Đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số

(BKTO) – Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, song việc phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn được đặc biệt qua tâm; nhiều mục tiêu được Chính phủ đề ra đã được hoàn thành, từ đó góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh tại đây. Đây là đánh giá được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các đại biểu đưa ra tại Hội thảo tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 5596 của Bộ GD&ĐT ngày 29/9.



Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ

Tại Hội thảo, lãnh đạo Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngày 24/11/2016, Bộ GD&ĐT có Quyết định số 5596/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục thực hiện một số Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020 gắn với Mục tiêu phát triển bền vững 2030. Trong đó có mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ với các DTTS.

Trong giai đoạn 2015-2020, việc thực hiện Quyết định 5596 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là việc thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ đối với đồng bào DTTS đã vượt chỉ tiêu đề ra năm 2020.

Theo đó, năm 2020, tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 98,57%. Tỷ lệ trẻ DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,4%. Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi 15-60 tuổi biết chữ đạt 93,9%. Tính đến năm 2020, 50/51 các tỉnh vùng DTTS, miền núi đạt và vượt chỉ tiêu học sinh đi học đúng độ tuổi, 51/51 tỉnh vượt chỉ tiêu hoàn thành chương trình tiểu học.
                
   

50/51 các tỉnh vùng DTTS, miền núi đạt và vượt chỉ tiêu học sinh đi học đúng độ tuổi. Ảnh: N.LỘC

   

Những kết quả này, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Minh là “rất đáng khích lệ”. Những chỉ số này cho thấy nỗ lực của các cấp, các ngành và các địa phương trong 5 năm qua để từng bước nâng cao và phát triển bền vững GD&ĐT vùng đồng bào DTTS ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đại diện Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT cũng cho rằng, kế hoạch hành động của ngành Giáo dục phải đối mặt với nhiều thách thức. Đơn cử, ở vùng DTTS, miền núi, điều kiện sống của người dân còn khó khăn, việc chăm sóc giáo dục con em, quan tâm đầu tư việc học tập còn bất cập; điều kiện cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu, chưa đồng bộ, trang thiết bị còn chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học nên việc huy động học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đối với DTTS còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa có sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, coi đây là nhiệm vụ của ngành Giáo dục. Chất lượng dạy học cấp tiểu học ở một số tỉnh chưa cao, các lớp xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Cần tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng cao

Tại Hội thảo, một số Sở GD&ĐT kiến nghị cần có các chế độ, chính sách ưu tiên đối với cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác và học sinh DTTS học tập tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất cho trường học ở khu vực miền núi, DTTS sớm đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, do đặc thù là địa bàn vùng cao, thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất cả nước, việc đầu tư nguồn lực cho các trường dành cho học sinh DTTS gặp nhiều rào cản. Ngành Giáo dục địa phương đã cố gắng huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây mới, kiên cố hóa cơ sở trường lớp cũng như đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh… song kết quả không được như mong muốn, khi nguồn lực xã hội tại các địa bàn vùng cao rất hạn chế.

Còn theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang Vũ Đình Hưng, đối với các trường vùng cao nói chung và trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói riêng, cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường thuộc vùng DTTS đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ quản lý và giáo viên các vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống.
                
   

Cần tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng cao. Ảnh: N.LỘC

   

Các ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững GD&ĐT khu vực DTTS thì không chỉ dựa vào một mình ngành Giáo dục, mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Những kết quả đến từ sự phối hợp giữa các ngành trong thời gian qua cần tiếp tục được phát huy.

Đặc biệt, với chủ trương của Đảng, Nhà nước là hết sức chăm lo cho đồng bào DTTS vùng cao, cũng như giáo dục vùng cao, vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo ông Hà Việt Quân - Chánh văn phòng điều phối Chương trình, trong dự án 5 của Chương trình, Bộ GD&ĐT được giao chủ trì Tiểu dự án 1 về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS. Theo đó, Tiểu dự án bao gồm 4 mục tiêu chính: Đổi mới hoạt động của cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho con em đồng bào DTTS, miền núi; Củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú để bảo đảm việc tổ chức dạy học và nuôi dưỡng học sinh DTTS; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi người về công tác xóa mù chữ.

“Đây sẽ là nguồn hỗ trợ quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa giáo dục đến với gần hơn với học sinh DTTS” - ông Quân nhấn mạnh và cho rằng, ngành Giáo dục cần tiếp tục phối hợp với các địa phương, các cơ quan có liên quan để triển khai các chương trình, tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư, từ đó mang lại hiệu quả trong phát triển giáo dục vùng cao.

NGUYỄN LỘC


Cùng chuyên mục
Đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số