Phát triển trường đại học theo mô hình doanh nghiệp: Khuyến khích nhưng cần thận trọng

(BKTO) - Hàng loạt trường đại học (ĐH) yếu kém được các DN lớn mua lại, chuyển đổi mô hình hoạt động đã mở ra cơ hội để khắc phục tình trạng trì trệ, hoạt động kém hiệu quả của các trường này thời gian qua. Tuy nhiên, việc phát triển trường ĐH theo mô hình DN cũng để lại nhiều băn khoăn đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định để tránh làm méo mó diện mạo giáo dục ĐH.



Hiệu ứng tích cực từ quá trình chuyển đổi

Thời gian gần đây, thông tin về việc một số tập đoàn, DN lớn mua lại Trường ĐH Hoa Sen, ĐH Hồng Bàng, ĐH Gia Định, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu... đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn cũng như những người quan tâm đến giáo dục. Đáng chú ý, ĐH Công nghệ TP. HCM, ĐH Kinh tế - Tài chính TP. HCM, ĐH Yersin... cũng đã trải qua một chặng đường sau khi “đổi chủ” để chuyển đổi hoàn toàn sang một cơ chế vận hành mới được đánh giá là tương đối thành công: cơ chế hoạt động theo mô hình DN. Quá trình mua lại, chuyển đổi này diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục chủ trương giải thể, sáp nhập các trường hoạt động yếu kém, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH theo lộ trình đổi mới.

Thực tế, nhìn vào các trường ĐH đã được mua lại trong thời gian qua, có thể thấy, một số trường đã có sự đầu tư và phát triển tốt hơn. Ví dụ, trước khi được bán, những mâu thuẫn nội bộ khiến Trường ĐH Văn Hiến tuyển sinh rất chật vật. Nhiều năm liền Trường không tuyển đủ chỉ tiêu, toàn bộ cơ sở giảng dạy phải đi thuê, mượn. Khi được chuyển giao chủ sở hữu mới, được chú trọng đầu tư, Trường đã có cơ sở giảng dạy ổn định, tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu.

Tương tự, từ chỗ thuê toàn bộ cơ sở giảng dạy, sau khi được mua lại, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP. HCM đã có cơ sở riêng, tuyển sinh ổn định. Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng cũng đã được đầu tư xây dựng cơ sở mới, sau khi chuyển đổi chủ sở hữu. Trường ĐH Phú Xuân thoát khỏi cảnh nợ lương nhân viên... Nhờ nguồn vốn đầu tư lớn ban đầu, các trường bắt đầu có những điều kiện học tập tốt hơn cho sinh viên, có chiến lược đầu tư dài hạn cho việc tạo ra tên tuổi và thương hiệu, trong đó có việc đầu tư cho các nhóm nghiên cứu để có bài công bố quốc tế.

Thêm vào đó, vì hoạt động trong cơ chế thị trường, theo mô hình DN, các trường này rất nhạy bén với nhu cầu và động lực của thị trường, đồng thời rất thành thạo và chuyên nghiệp trong việc tiếp thị cũng như phục vụ sinh viên. Hiệu ứng tích cực này đã bước đầu được người học đón nhận, giới chuyên gia đánh giá cao.

Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng, khi nhìn nhận các trường ĐH tư thục giống như DN, những trường yếu kém sẽ bị thu tóm bởi những tập đoàn mạnh về vốn và kinh nghiệm quản trị. Như vậy sẽ tốt hơn là để các trường tồn tại nhưng lay lắt, không tuyển sinh nổi, không có nguồn thu, không thể đảm bảo được chất lượng đào tạo.

Tránh thương mại hóa giáo dục

Rõ ràng, những hiệu ứng tích cực từ việc chuyển đổi mô hình hoạt động của nhà trường là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, xem xét vấn đề một cách dài hơi hơn, nhiều chuyên gia cũng băn khoăn khi mô hình hoạt động mới của các trường ĐH vẫn tiềm ẩn những rủi ro.

Chia sẻ về vấn đề này, GS,TS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - lưu ý, cá nhân hay tập đoàn nào sở hữu các trường ĐH không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà điều cần quan tâm là chất lượng. Từ đó, ông nhìn nhận xu hướng DN hóa các trường tư ở Việt Nam có tác động tích cực nhất định trong một chừng mực hợp lý. Nhưng nếu xu hướng đó trở thành tuyệt đối, nó sẽ tạo ra các lỗ hổng khiếm khuyết cho hệ thống. Do vậy, cần phải coi đầu tư giáo dục là loại hình đặc biệt, có sinh lời nhưng phải giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc tái đầu tư của các trường.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, giáo dục là một dịch vụ đặc biệt, vì khách hàng của nó có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình tạo ra giá trị. Vì vậy, khi các trường hành động theo quy luật của thị trường, đặt cán cân thu chi lên trên những cân nhắc về lợi ích công và sứ mệnh thực sự của nhà trường, sẽ xuất hiện hiện tượng được gọi là thương mại hóa giáo dục. “Khi trường muốn giảm chi phí đào tạo, học sinh muốn lấy bằng nhanh, dễ nảy sinh tiêu cực, nếu không được kiểm soát. Lúc đó, tấm bằng ĐH lạm phát trở nên vô giá trị, thị trường giáo dục ĐH trở nên méo mó” - TS. Nguyễn Tùng Lâm phân tích thêm.

Trong khi đó, theo PGS,TS. Nguyễn Ngọc Điện - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP. HCM), xu hướng thương mại hóa giáo dục là khó tránh khi chuyển đổi mô hình quản lý của nhà trường theo hướng thị trường và xu hướng này tồn tại khắp nơi chứ không riêng Việt Nam. Để giáo dục ĐH lành mạnh, hạn chế tình trạng thương mại hóa giáo dục, cần phải có luật về quỹ tín thác liên quan đến tài chính giáo dục. Theo đó, nhà đầu tư không đầu tư trực tiếp vào trường mà đầu tư thông qua một quỹ giáo dục trung gian. “Với mô hình này, nhà đầu tư sẽ không thể trực tiếp can thiệp và chi phối hoạt động của trường như hiện nay. Việc mua bán cũng chỉ là mua bán cổ phần trong quỹ đầu tư chứ không làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường, của người dạy, người học” - TS. Nguyễn Ngọc Điện cho biết.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 29-11-2018
Cùng chuyên mục
  • Xây dựng y tế cơ sở một cách bền vững
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Y tế đang tập trung triển khai thí điểm mô hình trạm y tế (TYT) xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại 26 TYT, tiến tới nhân rộng trên toàn quốc. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế nhằm đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, hướng đến xây dựng y tế cơ sở một cách bền vững, coi y tế xã, phường như một cửa ngõ ban đầu, là nền tảng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
  • Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đó là chủ đề của Tháng Hành động quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 được công bố tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2018 do Bộ Y tế phối hợp với UBND TP. HCM tổ chức sáng 01/12, tại TP. HCM.
  • Khởi động chương trình quốc gia về dự phòng trước phơi nhiễm HIV giai đoạn 2018-2020
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nhân ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS (01/12), ngày 30/11, tại TP.HCM, Bộ Y tế, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức PATH (một tổ chức phi chính phủ toàn cầu về y tế), đã công bố triển khai dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) trên toàn quốc.
  • Khẩn trương triển khai Chương trình Sữa học đường
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến- Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia Chương trình Sữa học đường vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường triển khai Chương trình Sữa học đường.
  • Bổ sung vi chất dinh dưỡng để nâng cao tầm vóc, sức khỏe và trí tuệ
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Vi chất dinh dưỡng là những chất rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể. Thiếu vi chất gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng là việc rất cần thiết cho mọi người, nhất là ở trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc, trí tuệ, sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Phát triển trường đại học theo mô hình doanh nghiệp: Khuyến khích nhưng cần thận trọng