Để chính sách học bổng đến gần hơn với học trò nghèo

(BKTO) - Cùng với chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ vay vốn học tập; chính sách học bổng đang tạo nguồn hỗ trợ tài chính ý nghĩa cho sinh viên nghèo vượt khó. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng như qua kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều hạn chế trong việc thực hiện chính sách này.



Nhiều trường không thực hiện trích lập quỹ học bổng

Việc lập quỹ học bổng chính sách là yêu cầu bắt buộc đối với cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp nhằm khuyến khích sinh viên, học viên có thành tích trong học tập, sinh viên nghèo vượt khó... Hiện nay, chính sách học bổng cho học sinh, sinh viên được thực hiện theo Thông tư số 31/2013/TT-BGDĐT (Thông tư 31) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Thực hiện chính sách do Nhà nước ban hành, thời gian qua, nhiều trường đã nỗ lực duy trì nguồn kinh phí theo quy định để tạo quỹ học bổng, đồng thời tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ để hỗ trợ cho sinh viên. Đơn cử, nhằm tạo điều kiện cho những sinh viên hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập tại Trường cũng như khuyến khích những sinh viên tài năng phát triển năng lực cá nhân, từ năm học 2017-2018, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng chính sách học bổng mới, mở rộng cơ hội nhận học bổng cho sinh viên. Theo đó, Trường áp dụng Quỹ Học bổng khuyến khích tài năng, Quỹ Học bổng hỗ trợ học tập và Quỹ Hỗ trợ khó khăn, rủi ro đột xuất cho sinh viên đang theo học. Các quỹ học bổng và hỗ trợ tài chính này được hình thành từ kinh phí của Trường và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, DN. Giá trị học bổng có mức tối thiểu bằng 50% học phí và tối đa lên đến 150% học phí. Còn tại Đại học Hà Nội, mỗi năm, Trường thường dành trên 10 tỷ đồng cho cho chính sách học bổng. Đối tượng tiếp cận học bổng khá rộng rãi, từ sinh viên tài năng đến trường hợp chính sách... Giá trị các mức học bổng tối thiểu bằng mức học phí năm học của ngành học.

Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở giáo dục thực hiện tốt chính sách học bổng, nhiều cơ sở chưa thực sự quan tâm đến chính sách này. Cụ thể, kết quả thực hiện kiểm toán năm 2018 đối với các cơ sở giáo dục thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, nhiều trường chưa trích lập quỹ học bổng mà chi trực tiếp từ nguồn học phí; một số đơn vị chi quỹ học bổng chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 8% theo quy định (Trường Đại học Văn hóa TP. HCM, Trường Cao đẳng Nghề du lịch Đà Lạt 4%, Trường Cao đẳng Nghề du lịch Cần Thơ 3%). Tình trạng này cũng xảy ra phổ biến tại nhiều cơ sở giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT. Qua kiểm toán năm 2018 tại một số cơ sở giáo dục, KTNN đã phát hiện tổng số học bổng chi thiếu là hơn 42 tỷ đồng.

Đảm bảo tính nhân văn của chính sách

Trong khi thực tiễn triển khai chính sách học bổng còn bất cập, nhiều ý kiến cũng cho rằng một số quy định của chính sách này đang thể hiện sự cứng nhắc, không phù hợp với thực tế. Những hạn chế này đang góp phần làm giảm hiệu lực, hiệu quả cũng như tính nhân văn của chính sách.

Theo Quyết định số 44/2007/QĐ-BGDĐT về học bổng khuyến khích học sinh, sinh viên, quỹ học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 15% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với các trường công lập và tối thiểu bằng 5% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, theo Thông tư 31, quỹ học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với các trường công lập và tối thiểu bằng 2% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với các trường ngoài công lập. Như vậy, quy định này đã làm giảm cơ hội được nhận học bổng của sinh viên, khi nguồn kinh phí bố trí cho học bổng bị bó hẹp lại. “Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều trường chưa thực sự quan tâm đến quỹ học bổng, nên việc giảm nguồn kinh phí trích lập quỹ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người học” - một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nhận định.

Một số ý kiến cũng cho rằng, xu hướng các trường đang tiến đến tự chủ nên việc quy định chính sách học bổng đòi hỏi phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu tuyển sinh, thu hút người học tài năng. Bên cạnh đó, mức kinh phí của học bổng đang có sự chênh lệch so với mức học phí đóng, dẫn đến không thu hút được người học tham gia.

Nhận thấy những bất cập này, Bộ GD&ĐT đang xây dựng, lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định về học bổng chính sách, hỗ trợ chi phí học tập và các chính sách hỗ trợ khác đối với học sinh, sinh viên. Góp ý cho Dự thảo này, đại diện Trường Đại học Xây dựng cho rằng, cần nâng trị giá học bổng chính sách lên bằng mức lương cơ sở. Ngoài ra, Bộ cũng cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với các cơ sở không thực hiện trích lập quỹ học bổng chính sách theo quy định.

PGS,TS. Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đề xuất: “Nên phân định rõ việc khen thưởng với việc cấp học bổng. Khen thưởng thì dành cho đối tượng tài năng, diện này thì ít thôi và không nhất thiết phải nhiều tiền, mà chỉ cần hình thức vinh danh. Còn học bổng nên là một khoản hỗ trợ, dành cho những người thực sự cần và phải đủ nhiều để hỗ người học, không chỉ để đóng học phí mà còn hỗ trợ sinh hoạt”.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 29 ra ngày 18-7-2019
Cùng chuyên mục
  • Tháo gỡ bất cập về giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ là một trong những thành công nổi bật trong thực hiện chủ trương đổi mới tài chính của ngành y tế. Tuy nhiên, các quy định về giá dịch vụ y tế hiện nay còn không ít bất cập ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh cũng như hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh.
  • Sáu tháng đầu năm, doanh thu du lịch đạt 338 nghìn tỷ đồng
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 8,4 triệu lượt khách (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018); phục vụ 45,5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 22,9 triệu lượt khách lưu trú; tổng thu từ khách du lịch đạt 338 nghìn tỷ đồng (tăng 8,4%) so với cùng kỳ năm 2018.
  • Gần 780 nghìn lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tại cuộc họp báo thông tin về việc thực hiện chính sách lao động, người có công trong 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra ngày 2/7, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết đã giải quyết việc làm cho trên 780 nghìn người lao động (bằng 99% so với cùng kỳ năm 2018).
  • Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo năm 2019
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tại buổi họp báo thông tin về thực hiện chính sách lao động, xã hội 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra ngày 02/7, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã thông tin về Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo năm 2019.
  • Tổ chức Cuộc thi “Viết về Bảo hiểm xã hội,  Bảo hiểm y tế”
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nhằm phát hiện, biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) có nhiều đóng góp đối với việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT); đồng thời, khẳng định vị thế quan trọng của chính sách BHXH, BHYT là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, BHXH Việt Nam tổ chức Cuộc thi "Viết về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế".
Để chính sách học bổng đến gần hơn với học trò nghèo