Kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2018): Nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

(BKTO) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29), những kết quả đổi mới bước đầu của ngành giáo dục cả nước đã được người dân ghi nhận, xã hội đánh giá tích cực.




Đổi mới GD&ĐT bước đầu mang lại kết quả tích cực - Ảnh: LAN ANH

Những tín hiệu khả quan

Dẫn kết quả nghiên cứu, khảo sát đánh giá về quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo Nghị quyết 29 do nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội thực hiện, PGS,TS. Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho biết: Sau 5 năm thực hiện, dưới sự nỗ lực triển khai của toàn Đảng, toàn dân, Bộ GD&ĐT cùng tất cả các Bộ, ngành, địa phương, GD&ĐT của nước ta đã thực sự có nhiều chuyển biến.

Đại diện nhóm nghiên cứu về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, PGS,TS. Nguyễn Chí Thành (Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho biết, trong 5 năm triển khai Nghị quyết 29, chính sách được ban hành đã có những chuyển biến, đổi mới theo hướng chuyển dần từ mục tiêu giáo dục tăng cường kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, chất lượng giáo dục phổ thông, ở một góc độ nào đó, được đánh giá tiệm cận chuẩn thế giới.

Trong khi đó, công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo GS,TS. Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), việc đánh giá khả năng vận dụng, vận dụng bậc cao thay vì chỉ đánh giá kiến thức, kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng, nhấn mạnh định tính trong đánh giá quá trình đã được áp dụng… Định hướng về thi trung học phổ thông và tuyển sinh đại học bước đầu triển khai có hiệu quả, kỳ thi đã đánh giá toàn diện, giảm áp lực xã hội, hình thức thi có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam…

Đáng chú ý, vấn đề tự chủ đại học đã có bước chuyển biến mạnh mẽ sau khi triển khai Nghị quyết 29. TS. Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết, đến nay, tự chủ đại học trở thành nhu cầu tự thân của trường đại học, được xem là chìa khóa nâng cao chất luợng đào tạo và chất lượng đầu ra, việc làm cho sinh viên; nhiều trường đại học đã cải thiện xếp hạng trong khu vực và thế giới… Trong đó, lần đầu tiên Việt Nam có 2 đại học vào danh sách top 1.000 trường thế giới là ĐHQH Hà Nội và ĐHQG TP. HCM. “Trước Nghị quyết 29, quyền tự chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học còn bị hạn chế; hoạt động của cơ sở giáo dục đại học vẫn nặng tính hành chính hóa, thiếu tính chủ động, sáng tạo. Đến nay, tự chủ toàn diện được thúc đẩy do thể chế hóa được nhiều chính sách nhằm tăng cường quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học” - TS. Nghiêm Xuân Huy cho biết.

Năm học “bản lề” trong lộ trình đổi mới

Trả lời báo chí trước thềm năm học 2018-2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đây là năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết 29 và là năm học có tính chất “bản lề” trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Theo đó, toàn ngành sẽ chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng, đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình mới) theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Bộ trưởng cho rằng, công tác chuẩn bị này có ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của việc triển khai Chương trình mới dự kiến áp dụng trong năm học 2019-2020, bắt đầu từ lớp 1. Đây là một nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi toàn ngành GD&ĐT phải tập trung toàn bộ nguồn lực, nỗ lực để ưu tiên thực hiện.

Bên cạnh nhiệm vụ lớn đó, năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT sẽ triển khai nhiều hoạt động: rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD&ĐT; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học này. “Bộ đã ban hành Thông tư về chuẩn giáo viên, đây là bước tiến rất lớn nhằm tránh tình trạng một số địa phương nói thừa chuẩn, vượt chuẩn nhưng chuẩn đó chưa phản ánh đúng yêu cầu thực hiện đổi mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực” - ông Nhạ cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, được ban hành năm 2013, Nghị quyết 29 đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các nội dung đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, sau đó được Chính phủ cụ thể hoá thành các chương trình hành động. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đã nảy sinh một số hạn chế, bất cập trong nhận thức, chính sách lẫn hành động. Cùng với việc nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục hạn chế, bất cập nảy sinh, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh phương thức triển khai phù hợp, tạo sự đồng thuận và chia sẻ của toàn xã hội.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15-11-2018
Cùng chuyên mục
Kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2018): Nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo