Nhiều giải pháp đột phá để nâng “chất” giáo dục đại học

(BKTO) - Theo Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2019-2025 (Đề án) được Chính phủ ban hành mới đây, vấn đề đổi mới đào tạo ở bậc học này đang được đặt ra bức thiết. Trên thực tế, việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học không chỉ nằm ở những mục tiêu của Đề án mà còn được thể hiện trong quyết tâm của Chính phủ, ngành giáo dục và toàn xã hội. Ngay trong năm 2019, những đổi thay ấy có thể nhìn thấy rõ ở công tác tuyển sinh.



Sẽ chấm dứt tình trạng“dạy chay, học chay”

Theo Đề án, một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra là cần gắn kết giữa học tập và thực hành trong quá trình đào tạo. Trước đó, cũng đã có nhiều chương trình, đề án nhằm cải thiện chất lượng GDĐH, song đây là lần đầu tiên, một đề án tổng thể về GDĐH nhằm giải quyết căn cơ những hạn chế ở bậc học này được ban hành với một lộ trình dài.

Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2025, phấn đấu 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra, kể cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Đề án phấn đấu 100% giảng viên ĐH có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến sĩ; 100% cơ sở GDĐH thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó, khoảng 10% được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế. Đáng chú ý, từ chương trình đào tạo giáo viên cho đến chương trình đào tạo sinh viên cũng thuộc diện bắt buộc phải kiểm định trước khi áp dụng.

Việc xác định những mục tiêu này nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác dạy và học thời gian vừa qua. Đó là: tình trạng “dạy chay, học chay” vẫn phổ biến; việc dạy và học nặng về lý thuyết, thiếu thực hành dẫn đến thiếu kỹ năng và cử nhân tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc giảm khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành trong quá trình đào tạo, trong đó có việc thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường ĐH cũng là một giải pháp được kỳ vọng sẽ đem lại những chuyển biến về chất của người học. Tuy nhiên, việc thực hiện điều này đòi hỏi nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối lớn từ các cơ sở GDĐH cũng như từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Liên quan đến vấn đề tăng cường trang bị cơ sở vật chất để thực hiện Đề án, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng các trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại dùng chung cho các trường; thí điểm xây dựng một số làng ĐH quốc tế nhằm thu hút các cơ sở có uy tín của nước ngoài tham gia đào tạo, chia sẻ tài nguyên và hợp tác nghiên cứu khoa học. Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của các cơ sở GDĐH cho DN, cộng đồng và xã hội cũng sẽ được quan tâm đẩy mạnh.

Đổi mới giáo dục đại họctừ khâu tuyển sinh

Cùng với việc đặt ra những mục tiêu quan trọng nêu trên, ngành giáo dục bước đầu có những đổi mới để nâng “chất” GDĐH. Những đổi mới ấy đã được thể hiện qua chủ trương, cách thức tuyển sinh năm 2019 của các trường ĐH.

Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa, Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT), làm cơ sở cho xét tuyển ĐH sẽ diễn ra. Xác định rõ vai trò của khâu tuyển sinh, năm nay, hàng chục trường đã xây dựng phương thức tuyển sinh tiệm cận với các trường tiên tiến trên thế giới để lựa chọn được người học có chất lượng.

Đơn cử, ĐH Quốc gia Hà Nội áp dụng 4 phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức xét tuyển đối với thí sinh có Chứng chỉ quốc tế A-Level; thí sinh có kết quả trong Kỳ thi Chuẩn hóa SAT và thí sinh có Chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương.

Tương tự, ĐH Ngoại thương cũng áp dụng phương thức tuyển sinh xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia...

Theo PGS,TS. Nguyễn Văn Nhã - nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, nhiều năm trước đây, Kỳ thi THPT quốc gia cơ bản mới chỉ kiểm tra kiến thức của thí sinh mà chưa đánh giá khả năng học tập của người học. Mặt khác, do khâu thi cử chỉ tập trung vào đánh giá kiến thức của một số môn nên quá trình đào tạo ở cấp học dưới có xu hướng tập trung vào các môn thi, học lệch, vì vậy, mục tiêu phát triển toàn diện thường không đạt được. Theo đó, yêu cầu đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng tiên tiến, hiện đại trở nên cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng GDĐH.

Xác định Kỳ thi THPT quốc gia đóng vai trò quan trọng, vừa là điều kiện để xét tốt nghiệp THPT, vừa là cơ sở để thí sinh dự thi ĐH nên Bộ GD&ĐT cũng không ngừng đổi mới nhằm nâng cao tính hiệu quả của Kỳ thi. Cụ thể, theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2019, nhiều điểm mới dự kiến được áp dụng. Trong đó, nổi bật là các quy định, như: đối với nhóm ngành nghề liên quan đến sức khỏe, có cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ GD&ĐT sẽ xác định ngưỡng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển; đề thi chủ yếu tập trung ở chương trình lớp 12 và có tính phân loại cao...
         
Theo Bộ GD&ĐT, dự kiến lịch thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra vào các ngày 25 - 26/6. Từ ngày 01 - 20/4, thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi. Ngày 24/6, thí sinh sẽ tập trung tại các điểm thi để làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi.
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 07-3-2019
Cùng chuyên mục
  • Tạo tiền đề tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) vượt chỉ tiêu đề ra, quyền lợi của người tham gia BHYT tiếp tục được mở rộng và đảm bảo; chi phí khám, chữa bệnh BHYT được kiểm soát chặt chẽ và ngày càng hiệu quả… là những thành công lớn trong thực hiện chính sách BHYT. Đây là cơ sở vững chắc để Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu BHYT toàn dân.
  • Phát động nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao năm 2019
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) đã phối hợp với Cổng Thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB.
  • Hai tháng đầu năm, số nhân khẩu thiếu đói giảm 34%
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tổng Cục Thống kê cho biết, trong tháng 2/2019, cả nước có 21.200 hộ thiếu đói, tương ứng với 78.700 nhân khẩu thiếu đói.
  • Những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 8/3, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Hỗ trợ kỹ thuật hướng tới Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS bền vững (SHIFT) tổ chức sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm y tế”.
  • Hội Báo toàn quốc 2019 sẽ diễn ra từ ngày 15- 17/3
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chiều 7/3, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Họp báo Hội báo toàn quốc năm 2019 với chủ đề “Báo chí Việt Nam đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân”. Ông Hoàng Vĩnh Bảo- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì họp báo.
Nhiều giải pháp đột phá để nâng “chất” giáo dục đại học