Phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập với quốc tế, tăng năng suất lao động để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động được xác định là giải pháp then chốt để nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang phải đối diện với nhiều thách thức nan giải, từ định kiến xã hội "dốt mới đi học nghề" cho đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, mất cân đối của giáo dục đại học (ĐH)... cộng thêm tác động của đại dịch Covid-19, khiến cho các trường nghề phải tìm mọi cách để tồn tại. Những hỗ trợ cho đào tạo nghề lúc này cũng chính là vì người học - chủ thể thụ hưởng trực tiếp - để người học có hành trang kỹ năng nghề, nâng cao cơ hội việc làm sau đại dịch cũng như trong tương lai; từ đó đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của đất nước.



Bài 1: Trường nghề và cuộc cạnh tranh không cân sức hút người học

Trong bối cảnh trường nghề vốn bị đánh giá là yếu thế trong cuộc đua tuyển dụng người học so với giáo dục ĐH, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 khiến cho những nỗ lực thu hút người học, thay đổi nhìn nhận của người học đối với học nghề càng trở nên khó khăn. Có lẽ chưa bao giờ, GDNN phải đối diện với những thách thức lớn như lúc này.


Khó khăn chồng chất

Nêu định hướng về GDNN trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, phát triển GDNN được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, gắn liền với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Nhằm tạo nền móng tiến tới thực hiện thành công nhiệm vụ này, năm 2021, ngành GDNN đặt mục tiêu tuyển sinh 2,5 triệu người.

Thế nhưng, 6 tháng đầu năm trôi qua, tuyển sinh GDNN cả nước mới chỉ được vỏn vẹn 645 nghìn người, tức là mới chỉ đạt 27,2% kế hoạch năm 2021, trong đó: trình độ trung cấp, cao đẳng là 45.000 người (đạt 7,5% kế hoạch), trình độ sơ cấp và các chương trình GDNN khác là 600.000 người (đạt 34% kế hoạch).

Chỉ nhìn vào con số này cũng đủ thấy khó khăn của GDNN trong việc thực hiện mục tiêu năm 2021 như thế nào. Tại Hội nghị Sơ kết toàn ngành GDNN 6 tháng đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng thẳng thắn nhìn nhận: “GDNN đang gặp khó, rất khó”!
                
   

Đào tạo nghề đóng vai trò ngày càng quan trọng, song các trường lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Ảnh: N.LỘC

   
         
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng: Do thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở GDNN khó tiếp cận với học sinh phổ thông cuối cấp để thực hiện tư vấn hướng nghiệp. Đây cũng không phải là thời điểm tuyển sinh của GDNN (thường diễn ra sau năm học và sau thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) đến tháng 11). Trong khi đó, nguồn hỗ trợ từ ngân sách chưa được phê duyệt; đa số các địa phương chưa tự cân đối ngân sách nên việc bố trí kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề gặp khó khăn...

Hà Nội là một trong những địa phương có truyền thống thu hút lớn người học nghề, thế nhưng, trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở GDNN trên địa bàn cũng chỉ tuyển được chưa đầy 54 nghìn người, đạt gần 24% kế hoạch tuyển sinh năm 2021.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, dịch Covid-19 kéo dài đã làm lỡ hết kế hoạch đặt ra; các giải pháp chỉ giải quyết được phần nào khó khăn, tác động do dịch bệnh mang lại.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) Phạm Quang Vinh cho biết, với lợi thế đặt ở khu vực có nhiều DN hoạt động, nên những năm trước, Trường luôn có nguồn đầu vào dồi dào. Thế nhưng, năm nay, dù rất nỗ lực, song hết tháng 6, Trường mới tuyển được 300 chỉ tiêu, bằng 30% kế hoạch cả năm.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Thị Hằng Nga, khó khăn với trường nghề không chỉ là do dịch bệnh, mà còn là sự cạnh tranh từ các trường ĐH, khi nhiều trường tăng xét tuyển học bạ để "vét" thí sinh. “Đứng trước cơ hội để có bằng ĐH, dù đó là ngành nghề người học chưa từng hình dung đến, song do thiếu tư vấn, định hướng đúng đắn, người học vẫn lựa chọn ĐH mà không lường được hệ quả sau này” - bà Nga cho biết.

Hệ quả đó, theo bà Nga đã được nhiều cơ quan lên tiếng cảnh báo, đó là tình trạng cử nhân thất nghiệp hoặc làm trái ngành, gây lãng phí nguồn lực và làm giảm cơ hội cạnh tranh nghề nghiệp, rộng hơn là cơ hội cạnh tranh của nền kinh tế.

Gỡ vướng từ cơ chế, chính sách

Nhìn lại thực trạng GDNN vừa qua, có thể thấy hiệu quả từ công tác tuyển sinh GDNN là rất đáng lo ngại. Những khó khăn này không chỉ phát sinh trong một vài thời điểm, mà là hệ quả của hàng loạt những tác động kéo dài, phức tạp và không dễ tháo gỡ trong một sớm, một chiều.

Đơn cử như tình trạng các trường ĐH có xu hướng hạ điểm chuẩn để “vét” người học. Dưới góc nhìn của một chuyên gia gắn bó với cả hai lĩnh vực GDNN và giáo dục ĐH, đại biểu Quốc hội Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, rất nhiều trường ĐH đang cố tăng thu để bù lại mức học phí thu thấp (theo quy định) bằng cách tăng quy mô đào tạo. Hệ lụy là chất lượng đào tạo giảm sút. Do đó, đại biểu Lê Quân cho rằng cần dùng chính học phí làm công cụ để điều tiết, phân luồng người học "Ở Mỹ, Úc..., học phí ĐH cao là rào cản với người học. Học phí là công cụ tài chính để phân luồng học sinh vào học nghề" - đại biểu Lê Quân nêu, đồng thời nhấn mạnh: Một hệ thống giáo dục phân tầng là bên cạnh một tỷ lệ vào ĐH, phần lớn học sinh vào học nghề để có việc làm tốt, đáp ứng được thực tế cuộc sống.
                
   

Việc tuyển sinh đầu vào ĐH dễ dãi khiến cho nguồn tuyển sinh vào trường nghề càng gặp khó. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, riêng trường nghề, Bộ LĐ-TB&XH không thể làm được mà cần có cơ chế liên ngành, thậm chí là phải có sự vào cuộc của Chính phủ, hay cấp cao hơn nữa.

Dễ thấy hơn, đó là bất cập, không có tiếng nói chung trong phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ LĐ-TB&XH, hệ quả là có thời điểm, học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS) học trong các cơ sở GDNN không được học văn hóa THPT tại trường nghề - trong khi đây là đối tượng rất quan trọng đối với GDNN.

Điều đáng mừng là những vướng mắc này đang được tháo gỡ. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có công văn đồng ý cho các trường nghề được dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề; đồng thời xây dựng Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT, tạo điều kiện cho các trường trung cấp được giảng dạy văn hóa THPT.

Do đó, một trong những yêu cầu mà ngành GDNN thiết tha đặt ra, đó là Chính phủ sớm có chỉ đạo các Bộ, ngành địaphương đẩy mạnh việc thực hiện hướng nghiệp phân luồng; chỉ đạo Bộ GD&ĐT chia sẻ cơ sở dữ liệu tuyển sinh, tốt nghiệp THCS, THPT, ĐH hàng năm để các cơ sở GD&ĐT và GDNN khai thác, góp phần nâng cao hiệu quảnguồn lực xã hội. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần khẩn trương ban hànhThông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Bên cạnh đó, để khắc phục tác động xấu do dịch bệnh Covid-19 mang lại, ngành GDNN đã chỉ đạo các cơ sở GDNN thay đổi cách thức đào tạo, giảng dạy online cho người học với tinh thần “tạm ngừng đến trường, không ngừng học”. Tuy nhiên, do đặc thù đào tạo gắn liền với thực hành, nên các biện pháp khắc phục của ngành GDNN cũng chỉ giảm thiểu phần nào ảnh hưởng của dịch bệnh.

Một vấn đề rất quan trọng lúc này mà các trường nghề cần sớm được tháo gỡ, đó là đảm bảo nguồn lực tài chính. Trong bối cảnh GDNN đang chịu sức ép mạnh mẽ của giáo dục ĐH, thì các trường nghề, với sự yếu thế và định kiến sẵn có trong xã hội - vẫn phải nặng "cơm áo gạo tiền", không thể tập trung cho đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Chưa kể, nguồn lực tài chính được cấp cho GDNN đang rất chậm trễ, khiến hoạt động GDNN không thể vận hành thông suốt. Do đó, việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho GDNN là yêu cầu cấp thiết được đặt ra và cần tính đến yếu tố đúng, đủ, kịp thời, ít nhất là trong bối cảnh trường nghề chịu nhiều thua thiệt như hiện nay.
NGUYỄN LỘC

Bài 2: Trường nghề chạy đua "nước rút" và những giải pháp sống còn
Cùng chuyên mục
Phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia