Chuyển đổi để thích ứng, giáo dục đại học kiên trì mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(BKTO) – Là bậc học ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm, triển vọng nghề nghiệp của người lao động, giáo dục đại học (GDĐH) vì thế có tác động trực tiếp, sâu rộng đến toàn xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp, cũng giống như nhiều bậc học khác, GDĐH cũng phải nỗ lực để đảm bảo chất lượng dạy, học, đảm bảo chuẩn đầu vào cũng như chuẩn đầu ra cho lực lượng lao động bậc cao.



Tại Hội nghị GDĐH năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 24/8, đại diện các cơ sở GDĐH đã tập trung làm rõ những kết quả dạy, học trong năm học qua và đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng dạy, học trong điều kiện dịch bệnh.

Vượt khó trong đại dịch

Báo cáo kết quả chủ yếu của GDĐH năm học 2020-2021, Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy cho biết: Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, GDĐH đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ năm học, cả về đào tạo và tuyển sinh. Cùng với đó, các cơ sở GDĐH còn có đóng góp đáng kể cùng các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
                
   

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho nhiều hoạt động của GDĐH không được thực hiện. Ảnh: N.LỘC

   

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, các cơ sở GDĐH đã áp dụng phương thức giảng dạy và học tập trực tuyến linh hoạt trong tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả học tập; từ đó vừa hoàn thành kế hoạch năm học, vừa bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh; đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong GDĐH.

Công tác tuyển sinh được triển khai bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo theo đúng quy định của pháp luật. Công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để, giúp công tác tuyển sinh bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; đồng thời giảm tối đa thí sinh ảo...

         
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song một số cơ sở GDĐH Việt Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân) tiếp tục có tên trong một số bảng xếp hạng có uy tín của thế giới trong năm 2021 như Times Higher Education (THE), Center of World University Rankings (CWUR) ở một số tiêu chí đánh giá cụ thể.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số cơ sở GDĐH có điều kiện cơ sở chưa tương xứng với quy mô đào tạo; một số trường hoạt động kém hiệu quả, tuyển sinh thấp so với năng lực. Số lượng chương trình đào tạo của GDĐH được kiểm định chưa tăng nhiều. Việc đổi mới phương pháp dạy và học để khai thác thế mạnh của công nghệ còn chậm...

Trong khi đó, đại diện nhiều cơ sở GDĐH cho rằng, thực tế hình thức học trực tuyến vẫn có những khó khăn. Đó là chất lượng một số buổi học không được như kỳ vọng. Trong lớp học online, sinh viên không nhận được sự tương tác với thầy, trò; các bên chưa thực sự làm quen với hình thức học này. Do đó, các giải pháp dạy học online vừa qua mới chỉ dừng lại ở giải pháp tình thế, chưa đáp ứng được yêu cầu cao về chất lượng.

PGS,TS. Nguyễn Đắc Trung (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết: Học tập trực tuyến, nhiều sinh viên ở vùng sâu, vùng xa nên đường truyền mạng không tốt. Nhiều gia đình không có điều kiện mua được thiết bị phù hợp. “Để hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên, Trường đã có những chương trình ủng hộ của thầy cô, hợp tác với DN... mua máy tính tặng sinh viên. Tuy nhiên, những nỗ lực đó cũng chưa thể giải quyết hoàn toàn khó khăn này” - PGS,TS. Nguyễn Đắc Trung cho biết.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện dạy và học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như hiện nay, việc nâng cao chất lượng đào tạo tiếp tục là một thách thức; Bộ GD&ĐT cần hoàn thiện các chính sách, quy định có liên quan đến việc dạy, học, thi cử trực tuyến... để đảm bảo thống nhất triển khai, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người học.

Tăng cường chuyển đổi số, kiên trì mục tiêu chất lượng

Chia sẻ về định hướng năm học 2021-2022, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết: Xác định dịch bệnh có thể còn kéo dài, song các cơ sở GDĐH vẫn phải chú trọng đến chất lượng đào tạo. Về phía Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này cũng như các chính sách để kiện toàn, củng cố, tăng cường hệ thống kiểm định chất lượng; đẩy mạnh hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng; xây dựng chuẩn chương trình đào tạo...
                
   

GDĐH phải thích ứng với việc dạy - học trực tuyến. Ảnh: Nguyễn Chiêm

   

Năm học tới, GDĐH sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành Thông tư quy định quản lý, xây dựng, sử dụng cơ sở dữ liệu; các trường khẩn trương rà soát và thực hiện số hóa thông tin, quản lý theo chuẩn dữ liệu số...

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, nhấn mạnh: Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, chưarõ thời điểm kết thúc. Do đó, cần xác định những nhiệm vụ, giải pháp đột phá, quyết liệt chuyển trạng thái của ngành GD&ĐT nói chung, hệ thống GDĐH nói riêng, để phù hợp, thích ứng trong bối cảnh mới, đưa hệ thống GDĐH ViệtNam tiếp tục phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội củađất nước.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định: Trong năm học với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tình hình dịch bệnh, thiên tai, hệ thống GDĐH đã nỗ lực, cố gắng vượt qua, hoàn thành kế hoạch và nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng của năm học.

Về năm học mới 2021-2022, Bộ trưởng cho rằng ngành giáo dục phải tiếp tục khắc phục khó khăn, kiên trì mục tiêu chất lượng; tiếp tục đổi mới và thực hiện các mục tiêu cơ bản đã được nêu ra theo định hướng của ngành.

Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành nói chung, GDĐH nói riêng tăng cường các biện pháp để điều chỉnh thích nghi với hoàn cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài. Năm học mới, GDĐH cần tiếp tục chuyển đổi từ đào tạo trực tiếp sang kết hợp đào tạo trực tuyến. "Nhân chuyển đổi này, GDĐH cần tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện. Trong đó, phải kiên trì vấn đề bảo đảm chất lượng đào tạo" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Triển khai kế hoạch năm học mới linh hoạt, phù hợp tình hình dịch Covid-19
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) – Đây là yêu cầu được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra trong Chỉ thị “Về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo”, ban hành ngày 24/8.
  • Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Những mùa thu lịch sử"
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) – Nhân Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021) và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2021), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những mùa thu lịch sử”.
  • Ngày 24/8, Việt Nam ghi nhận 10.811 ca nhiễm Covid-19 mới
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) – Tối 24/8, Bộ Y tế cho biết, tính từ 18h30 ngày 23/8 đến 18h ngày 24/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.811 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 10.797 ca ghi nhận trong nước. Trong ngày cũng đã có thêm 7.663 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; 348 ca tử vong do Covid-19.
  • Rà soát, thu hồi các sản phẩm tự ghi công dụng phòng và điều trị Covid-19
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 24/8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có Công văn số 1608/ATTP-PCTTR gửi sở y tế các tỉnh, thành phố và Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh về việc tăng cường kiểm soát việc tự công bố, ghi nhãn và quảng cáo sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19.
  • Bộ Y tế: nghiêm cấm việc thu tiền tiêm vắc xin phòng Covid-19
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 24/8, Bộ Y tế có Công điện số 1242/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các bệnh viện, trường đại học trực thuộc Bộ Y tế về việc chấn chỉnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Chuyển đổi để thích ứng, giáo dục đại học kiên trì mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao