Doanh nghiệp chưa mặn mà với giáo dục nghề nghiệp

(BKTO) - Công tác đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thị trường, DN chưa mặn mà trong việc tham gia đào tạo lao động… là những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo “Lợi ích của các bên khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN)” do Tổng Cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức sáng nay, ngày 6/9, tại Hà Nội.




Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Đặng Hồng Minh cho rằng, trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác GDNN buộc phải chuyển mình để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, trong đó, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao là yêu cầu được đặt ra hàng đầu. "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, không chỉ có GDNN mà cần sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là DN" - ông Minh nói.

Theo ông Minh, gắn kết DN hợp tác với cơ sở GDNN là một yếu tố quyết định đến chất lượng lao động sau khi tốt nghiệp. Nguồn lao động chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của DN, từ đó nâng cao năng suất lao động cho DN. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới đều thực hiện rộng rãi.
                
   

Quang cảnh Hội thảo -Ảnh: Nguyễn Lộc

   

Theo bà Joanna Wood - Tham tán Giáo dục và Khoa học, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, kinh nghiệm phát triển GDNN tại Australia là thu hút sự tham gia của DN. Việc thay đổi nhận thức về giáo dục nghề nghiệp mất rất nhiều thời gian. Australia có một tổ công tác chuyên về truyền thông lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề để quảng bá lợi ích, vị thế của đào tạo nghề đến các DN.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, hoạt động GDNN hiện nay vẫn còn thiếu hình ảnh của DN. Một trong những nguyên nhân được đưa ra do DN chưa nắm được chính sách và tham gia vào GDNN, nhiều nơi việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu. Theo TS. Vũ Xuân Hùng -Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN)cho biết, DN hiện nay không mấy mặn mà với việc GDNN, không tham gia vào quá trình soạn chương trình khiến đào tạo không khớp với nhu cầu. Mối quan hệ giữa hai bên chủ yếu vẫn dừng lại ở việc đưa sinh viên đi thực tập ở DN.

Theo TS. Hùng, cách làm thông thường của DN là cứ lấy người lao động về, nếu được qua đào tạo nghề thì càng tốt, không thì thôi. “Thậm chí, bây giờ rất nhiều DN FDI tuyển thẳng từ lao động phổ thông, sau đó họ đào tạo một thời gian ngắn để đáp ứng yêu cầu của họ. Đương nhiên là không thể đáp ứng được yêu cầu mong muốn, nhưng có rất nhiều lý do để họ lựa chọn phương án đó” - TS. Hùng cho biết.

Để khắc phục những bất cập trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đổi mới và tăng cường công tác quản lý Nhà nước để định hướng, khuyến khích và hỗ trợ sự gắn kết bền vững giữa nhà trường và DN. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải hệ thống lại các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề để phù hợp với yêu cầu của DN; đặt ra khung quản lý và cơ chế tham vấn cần thiết để đảm bảo một hệ thống bền vững. Ngoài ra,để thúc đẩy mối quan hệ gắn kết giữa các cơ sở GDNN, các trường đang cần thêm hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo nhân lực.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp chưa mặn mà với giáo dục nghề nghiệp