Đổi mới công tác tuyển sinh, cam kết việc làm với người học - "cứu cánh" của trường nghề

(BKTO) - Trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp đang chịu nhiều thách thức từ dịch bệnh, cũng như áp lực tuyển sinh từ các trường đại học, việc đổi mới công tác tuyển sinh và thực hiện cam kết việc làm với người học đóng vai trò quan trọng để thu hút nguồn tuyển sinh. TS. Phạm Xuân Khánh – Phụ trách Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội - một trong những cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao, uy tín của cả nước - đã chia sẻ kinh nghiệm của Trường về vấn đề này, trong bối cảnh các trường nghề đang vào mùa tuyển sinh.



Ông đánh giá thế nào về những khó khăn của giáo dục nghề nghiệp hiện nay, đặc biệt là trong công tác tuyển sinh?

Khó khăn thứ nhất và lớn nhất có thể thấy, đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay, đại dịch đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cả hệ thống giáo dục trong đó có giáo dục nghề nghiệp. Hàng loạt trường học phải đóng cửa, dừng hoạt động hoặc phải thay đổi mô hình, hình thức hoạt động do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nhiều sinh viên rời khỏi trường hoặc không thể đến trường do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, do lo lắng về sự an toàn về sức khoẻ… Và đặc biệt là khó đảm bảo được chất lượng đào tạo bởi đặc thù của dạy nghề có khoảng 70% thời gian học là học thực hành, rèn luyện tay nghề. Nhiều DN không nhận hoặc không thể tiếp nhận sinh viên sau tốt nghiệp cũng như đi thực hành, thực tập tại DN.
                
   

Do dịch bệnh, các trường nghề phải đóng cửa và không thể giảng dạy cho sinh viên thực hành như bình thường. Ảnh: N.LỘC

   

Khó khăn thứ hai vốn kéo dài từ lâu, đó là tác động từ sự cạnh tranh trong tuyển sinh. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đã giảm độ khó của đề thi cho thí sinh; đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tăng số lượng trường đại học xét tuyển học bạ, tăng chỉ tiêu tuyển sinh đồng nghĩa với thí sinh trúng tuyển vào đại học dễ dàng hơn. Thời gian xét tuyển đại học dự kiến kéo dài hết năm 2021 cũng ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường nghề, nhất là khi thí sinh có tâm lý trượt đại học, không vào được trường nào mới nghĩ đến học nghề.

Trong bối cảnh trường nghề tuyển sinh khó khăn như hiện nay, Nhà trường đã có đổi mới ra sao đối với công tác này, thưa ông?

Dù gặp nhiều khó khăn như trên, Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội vẫn quyết tâm tuyển sinh đạt kế hoạch đề ra. Với phương châm “Tuyển sinh là tuyển dụng”, Hiệu trưởng và trưởng khoa chuyên môn ký hợp đồng đào tạo và cam kết việc làm cho sinh viên với từng phụ huynh, sinh viên ngay từ khi vào nhập học.

Nhà trường thực hiện nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra. Theo đó, ngay từ sớm, Trường đã xây dựng kế hoạch, các phương án, phương thức tuyển sinh 2021 rất linh động, mở… thuận tiện cho học sinh, phụ huynh đăng kí. Mọi phương thức đăng kí, tư vấn, giải đáp, gửi thông tin cho học sinh, kết nối với học sinh được được thực hiện online với phương châm nhanh, gọn, linh hoạt và đảm bảo quy định.

Bên cạnh đó, Trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tuyển sinh bằng nhiều hình thức khác nhau, như giới thiệu về các thành tích; hoạt động nhà trường; các gương mặt sinh viên tiêu biểu đạt thành tích cao trong học tập, thi tay nghề Quốc gia, ASEAN và thế giới; giáo viên của nhà trường cũng trực tiếp tham gia vào công tác tuyển sinh với nhiều hình thức để lan tỏa sâu rộng đến người học.

Đặc biệt, Trường đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh. Nhà trường thiết lập chuyên trang tuyển sinh trên website của Trường, fanpage, zalo,... để truyền thông, tư vấn tuyển sinh online nhằm tiếp cận với nhiều đối tượng; bổ sung những công cụ hỗ trợ trực tuyến trên website, tổng đài hotline và cử cán bộ tư vấn tuyển sinh thường xuyên theo dõi, tư vấn và giải đáp thông tin tuyển sinh cho thí sinh, hỗ trợ đăng ký dự tuyển.

Ngoài ra, Trường đã thực hiện những giải pháp gì để tăng thêm sức hút với người học, thưa ông?

Bên cạnh các giải pháp tuyển sinh nêu trên thì Nhà trường cũng thường xuyên đánh giá nhu cầu xã hội, thị trường việc làm để mở các ngành nghề mới; áp dụng triệt để, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và đặc biệt là giải quyết tốt việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, tạo dựng được uy tín thương hiệu HHT (viết tắt tên Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội) là giải pháp quyết định cho thành công của Nhà trường.
                
   

Cam kết việc làm cho sinh viên, hợp tác với DN để đào tạo là sức hút với người học đến học nghề. Ảnh: Phạm Khánh

   

Một trong những giải pháp đột phá và đã trở thành thương hiệu của Trường trong suốt nhiều năm qua, đó là Trường không ngừng tạo dựng, phát triển quan hệ hợp tác với các DN để hỗ trợ người học trong quá trình thực hành, cũng như giải quyết việc làm. Theo đó, Trường hiện đang duy trì hợp tác với các DN như: Tập đoàn Hanwha, Công ty Carhome, Agrimeco, Daikin, Công ty Thang máy Gama Lift... Các DN này đều ký hợp đồng với Trường có cơ chế chính sách học bổng, tài trợ kinh phí học tập, sinh hoạt. Không chỉ ký hợp đồng làm việc với sinh viên sau khi tốt nghiệp mà nhiều DN ký hợp đồng với sinh viên ngay từ khi nhập học.

Chính vì vậy, trong nhiều năm qua Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội luôn tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra. Riêng năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Trường vẫn tuyển sinh đạt gần 90%. Quyết tâm vượt qua những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội - cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang nỗ lực, quyết tâm cùng hệ thống giáo dục nghề nghiệp hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch công tác tuyển sinh năm 2021.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Đổi mới công tác tuyển sinh, cam kết việc làm với người học - "cứu cánh" của trường nghề