"Chặn" ma tuý vào trường học

(BKTO) – Thời gian vừa qua, vấn nạn ma túy học đường có dấu hiệu gia tăng, với nhiều hình thức đưa ma túy vào trường học rất tinh vi, nguy hiểm. Trong đó, không ít học sinh là nạn nhân, đồng thời là người trực tiếp đưa ma túy vào trường học để buôn bán, trao đổi. Hơn bao giờ hết, công tác phòng, chống ma túy trong trường học cần đặt ra ở mức cảnh báo cao nhất để ngăn chặn kịp thời tệ nạn này.



Ma túy đang xâm nhập mạnh mẽ vào trường học

Theo Bộ Công an, tệ nạn ma túy đang trở thành vấn đề đáng báo động, đặc biệt là ở giới trẻ, thanh thiếu niên. Tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, nắm rõ học sinh, sinh viên (HS,SV) ở độ tuổi dễ bị lôi kéo, nên tìm đủ mọi cách đưa ma túy vào học đường thông qua những điểm, tụ điểm xung quanh nhà trường và từ chính HS,SV.
                
   

Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo HS,SV tránh xa ma túy. Ảnh: Internet

   

Gần đây còn có tình trạng mua, bán ma túy qua mạng xã hội hoặc theo hình thức bán đa cấp, lợi dụng chính HS,SV nghiện ma túy là người bán hàng. Hình thức này rất nguy hiểm, vì có thể phát tán nhanh, khiến nhiều người trẻ trở thành nạn nhân.

Cuối tháng 4/2021, 4 HS một trường trung học phổ thông ở tỉnh Hải Dương đã bị Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP. Hải Dương bắt quả tang khi đang tẩm ma túy vào thuốc lào và dùng điếu cày để hút. Mới đây nhất, ngày 7/6, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên đường Chùa Bộc, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, lực lượng Cảnh sát cơ động đã phát hiện 2 nữ SV tàng trữ trái phép chất nghi là cần sa…

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học và hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021 do Bộ giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức, những vấn đề “nóng” liên quan đến tệ nạn ma túy đang xâm nhập mạnh mẽ vào trường học đã được các đại biểu tập trung thảo luận.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HS,SV Bùi Văn Linh, vừa qua, nhiều cơ sở giáo dục đã phối hợp với lực lực công an triệt phá nhiều vụ án liên quan đến tàng trữ, sử dụng ma túy tại trường học. Đáng chú ý, khi nhiều HS,SV là người sử dụng ma túy, nhưng đồng thời cũng là người buôn bán, đưa ma túy vào trường học.

Trong khi đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc để tồn tại các điểm hàng quán, quanh khu vực trường học cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sử dụng, lây nhiễm tệ nạn ma túy, điển hình như một số trường hợp tẩm ma túy vào đồ ăn, đồ uống được phát hiện thời gian qua.

Box: Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến cuối năm 2020, nước ta có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghi nghiện và số người nghiện ma túy có thể còn cao hơn gấp nhiều lần. 60% số người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15 đến 25 tuổi, trong đó nhiều người đang là HS,SV.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn ma túy học đường

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, trước bối cảnh phức tạp của ma túy, tệ nạn xã hội, Bộ GD&ĐT đã, đang tích cực triển khai nhiều biện pháp trong và ngoài trường học nhằm giúp HS,SV có đủ sức đề kháng để phòng ngừa, nói không với ma túy, tệ nạn xã hội.

Đáng chú ý, ngành giáo dục đã cung cấp cho HS bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy, giúp các em nhận thức rõ tác hại của ma túy và hướng dẫn chi tiết về kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ không an toàn. Đặc biệt, 2 cuốn "Kỹ năng phòng chống ma túy cho cha mẹ HS", "Kỹ năng phòng chống ma túy cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục" cung cấp cho các bậc phụ huynh nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết giúp phòng ngừa ma túy cho con em, cũng như cách xử lý, giúp đỡ con em không may đã sử dụng ma túy.

Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận của đại diện lãnh đạo một số Sở GDĐT; trong đó có những giải pháp thực tế nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn ma túy trong trường học.

Ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hằng năm, các trường trên địa bàn Thành phố đã phối hợp với trung tâm y tế tổ chức khám sức khỏe, đồng thời sàng lọc các trường hợp nghi vấn có sử dụng ma túy; xét nghiệm sử dụng ma túy ngẫu nhiên và xét nghiệm đột xuất khi cần thiết. Việc lập hòm thư tố giác, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin liên quan đến việc tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy trong và ngoài nhà trường được duy trì đồng thời với việc tăng cường phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục HS.

Tại Hội nghị, các SV tham dự cũng cho rằng, hiện vẫn còn không ít SV chưa hiểu rõ và đầy đủ nguy hại của ma túy nên dễ bị lôi kéo. Để phòng, tránh thủ đoạn của các đối tượng xấu, SV cần hạn chế đến các địa điểm không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi; không tiếp xúc với các đối tượng có biểu hiện nghiện ngập, thường xuyên có thói ăn chơi, đua đòi…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đề nghị các cơ sở giáo dục căn cứ vào diễn biến của dịch Covid-19 lựa chọn tổ chức các mô hình tuyên truyền giáo dục phù hợp với HS,SV tránh xa ma túy. Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở GD&ĐT phối hợp, chủ động tham mưu với chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các nhóm nhiệm vụ đã có kế hoạch chi tiết về phòng, chống ma túy trong trường học, từ đó góp phần ngăn chặn hiệu quả tệ nạn này trong thời gian tới.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
"Chặn" ma tuý vào trường học