Hướng đến nền giáo dục lành mạnh, văn minh…!

(BKTO) - Là lĩnh vực nhạy cảm và quan trọng, giáo dục luôn được cập nhật các thông tin một cách đầy đủ, sâu sắc, toàn diện ở nhiều góc độ.




Giờ học của cô và trò Trường THPT Mê Linh - Ảnh: Công Hùng
Đã có nhiều con số, dẫn chiếu thực tế về thành tựu của giáo dục nước nhà trong những năm qua. Nhiều tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế đã thẩm định, tham chiếu để có nhận xét khách quan về giáo dục Việt Nam sau nhiều năm đổi mới. Đảng, Nhà nước ta thường xuyên chăm lo cho công tác giáo dục và đào tạo thông qua việc ban hành Luật Giáo dục và các nghị quyết, chỉ thị về lĩnh vực này. Nhiều nội dung đổi mới, cải cách giáo dục đã mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng không ít thầy trò đã trở thành tấm gương sáng trong công tác giảng dạy, học tập cũng như quản lý giáo dục. Nghị lực vượt khó để đạt kết quả học tập của nhiều em học sinh, sự dấn thân cho sự nghiệp trồng người của không ít thầy cô thật đáng khâm phục! Tại nhiều kỳ thi quốc tế ở các môn học, học sinh Việt Nam luôn đạt thứ hạng cao, đây là niềm tự hào cho đất nước. Điều đó cho thấy chất lượng giáo dục đang từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương sáng, những thành tựu đạt được trong công tác giảng dạy, học tập, lĩnh vực giáo dục vẫn còn nhiều điều khiến dư luận xã hội quan tâm, trăn trở. Chưa khi nào và chưa bao giờ câu chuyện giáo dục lại được bàn thảo nhiều ở các diễn đàn đến vậy. Những băn khoăn, trăn trở, thắc mắc chưa có lời giải đáp thỏa đáng nằm ở chuyện thiếu thợ, thừa thầy; nơi thừa, nơi thiếu giáo viên; chuyện tuyển dụng và sa thải giáo viên; chất lượng tuyển sinh; thiếu sách giáo khoa đầu năm học mới; liên tục thay đổi nội dung sách giáo khoa; nạn dạy thêm, học thêm, chạy trường, lớp; bạo lực học đường; mối quan hệ thầy trò và đạo đức giáo dục; những lùm xùm quanh câu chuyện phong học hàm… Tiếc thay, không ít chuyện tiêu cực kéo dài năm này qua năm khác vẫn chưa được hóa giải một cách triệt để.

Giáo dục không phải là sự nghiệp của riêng ngành giáo dục và đào tạo mà là của cả dân tộc và cộng đồng xã hội. Vậy nên, nhằm góp phần giải quyết những tiêu cực trong giáo dục, phát huy những giá trị tốt đẹp, mỗi người hãy cùng chung tay, góp sức hiến kế bằng trí tuệ và hành động để dựng xây nền giáo dục nước nhà tiến bộ vững chắc.

Hành trình hướng tới nền giáo dục tiến bộ ấy sẽ không ít nhọc nhằn, chông gai, đòi hỏi sự dấn thân và hy sinh bởi lý tưởng cao đẹp. Trong hành trình ấy, thầy cô phải là tấm gương sáng để học trò noi theo; còn học trò phải tôn trọng triết lý muôn đời: "không thầy đố mày làm nên"; "nhất tự vi sư, bán tự vi sư".

Cuộc sống không có gì được tuyệt đối hóa, song cũng cần tránh bao biện, né tránh sự thật. Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, những người làm công tác giáo dục cần nhìn thẳng vào sự thật, thậm chí chấp nhận mất mát, hy sinh để xây dựng nền giáo dục văn minh, lành mạnh, một môi trường giáo dục mà ở đó luôn giữ vững hình ảnh: “thầy ra thầy, trò ra trò”.

Thực tế, mặt trái của cơ chế thị trường đã ít nhiều tác động vào giáo dục, làm nảy sinh những yếu kém, tiêu cực trong lĩnh vực này. So với thời bao cấp, thời đất nước còn chiến tranh, hình ảnh thầy, cô ngày nay cũng phần nào thay đổi trong mắt học trò và phụ huynh. Ngược lại, học trò cũng vậy, hành vi thiếu "tôn sư trọng đạo" không còn là cá biệt.

Mặc dù vậy, với tôi, lớp thầy cô của thế kỷ trước mãi mãi là vốn quý cuộc đời. Họ sống thật giản dị, khiêm nhường và đã góp phần dạy dỗ chúng tôi nên người. Nhớ lại thời đã qua, chúng tôi luôn tự hào, hãnh diện về họ. Hình ảnh thầy, cô trên bục giảng giản dị, trong sáng, đẹp rực rỡ trong sự thiếu thốn vật chất nhưng thừa nhiệt huyết và tình thương yêu bởi ngọn lửa nghề luôn bỏng cháy vẫn in đậm trong tâm trí chúng tôi. Tôi xin dành lời bài hát “Bụi phấn” của nhạc sĩ Vũ Hoàng để bày tỏ tấm lòng biết ơn thầy, cô của tôi cũng như nhiều thế hệ học trò: “Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi/Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng/Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy...”!

VĂN HÙNG
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15-11-2018
Cùng chuyên mục
Hướng đến nền giáo dục lành mạnh, văn minh…!