Chỉ có tự chủ, chất lượng giáo dục phổ thông mới được nâng lên

(BKTO) - Đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - bên lề Hội thảo giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT) được tổ chức mới đây tại Hà Nội.



Thưa Tiến sĩ, ông có nhận định ra sao về chất lượng GDPT hiện nay?

         

   Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm
- Theo tôi là chưa đạt yêu cầu. Điều này được thể hiện rõ trên một số vấn đề đang được dư luận xã hội, phụ huynh học sinh quan tâm hiện nay như: dạy học ngoại ngữ chất lượng còn yếu kém; công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông đầu cấp vẫn mờ nhạt, dù công tác này đã triển khai được vài năm nay; dự án mô hình trường học mới (VNEN) được triển khai khá rầm rộ với tổng số vốn 87,6 triệu USD song đã bộc lộ nhiếu thiếu sót, bất cập và không được nhiều cơ sở giáo dục đón nhận.

Hàng chục năm hô hào đổi mới phương pháp dạy học đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa làm rõ được định hướng và nội dung đúng đắn cho việc đổi mới phương pháp dạy học ở từng cấp học.

Tại Hội thảo giáo dục 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đã nhấn mạnh đến 3 nội dung tạo nên chất lượng của GDPT. Đó là: chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên và công tác quản lý GDPT… Đây cũng chính là những tồn tại mà ngành Giáo dục cần phải sớm khắc phục.

Theo Tiến sĩ, đâu là nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế nêu trên?

- Có rất nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng theo tôi, một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển của đất nước là do chưa thoát ra khỏi một nền “giáo dục ứng thí”, trong đó mục tiêu chủ yếu của người học là đi thi.

Người học đáng lẽ phải thấm nhuần mục tiêu: Học để biết, học để làm, học để hòa nhập cộng đồng và để tự khẳng định mình; còn thi cử chỉ là một khâu nhỏ trong học tập để có thể đánh giá sự thu hoạch của người học chứ không phải mục đích cuối cùng.

Điều đáng tiếc là trong nhiều văn bản bàn giải pháp nâng cao chất lượng GDPT, việc định hình tư tưởng về một nền giáo dục mới, chất lượng vẫn chưa rõ ràng. Điển hình như tại Chương trình GDPT tổng thể đã được công bố, yếu tố quan trọng nhất, giúp dẫn dắt, định hướng quá trình giáo dục và đào tạo là triết lý giáo dục lại chưa được đặt ra một cách xác đáng. Đơn cử như việc, xưa thì giáo dục phải đào tạo con người “vừa hồng vừa chuyên”, nay thì phải đặt ra câu hỏi làm sao để đất nước không bị tụt hậu về kinh tế, khoa học…

Ngoài ra, công tác quản lý giáo dục cứng nhắc đến mức trói buộc sự năng động sáng tạo của cơ sở giáo dục và giáo viên, học sinh cũng là nguyên nhân trực tiếp. Mô hình quản lý giáo dục ngoài công lập có ưu thế hơn hẳn cơ chế quản lý truyền thống ở các trường công lập ở chỗ nó có chủ sở hữu, quản lý trực tiếp và tự chịu trách nhiệm, do đó năng động hơn, nhạy bén hơn và có quyết sách kịp thời hiệu quả hơn.

Thực hiện quyền tự chủ trong nhà trường đang được coi là “bảo kiếm” để nâng cao chất lượng GDPT. Tiến sĩ có suy nghĩ gì về điều này?

- Không chỉ với các cơ sở giáo dục đại học, GDPT cũng cần được đẩy mạnh giao quyền tự chủ. Chỉ có tự chủ, chất lượng GDPT mới nâng lên được. Tuy nhiên, từ tự chủ trên văn bản đến tự chủ trên thực tế là một khoảng cách lớn. Đến nay, không chỉ riêng các trường mà ngay nhiều sở, phòng giáo dục và đào tạo cũng không có quyền trong tuyển dụng giáo viên. Do các cơ quan quản lý giáo dục của nhà nước chưa thấy được trong nền kinh tế thị trường, các cơ sở giáo dục đều là những đơn vị sự nghiệp phục vụ dịch vụ công.

Phải hiểu các cơ sở giáo dục đào tạo được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là một bước tiến cơ bản để nền giáo dục Việt Nam tiến đến chất lượng giáo dục với đầy đủ ý nghĩa của nó. Dĩ nhiên, việc tự chủ phải trong khuôn khổ, theo quy định của Nhà nước chứ không phải muốn làm gì thì làm.

Điều đáng mừng là vừa qua, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thể hiện quan điểm đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông để họ được quyền quyết định trong tuyển dụng giáo viên, tránh bất cập, vênh giữa nhu cầu với thực tế và với tính chất công việc. Hi vọng rằng, trong thời gian sắp tới, việc thực hiện giao quyền tự chủ sẽ được đẩy mạnh giúp các trường có thêm động lực để đổi mới và không còn bị "trói" bởi các quy định rào cản.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
NGUYỄN LỘC (thực hiện)
Theo Tuần Báo ra ngày 28-9-2017
Cùng chuyên mục
  • Đầu tư cho thể dục, thể thao:  Không để vận động viên sống… “thoi thóp”!
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cùng với việc chú trọng đầu tư vào các môn thể thao trọng điểm, yêu cầu cải thiện, nâng cao chế độ, chính sách cho các vận động viên (VĐV) là 2 trong số những nội dung đáng quan tâm tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao (TDTT).
  • Bàn giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Tọa đàm “Các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp”. Tại Tọa đàm, các chuyên gia và đại diện một số mô hình khởi nghiệp đã thảo luận, đưa ra những khuyến nghị về chính sách nhằm hỗ trợ nông dân khởi nghiệp.
  • Bàn giao nhà tình nghĩa tại 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Từ ngày 21 -22/9, KTNN khu vực VII đã bàn giao 2 căn nhà tình nghĩa cho gia đình ông NgầnVăn Lả - cựu thanh niên xung phong, thuộc diện hộ nghèo tại bản Khoang, xãChiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La và gia đình ông Nông Văn Công -thương binh hạng 2/4, tại bản Na Púng, phường Thanh Trường, TP.Điện Biên Phủ,tỉnh Điện Biên.
  • Năm học mới:  Lại “nóng” các khoản thu ngoài luồng
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năm học mới 2017-2018 vừa chính thức bắt đầu được ít ngày, thế nhưng, câu chuyện lạm thu tiếp tục trở thành chủ đề “nóng” khi tình trạng thu ngoài quy định tại các cơ sở giáo dục xuất hiện ngày càng nhiều.
  • Chi đoàn Văn phòng KTNN tọa đàm về văn hóa công sở
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chiđoàn thanh niên Văn phòng KTNN vừa tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề, Tọa đàm về vănhóa công sở.
Chỉ có tự chủ, chất lượng giáo dục phổ thông mới được nâng lên