Góp ý kiến về Chương trình giáo dục mầm non sau năm 2020

(BKTO) - Ngày 24/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức Hội thảo trực tuyến đề xuất quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) sau năm 2020 với sự tham dự của các chuyên gia trong và ngoài nước.



Theo kế hoạch, năm 2024 Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Chương trình GDMN mới. Bộ GD&ĐT đang tổ chức các hội thảo, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, địa phương và đơn vị liên quan để có những định hướng xây dựng Chương trình GDMN mới phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của thế giới.
                
   

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Moet.gov.vn

   

Hội thảo đã nghe báo cáo kết quả tổng hợp đóng góp ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, đánh giá về thực trạng thực hiện Chương trình GDMN hiện hành, trong đó thể hiện rõ quan điểm và đề xuất xây dựng Chương trình GDMN mới sau năm 2020.

Các chuyên gia đã đóng góp ý kiến về Chương trình GDMN hiện hành và đề xuất quan điểm xây dựng Chương trình GDMN mới sau năm 2020, có tham chiếu chương trình ở một số quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

PGS,TS. Nguyễn Bá Minh -Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản quy định, quy chuẩn và chính sách nhằm phát triển GDMN và các điều kiện thực hiện Chương trình. Bộ GD&ĐT cũng tổ chức tập huấn hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện nhiều chuyên đề hỗ trợ các cơ sở GDMN nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng lộ trình: Năm 2013-2015, thực hiện chuyên đề về phát triển vận động cho trẻ; năm 2015-2020 thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Do đó, Chương trình GDMN mới phải thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, với phương châm giáo dục “trẻ chơi mà học, học bằng chơi”. Chương trình đảm bảo tính liên thông giữa các độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, liên thông giữa chương trình GDMN và giáo dục phổ thông.
                
   

Chương trình GDMN phải thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, lấy trẻ làm trung tâm, với phương châm “trẻ chơi mà học, học bằng chơi”. Ảnh: N.LỘC

   

Chương trình GDMN mới sau năm 2020mang tính chất khung quốc gia, mang tính mở, trao quyền chủ động cho các địa phương và các cơ sở GDMN tự chủ trong phát triển. Trên cơ sở Chương trình khung Quốc gia, các cơ sở GDMN phát triển chương trình giáo dục phù hợp với thực tế của nhà trường, văn hóa địa phương, nhu cầu và khả năng của trẻ.

Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện Chương trình GDMN 10 năm qua đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng GDMN. Tuy nhiên, các cơ sở GDMN còn gặp không ít khó khăn trong thực hiện. Từ đó đặt ra những yêu cầu phải có cách tiếp cận và quan điểm mới để có điều chỉnh phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Góp ý kiến về Chương trình giáo dục mầm non sau năm 2020