Đào tạo trực tuyến: Cần sự đầu tư bài bản để đảm bảo chất lượng

(BKTO) - Những năm gần đây, hình thức đào tạo trực tuyến đã được một số trường đại học ở Việt Nam triển khai với quy mô ngày càng tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, hoạt động đào tạo trực tuyến vẫn còn nhiều khiếm khuyết, cần phải có sự đầu tư bài bản và một giải pháp tổng thể.




Giáo viên dạy học qua truyền hình. Ảnh tư liệu

Nhiều cơ hội nhưng cũng lắmthách thức

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo trực tuyến đã và đang đem cơ hội mở rộng tri thức tới đại đa số học viên với chi phí thấp, hiệu quả cao. Hình thức này cho phép hoạt động đào tạo diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, truyền đạt kiến thức theo yêu cầu, thông tin được đáp ứng nhanh chóng; học viên có thể truy cập các khoá học ở bất kỳ nơi đâu có kết nối internet. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đào tạo trực tuyến giúp giảm khoảng 60% chi phí (đi lại, thuê địa điểm…); giảm thời gian đào tạo từ 20 - 40% so với phương pháp giảng dạy truyền thống nhờ hạn chế sự phân tán và thời gian đi lại. Đồng thời, học viên có thể chọn lựa những khoá học có sự chỉ dẫn trực tuyến của giảng viên hoặc khoá học tự tương tác, tự điều chỉnh tốc độ học theo khả năng và có thể nâng cao kiến thức thông qua những thư viện trực tuyến.

Tuy vậy, thực tiễn hoạt động đào tạo trực tuyến thời gian qua cho thấy rõ một số hạn chế như: điều kiện về tổ chức, con người, phương pháp giáo dục, hạ tầng công nghệ… Bên cạnh đó, về phương pháp cũng như tư duy của giáo viên và học sinh, sinh viên chưa sẵn sàng cho sự chuyển đổi sang học tập trực tuyến. Đặc biệt, các hướng dẫn về đào tạo trực tuyến còn khá mơ hồ, chưa căn cứ vào các tiêu chuẩn thông dụng của quốc tế. Hơn nữa, hệ thống quản lý giáo dục chưa theo kịp sự phát triển; công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát chưa phù hợp phương thức dạy học mới; tiến độ học tập chưa phù hợp và cách quản lý vẫn mang nặng tính chất của dạy học trực tiếp.

Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội Trương Tiến Tùng cho rằng, việc thực hiện hình thức đào tạo này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. “Người học từ tiếp cận thuyết giảng thì nay đổi sang tự học theo định hướng của người dạy với tài nguyên số ngày một tăng. Người dạy cũng phải thay đổi từ thuyết giảng giáp mặt sang cung cấp các nội dung số cho người học và hướng dẫn họ tìm kiếm tài nguyên số phục vụ cho quá trình học tập. Bởi vậy, trong tương lai, đào tạo trực tuyến sẽ là cơ hội nhưng cũng là thách thức của nền giáo dục nước nhà” - ông Tùng nhận định.

Đảm bảo kỹ năng, cơ sở vật chấtđáp ứng yêu cầu

Để đào tạo trực tuyến trở thành một hình thức học tập thường xuyên trong tương lai, các cơ sở giáo dục cần phải coi hình thức đào tạo này là vấn đề chiến lược, mang lại lợi ích lâu dài, được đầu tư bài bản, thấu đáo. Theo PGS,TS. Phạm Đức Quang - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đào tạo trực tuyến muốn đạt chất lượng, hiệu quả thì cần đảm bảo cơ sở vật chất và điều kiện cho hệ sinh thái đào tạo trực tuyến. Trong đó, áp dụng các nền tảng công nghệ hiện đại như: nền tảng cloud (điện toán đám mây) giúp dễ dàng cung cấp sản phẩm theo hướng phần mềm như một dịch vụ cho khách hàng; ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), VR (thực tế ảo)/AR (thực tế tăng cường) nhằm triển khai được các phòng thí nghiệm vật lý và hóa học an toàn hơn so với các phòng thí nghiệm truyền thống; ứng dụng Big Data (dữ liệu lớn) nhằm dự báo và dự đoán trong các bài toán quản lý giáo dục; ứng dụng IoT (internet vạn vật) nhằm cho phép điểm danh và tự động nhắn tin về cho phụ huynh khi con em không đến trường hay đến muộn, cho phép học sinh tương tác trực tiếp với sách điện tử qua bút điện tử và thầy/cô tương tác với học sinh thông qua bảng tương tác, cảm ứng và máy tính bảng; ứng dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) trong việc quản lý và cấp phát văn bằng.

Bên cạnh đó, để đào tạo trực tuyến trở thành một hình thức học chính thức, ngang hàng với học trực tiếp, cũng như hỗ trợ cho học trực tiếp, nhiều ý kiến đề xuất, cần đặt ra những yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cho nội dung đào tạo trực tuyến. Trong đó, về kỹ thuật, cần đảm bảo cơ sở vật chất hạ tầng thiết bị, đường truyền internet, phần mềm học tập được trang bị, hỗ trợ đầy đủ, ổn định. Về chuyên môn, cần tập huấn cho giáo viên về dạy học phân hóa trong thiết kế nội dung; tương thích các phần mềm dạy học; cung cấp, khai thác và tích hợp với tài nguyên trên mạng internet một cách hợp lý. Trong quản lý, cần có phần mềm quản lý hệ thống tích hợp với phần mềm môn học để có thể đánh giá quá trình học tập, quản lý giảng dạy giúp việc học có thể được triển khai ở nhiều cấp độ: học với máy, học có hướng dẫn của giáo viên, học trong xã hội học tập. Bởi, chỉ khi có sự chuẩn bị tốt, nội dung dạy học đạt yêu cầu thì đào tạo trực tuyến mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả học tập; đồng thời đó là điều kiện để xác thực, chính thức hóa việc học tập này. Ngoài ra, các cơ quan quản lý giáo dục có thể tham khảo một số bộ tiêu chuẩn, khung tham chiếu đánh giá đào tạo trực tuyến thành công trên thế giới để chọn lọc và từng bước bổ sung cho bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo trực tuyến phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Đào tạo trực tuyến: Cần sự đầu tư bài bản để đảm bảo chất lượng