Đảm bảo công bằng cho các thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021

(BKTO) – Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 (Kỳ thi) sẽ diễn ra trên cả nước. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các địa phương tập trung triển khai, hướng đến mục tiêu tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, đi đôi với công tác phòng, chống dịch bệnh.



Tập trung tối đa nguồn lực chuẩn bị cho Kỳ thi

Trao đổi với báo chí mới đây liên quan đến công tác chuẩn bị cho Kỳ thi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh, cho biết: Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp cùng các địa phương tích cực chuẩn bị cho Kỳ thi. Đến nay, các công tác chuẩn bị được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng tiến độ với nhiều phương án linh hoạt, chủ động cho Kỳ thi.

Cụ thể, mới đây, Bộ GD&ĐT đã có Văn bản gửi Bộ Công an về việc phối hợp chỉ đạo tổ chức Kỳ thi. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các tỉnh phối hợp với Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh và các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục có liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho Kỳ thi.
                
   

Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi cơ bản hoàn tất để hướng đến phục vụ tốt nhất cho Kỳ thi, cho các thí sinh.

   

Bố trí lực lượng cảnh sát bảo vệ vòng trong, vòng ngoài khu vực thi, bố trí lực lượng và phương tiện kỹ thuật để kiểm tra an ninh khu vực ra đề thi, trang thiết bị phục vụ công tác ra đề thi và cán bộ tham gia ra đề thi; có biện pháp bảo mật thông tin trong quá trình ra đề thi và toàn bộ quá trình vận chuyển, in sao đề thi... góp phần bảo đảm kỷ cương và công bằng trong Kỳ thi.

Đặc biệt, xác định Kỳ thi được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, Bộ GD&ĐT cũng đã có Văn bản đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế, bệnh viện tại địa phương thực hiện một số công việc trong Kỳ thi, đảm bảo an toàn tối đa cho thí sinh và lực lượng liên quan đến Kỳ thi.

Còn theo Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường, xác định công tác thanh, kiểm tra đóng vai trò quan trọng, góp phần tăng cường kỷ luật thi cử, vừa qua, Bộ cũng đã tổ chức tập huấn trực tuyến nghiệp vụ cho các lực lượng làm công tác coi thi. Theo đó, trong hai ngày (9 và 10/6), Bộ GD&ĐT đã chủ trì Hội nghị trực tuyến để tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng làm thi, lực lượng thanh tra, kiểm tra Kỳ thi. “Theo quy định, Kỳ thi được phân cấp trách nhiệm cho địa phương, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chung, toàn diện về Kỳ thi, bảo đảm Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng” - ông Cường cho biết.

Nêu quan điểm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đó là “không có điểm mờ, không có điểm trống” trong công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi, ông Nguyễn Đức Cường cũng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập 10 đoàn kiểm tra ngẫu nhiên, đột xuất tại 20 Sở GD&ĐT; tại 63 tỉnh, thành phố sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra do lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học làm Trưởng đoàn; bên cạnh đó là các đoàn giám sát của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia... để siết chặt kỷ luật thi cử.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đoàn công tác về các địa phương để kiểm tra công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tại địa phương, qua đó kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ địa phương trong công tác chuẩn bị cho Kỳ thi.

Sẵn sàng phương án thi phù hợp cho thí sinh trong bối cảnh dịch bệnh

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong đó nhiều thí sinh thuộc diện cách ly y tế do nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 và không thể tham gia Kỳ thi theo kế hoạch, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết đã chủ động phương án tổ chức 2 đợt thi.

Trong đó, đợt 1 của Kỳ thi vẫn diễn ra theo đúng lịch đã công bố (ngày 7-8/7). Đợt thi này được tổ chức thi cho những nơi an toàn và cho những thí sinh không thuộc diện F0, F1, F2. Hiện, công tác chuẩn bị cho đợt thi này đã cơ bản được hoàn tất.
                
   

Đảm bảo công bằng cho thí sinh tham gia Kỳ thi

   

Đợt 2 dành cho các thí sinh chưa thể dự thi ở đợt thứ nhất. Về thời gian thi đợt 2, Bộ GD&ĐT sẽ cùng các địa phương tính toán một cách kỹ lưỡng, để vừa bảo đảm phòng, chống dịch; vừa giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng và công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021 – 2022.

Đề cập đến băn khoăn của người dân khi tổ chức đợt thi thứ 2, đặc biệt là lo ngại không công bằng giữa hai đợt thi, do thí sinh phải thi đợt 2 có thể bị ảnh hưởng đến đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, ông Trinh cho biết, vấn đề này đã được Bộ GD&ĐT tính toán và đưa vào phương án dự phòng. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng đề thi cho các đợt thi bảo đảm sự tương đồng về độ khó để đảm bảo công bằng với các thí sinh ở các đợt thi khác nhau.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng điều chỉnh phương thức, thời gian và chỉ tiêu tuyển sinh, bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng bằng cách sử dụng kết quả Kỳ thi với nhiều đợt thi khác nhau, đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, tính công bằng của Kỳ thi.
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Đảm bảo công bằng cho các thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021