Ngành giáo dục nghề nghiệp vượt khó trong dịch bệnh

(BKTO) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, song lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vẫn đạt được một số kết quả tiến bộ, phản ánh những nỗ lực hiệu quả của toàn hệ thống GDNN.



Đây là thông tin được Tổng cục GDNN cho biết tại Hội nghị trực tuyến giao ban mở rộng với một số Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và cơ sở GDNN ngày 4/6.
                
   

Hội nghị của Tổng cục GDNN với các Sở LĐ-TB&XH, các cơ sở GDNN được tổ chức bằng hình thức trực tuyến để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Thanh Trung

   

Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo báo cáo do Chánh Văn phòng Tổng cục GDNN Nguyễn Hải Cường trình bày, trong 5 tháng đầu năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 song lĩnh vực GDNN cũng đã đạt được một số kết quả tiến bộ phản ánh những nỗ lực hiệu quả của toàn hệ thống GDNN.

Toàn ngành đã thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất giúp lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chỉ đạo, điều hành đổi mới và phát triển GDNN, xử lý những vấn đề quan trọng, phát sinh. Chủ động làm việc, hướng dẫn các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển GDNN và nhân lực có kỹ năng nghề; yêu cầu các địa phương triển khai nghiêm túc kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Thông báo số 76/TB-VPCP ngày 8/4/2021 của Văn phòng Chính phủ về giảng dạy văn hóa trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trong các cơ sở GDNN theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.

Về phòng chống dịch Covid-19, thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, các Bộ, ngành chức năng, Tổng cục đã kịp thời chỉ đạo các cơ sở GDNN trên cả nước quán triệt, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến học sinh, sinh viên, cán bộ, nhà giáo và người lao động; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; các cơ sở GDNN tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động dạy và học, xây dựng môi trường học tập an toàn; đồng thời đảm bảo các điều kiện phòng, chống Covid-19 cho học sinh, sinh viên GDNN khi đi học trở lại.
                
   

Ngành GDNN vẫn vượt khó để hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ đặt ra. Ảnh: N.Lộc

   

Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ LĐ-TB&XH) làm việc với Bộ Nội vụ để bảo vệ mô hình Tổng cục GDNN thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Đồng thời, đề nghị các địa phương bảo đảm mô hình tổ chức Phòng GDNN thuộc Sở LĐ-TB&XH để thực hiện thông suốt nhiệm vụ tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước về GDNN từ Trung ương đến địa phương. Tổ chức rà soát, sáp nhập, giải thể cơ sở GDNN công lập để giảm đầu mối, tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng cơ sở GDNN và đã tham mưu trình ban hành 41 Quyết định sáp nhập các cơ sở GDNN vào trường cao đẳng của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 4 Bộ, ngành theo thẩm quyền.

Tổng cục GDNN cũng chú trọng đổi mới công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19; tham mưu trình Bộ LĐ- TB&XH ban hành Kế hoạch truyền thông GDNN năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025; hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.

Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện đề xuất chương trình mục tiêu, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, năm 2021 trong lĩnh vực GDNN thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình đầu tư công. Đánh giá, điều chỉnh bổ sung danh mục ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm của các địa phương theo hướng các ngành, nghề đề xuất là các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, cạnh tranh quốc gia trong xu thế hội nhập hiện nay và dự báo nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn tới.

Trong đó, ưu tiên các ngành, nghề phục vụ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; các ngành, nghề phục vụ nông nghiệp công nghệ cao; ngành, nghề xanh gắn với phát triển bền vững (tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm). Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát đánh giá thực trạng khai thác, sử dụng các hạng mục công trình, trang thiết bị đã được đầu tư để có phương án sắp xếp, bố trí lại, điều chuyển, hoặc đầu tư đồng bộ nhằm khai thác có hiệu quả.

Về kế hoạch triển khai nhiệm vụ trong các tháng tiếp theo, theo Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng, lĩnh vực GDNN cần nỗ lực phấn đấu, kiên trì các mục tiêu; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án để bảo đảm tiến độ, tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật về GDNN. Tập trung, ưu tiên Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án “Thí điểm thành lập Trung tâm thực hành theo vùng”. Bám sát các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT để thúc đẩy tiến độ ban hành Thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng.

Hoàn thiện Báo cáo tổng kết Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trình Ban Chỉ đạo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn” theo nhiệm vụ được giao./.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Ngành giáo dục nghề nghiệp vượt khó trong dịch bệnh