Sở GD&ĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính; hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn hằng năm của Bộ; phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn cho việc chấm thi trắc nghiệm.
                
   

Những sửa đổi trong quy định tổ chức thi nhằm tạo thuận tiện nhất cho thí sinh và người nhà thí sinh-Ảnh: Lộc Nguyễn

   

Ban chấm thi trắc nghiệm chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia. Thành phần của Ban chấm thi trắc nghiệm gồm: Trưởng ban, Phó trưởng ban chấm thi trắc nghiệm là nhân sự của trường đại học đảm nhiệm. Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm điều hành công tác chấm thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia về thời gian, quy trình và chất lượng chấm thi; có quyền thay đổi hoặc đình chỉ việc chấm thi đối với các thành viên thiếu trách nhiệm, vi phạm quy chế thi hoặc có nhiều sai sót khi thực hiện nhiệm vụ được giao; có trách nhiệm kiểm tra, xác minh khi có bất thường xảy ra theo yêu cầu của Tổ giám sát.

Các tổ chuyên môn của Ban chấm thi trắc nghiệm gồm: Tổ thư ký; Tổ chấm bài thi trắc nghiệm, Tổ giám sát, gồm ít nhất 3 người (1 Tổ trưởng và ít nhất 2 thành viên). Người có người thân dự thi trong năm tổ chức kỳ thi không tham gia Ban chấm thi trắc nghiệm tại địa phương có người thân dự thi... Bộ GD&ĐT thực hiện thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của Ban chấm thi trắc nghiệm theo quy định của quy chế...

Dự thảo Thông tư sẽ được lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 31/3, trước khi Bộ GD&ĐT hoàn thiện và ban hành.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Nâng cao vai trò, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của cơ quan Mặt trận các cấp
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Sáng ngày 22/2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về quy chế giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của hệ thống MTTQ Việt Nam.
  • Đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về công đoàn trong DN
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Đây là đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) tại Hội nghị liên ngành một số nhiệm vụ trọng tâm phối hợp thực hiện trong năm 2019 giữa Tổng LĐLĐVN và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chiều ngày 21/02, tại Hà Nội.
  • Không bỏ sót đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai thực hiện trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó đảm bảo không bỏ sót đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội.
  • Tăng cường đầu tư, xóa phòng học tạm cho trường vùng cao
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Từ nguồn vốn ngân sách T.Ư, ngân sách tỉnh và vốn xã hội hóa, hàng trăm công trình trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được đầu tư xây dựng kiên cố. Song, để xóa bỏ các phòng học tạm cho trường vùng cao, địa phương cần tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư theo hướng đa dạng, hiệu quả hơn nữa.
  • Không để công, tư lẫn lộn trong  liên doanh, liên kết khám, chữa bệnh
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thời gian qua, việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế đã huy động được các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) cho các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động xã hội hóa, liên kết công - tư trong KCB còn bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là sự thiếu công khai, minh bạch, trong khi hành lang pháp lý để kiểm soát hoạt động này còn nhiều lỗ hổng.
Sửa đổi Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia: Hướng đến một kỳ thi trung thực, an toàn